Xứ chùa đất Huế
Đã từng nhiều lần đi suốt dặm dài đất nước, lang thang nhiều danh thắng và tham quan chùa chiền các xứ: từ các chùa rất lớn và cổ kính của các tỉnh phía Bắc đến các chùa tận Tây Nam tổ quốc, kể cả những ngôi chùa đặc trưng của vùng Khmer Nam bộ. Nhưng ngẫm lại tôi vẫn thích những ngôi chùa cổ ở Huế.
“Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng.
Tháp bảy tầng, Thánh miếu, chùa Ông,
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa.
Cầu Trường Tiền mười hai nhịp bắc qua,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, đợi khách âu ca thái bình” – (hò Huế).
Phật giáo ở Huế chủ yếu là hệ phái Bắc truyền, theo Phật giáo đại thừa, lại ở vùng thường có mưa bão nhiều cho nên chùa Huế có nét rất riêng. Khác với chùa ở nơi khác, như ở các thành phố lớn thỉnh thoảng ta vẫn thấy những ngôi chùa chật chội san sát với dân cư, hay những ngôi chùa cổ rất to, rất lớn từ bên ngoài vào trong chánh điện, hậu tổ của các chùa phía Bắc… Nhưng riêng tôi thì không nơi đâu mà chùa chiền nó đúng chất “chùa” như ở Huế.
Đa số các ngôi chùa ở Huế đều nằm xa trung tâm thành phố, thường là ở trên các sườn đồi, núi, ở xa với thị dân, giữa những rừng thông gió nội mây ngàn, hay bên dòng sông con suối chạy qua, nguyên thủy thường bắt đầu từ những thảo am của các vị tổ sư khai sáng hàng trăm năm trước. Trải qua thăng trầm theo thời gian, những mưa bão, những biến thiên xoay vần con tạo, tất cả những thứ ấy lại tạo nên một chất trầm mặc cho những ngôi chùa, màu thời gian u tịch đứng bên cuộc đời lặng lẽ nhìn theo gió bụi thế gian.
Nhớ có lần tôi đến nhà một người bạn ở lại qua đêm nơi đồi Thủy Xuân, nơi mà đi vài trăm mét có một ngôi chùa. Lúc trời về sáng, đang ngon giấc tôi bỗng nghe tiếng chuông chùa vang trong xóm, rồi trong thinh không lẳng lặng, nghe một lúc mới phát hiện cũng giờ phút ấy rất nhiều tiếng chuông cùng ngân lên như khai tỏa những màn đêm u tối, làm cho đầu óc được nhẹ tênh, cảm giác như trút bỏ được một cái gì đó đang còn ứ đọng trong đầu. Trong màu sương sớm, bạn tôi pha ấm trà nóng thơm mùi hoa hường, loài hoa mà xưa nay các cụ vẫn thích dùng để ướp trà, rồi tôi và bạn bên chén trà vừa nóng ấm trên tay rồi để lòng mình trôi mênh mang trong tiếng chuông ấy. Ngoài sân lác đác mấy cành hoa mai trắng khai nhụy rung rinh trong sương sớm, mới thấy tiếng chuông thật huyền diệu và ý nghĩa. Như câu kệ: “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn…”, mà lòng bỗng thấy rỗng rang dễ chịu vô cùng trong một sớm mai ở “xứ chùa”.
Những ngày đầu Xuân bỏ qua bao nhiêu chuyện nhân gian thế thái, ta có thể xách xe rồi một mình đi tà tà từ chùa này sang chùa khác, để thấy và cảm nhận hết cái không khí mùa Xuân ở xứ chùa đất Huế. Có lẽ điểm dễ nhận ra nhất của các ngôi chùa ở Huế là thường ẩn dưới những tàng cây xanh cổ thụ, chùa thường không to lớn, mà chủ yếu theo kiến trúc kiểu nhà rường Huế. Chùa thường được làm bằng gỗ và lợp ngói âm dương, đa số kiến trúc bố trí theo dạng chữ “đinh”, thờ tiền Phật hậu tổ. Tôi thích những cách thờ phượng của chùa Huế, thường là rất thanh và tinh, trong các vật dụng đồ thờ cũng như nội thất.
