fbpx

Trợ cấp mía đường, Ấn Độ đối mặt với cuộc điều tra của WTO

Ấn Độ đang đối mặt với cuộc điều tra của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chương trình trợ cấp mía đường sau khi 3 nước xuất khẩu đường gồm Úc, Brazil và Guatemala khiếu nại vì cho rằng chương trình này đang góp phần dẫn đến tình trạng dư thừa đường trên toàn cầu.

Các bó mía được bày bán tại một chợ bán sỉ ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Các bó mía được bày bán tại một chợ bán sỉ ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tháng trước, Úc, Brazil và Guatemala yêu cầu thành lập một ban hội thẩm giải quyết tranh chấp tại WTO để điều tra về việc liệu chương trình trợ cấp mía đường của Ấn Độ có vi phạm các quy tắc thương mại của WTO hay không. Tuy nhiên, Ấn Độ đã bác bỏ yêu cầu này.

Trong tuần này, 3 nước tiếp tục đề cập lại vấn đề. Hôm 15/8, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã đồng ý thành lập ban hội thẩm giải quyết khiếu nại của họ.

Theo quy trình giải quyết tranh chấp ở WTO, sau khi ban hội thẩm tiến hành điều tra và đưa ra phán quyết, Ấn Độ phải tuân thủ, nếu không nước này có thể bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại.

Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc, Simon Birmingham, cho biết Úc đã nỗ lực giải quyết vấn đề bên ngoài hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO bằng cách khiếu nại Ấn Độ ở “các cấp cao nhất”.

Không may, các khiếu nại của chúng tôi gửi đến Ấn Độ và những khiếu nại của các nước xuất khẩu đường khác cho đến nay vẫn không có kết quả. Điều này khiến chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành khiếu kiện để giải quyết tranh chấp chính thức ở WTO cùng với Brazil và Guatemala”.

Ấn Độ thiết lập giá mua mía tối thiểu mà các nhà máy đường phải trả cho các nông dân và cũng ấn định giá bán đường tinh luyện tối thiểu mà các nhà máy mía đường bán cho các công ty và người tiêu dùng.

Nước này cho rằng các chính sách này là cần thiết để bảo vệ đời sống của 60 triệu nông dân trồng mía, phần lớn là những người sở hữu các cánh đồng mía nhỏ, có năng suất thấp và chi phí sản xuất cao hơn so với mức trung bình trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà máy đường Ấn Độ, vốn đang sử dụng khoảng 600.000 lao động, thường không thể trả tiền mua mía cho nông dân đúng theo thời hạn quy định, dẫn đến những khoản nợ khổng lồ.

Hồi tháng 2 năm nay, Ấn Độ nâng giá bán tối thiểu của đường tinh luyện thêm 7% để hỗ trợ các nhà máy đường tăng nguồn thu, giúp thanh toán một phần trong khoản nợ quá hạn 2,8 tỉ đô la Mỹ của họ đối với nông dân.

Để giúp giải quyết các khó khăn của ngành mía đường, Ấn Độ cũng cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu đường và yêu cầu các ngân hàng nhà nước phải cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nhà máy đường.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ 2019/2020 sẽ đạt khoảng 30 triệu tấn, giảm 8,5% so với niên vụ trước. Úc, Brazil và Guatemala cho rằng chương trình trợ cấp mía đường và các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu đường của Ấn Độ vi phạm các cam kết của nước này đối với WTO, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung đường toàn cầu, khiến giá đường không ngóc dậy nổi dù đang ở mức dưới giá thành sản xuất 0,12 đô la/pound (0,45 kg).

Ngành mía đường Úc có giá trị 1,35 tỉ đô la mỗi năm và đang hỗ trợ cho 40.000 việc làm. Úc đang lo ngại đường xuất khẩu được trợ giá của Ấn Độ sẽ thay thế dần đường của Úc ở các thị trường xuất khẩu truyền thống như Indonesia.

Úc cho rằng Ấn Độ phải chịu trách nhiệm về việc góp phần tạo ra nguồn cung quá mức trên thị trường quốc tế. Theo Úc, sản lượng đường Ấn Độ tăng từ 22 triệu tấn trong niên vụ 2016 – 2017 lên 34 triệu tấn trong niên vụ 2017 – 2018 và điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn cung đường dư thừa 12 triệu tấn trên toàn cầu vào năm ngoái. Theo Úc, giá đường bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 9/2018 sau khi Ấn Độ thông báo trợ cấp cho ngành mía đường thêm 1 tỉ đô la bao gồm trợ cấp chi phí vận tải cho các nhà máy đường nằm cách các cảng xuất khẩu hơn 100km.

Brazil cho biết trong hai năm qua, Ấn Độ tăng hạn ngạch xuất khẩu đường từ 2 triệu tấn lên 5 triệu tấn. Giờ đây, các nhà máy đường Ấn Độ đang yêu cầu chính phủ cung cấp thêm các biện pháp hỗ trợ để xuất khẩu 7 – 8 triệu tấn đường trong niên vụ sắp tới, theo Abinash Verma, Tổng Giám đốc Hiệp hội Các nhà máy đường Ấn Độ.

Ấn Độ bác bỏ các khiếu nại của ba nước trên với lập luận rằng chương trình hỗ trợ mía đường dành cho hàng chục triệu nông dân thu nhập thấp là sự chia sẻ công bằng trong tiến trình phát triển kinh tế. Ấn Độ khẳng định các biện pháp hỗ trợ nông dân trồng mía phù hợp với quy tắc thương mại toàn cầu và không tạo ra tác động bất lợi nào cho thị trường đường toàn cầu.

Chánh Tài

Theo TBKTSG Online/ Financial Times, Reuters

 

CÙNG CHUYÊN MỤC