Những ngày đầu Xuân cây cối vừa đâm chồi nảy lộc nên không gian các chùa cũng như vừa thay áo mới khi vén màn qua một mùa mưa lạnh giá. Những chậu mai vàng, trà mi, hải đường, song thọ đào… đều nở chớm hoa bên những lộc non xanh mướt trong khí trời thanh minh. Có những lần tôi mang theo đồ pha trà, rồi kiếm một góc vườn chùa thanh vắng, ngồi lặng lẽ nghe tiếng tụng kinh trầm bổng từ trong chùa phát ra hòa quyện với mùi trầm hương thoang thoảng, đôi khi lại vu vơ nhìn các chú tiểu quét sân, rồi ngẫm ngợi đến sự đốn ngộ của các tổ sư qua công việc “nhật tảo già lam địa”. Để thấy rằng việc cầm chổi quét sân hằng ngày cũng như một việc dọn dẹp thân tâm, cho lòng thêm một ngày được sạch sẽ hơn, được gần Phật hơn chăng.
Người Huế đi chùa cũng không hội đoàn đông đúc như các nơi khác, nên thường các chùa tuyệt không bị tiếng ồn ào làm ảnh hưởng. Đến chùa Phật tử cũng không cần thắp nhang, nhà chùa thường chỉ thắp một cây tượng trưng và mỗi người cứ thế tùy tâm mà lễ Phật, trong không gian trầm mặc cổ kính, các ngôi chùa là nơi gởi gắm niềm tin, là nơi tâm linh hội tụ, nhưng tuyệt nhiên chùa Huế không vì thế mà cố làm cho nó bị huyền bí hoặc ma mị mê hoặc, vì vốn Phật giáo là tôn giáo gần gũi với thiện tri trức, lấy trí tuệ để giác ngộ. Chính cái đơn giản mà tinh tế trong cách thờ tự nên chùa Huế thường cho ta cảm giác gần gũi hơn, không bị thần thánh hóa là vậy.
Có dịp lễ lượt được ăn cổ chay ở chùa ta mới thấy mùi “tương chao” là như thế nào. Ngày trước đa số các chùa đều tự canh tác ruộng vườn để sống, nên vì thế thức ăn cũng đạm bạc. Những cọng rau mọc hoang quanh vườn chùa cũng cho ra những đĩa rau luộc chấm nước tương thanh đạm nhưng rất thơm. Những thân cây chuối cũng được thái mỏng ra rồi om dưa, để chấm với xì dầu thêm tí ớt cay cay kích thích vị giác trong miệng. Hoặc những trái vả hái trong vườn được các dì vãi trong chùa xào nấu đơn giản nhưng cũng làm cho món chay nhà chùa thêm phong phú trong những bữa cơm của người phạm hạnh.
Đến Huế, ăn chay trong nhà chùa ta mới cảm nhận đúng chất “chay”, những món ăn ở chùa thường được nấu rất ít dầu thực vật nên ăn không bị ngán. Thức ăn chay Huế tuy dung dị đạm bạc, nhưng cũng là góp thêm vào những món Huế mà nhiều người biết tới. Sau bữa cơm là những chén nước chè tươi được nấu từ những cây chè quanh vườn, chè ở đây tuy không ngon như chè Truồi, nhưng màu nước vẫn đẹp, có vị ngọt và mùi thơm không kém các loại cây chè nơi khác.
Đến Huế, mà nếu không đi quanh vãn cảnh chùa Huế thì tôi nghĩ bạn chưa hiểu hết Huế. Nơi đô thị ấy, ngoài các di sản đền đài lăng tẩm, ngoài di sản cây xanh ở các con đường, rồi những món Huế yêu thích…, thì chùa thường rất ý vị. Vào tiết Xuân, là dịp rất hợp cho vãn cảnh chùa. Chính những ngôi chùa khiêm tốn ẩn mình dưới nhiều tán cây xanh ấy là nơi chốn gởi gắm tâm linh của bao nhiêu thế hệ người Huế, là nơi giữ nhịp cho những tâm hồn tha nhân.
Bài & ảnh: Trần Vĩnh Thịnh
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh