fbpx

Xoay sở cách nào để sống sót qua mùa Covid-19?

Trong lúc các hoạt động kinh doanh đồng loạt bị đình trệ do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là các ngành liên quan đến du khách và hành khách, những người làm công ăn lương, hoặc làm ăn nhỏ lẻ chọn cách nào để vượt qua khó khăn?

Theo báo Tuổi trẻ, ngày càng xuất hiện nhiều các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cửa hàng thời trang tại Sài Gòn treo bảng “sang mặt bằng”, “cho thuê nhà” trên các tuyến đường Phan Xích Long, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Trần Huy Liệu… thời gian gần đây. 

Các bảng rao cho thuê nhà xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường tại Sài Gòn, Hà Nội

Tuy vậy, từ những rủi ro trước mắt do thiếu vắng khách hàng, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ, cơ sở lập tức chuyển hướng, tìm kiếm cơ hội khác để sống sót qua mùa dịch.

Báo Thế Giới Tiếp Thị cho biết chuỗi cửa hàng Pizza Home của ông Hoàng Tùng do bị giảm đến 40% doanh thu vì khách vắng nên phải dồn sức làm ra sản phẩm mới để tạo ra sự khác biệt. “Việc kinh doanh chậm lại ép mình phải thay đổi rất nhiều. Nâng cao chất lượng và làm sản phẩm mới. Chúng tôi quyết định tìm tòi làm pizza có bột trộn trái thanh long, đây cũng là cách góp phần giải cứu nông sản. Mỗi ngày chúng tôi bán được hàng trăm bánh mới,” ông Tùng được tờ báo dẫn lời.

Ông Hoàng Tùng tạo ra loại bột bánh pizza làm từ trái thanh long

Theo VietnamNet và báo Lao Động, ông Đ.C.Phi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa phải thanh lý sớm hợp đồng thuê hai trong số ba căn nhà ở phố Tràng Thi và Quang Trung. Trước mùa dịch, ông kiếm tiền nhờ mở dịch vụ homestay tại các căn hộ này. Nay do lượng khách liên tục sụt giảm từ thời điểm sau Tết đến khi có dịch, có tháng chỉ kín phòng được 9 – 10 ngày, không đủ chi phí thuê nhà và điện nước nên ông buộc phải trả lại nhà. Với căn nhà còn lại nằm ngay sát khu vực hồ Hoàn Kiếm, ông Phi tạm ngừng đón khách do thu không bù chi, nên chuyển về ở tạm.

“Hy vọng là dịch bệnh sẽ sớm hết, khách quốc tế sẽ sớm tăng trở lại. Tuy nhiên tôi cũng đang nghiên cứu chuyển từ mô hình homestay sang mô hình cho thuê chỗ ngồi làm việc co-working space do chi phí đầu tư thấp, lượng khách tại chỗ đều chứ không quá phụ thuộc vào việc ngày nào cũng phải đi tìm khách quốc tế có nhu cầu ở homestay như hiện nay,” ông Phi được dẫn lời.

Các giao dịch online được ghi nhận tăng vọt trong bối cảnh khách hàng ngại ra đường

Báo Thanh Niên cho hay chị Tuyết, chủ cửa hàng thời trang Tuyết Phương tại phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội, quyết định đóng cửa để trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Sau đó, chị chuyển hướng kinh doanh sang hình thức bán hàng online, qua website và Facebook. Với cách này, chị có thể đỡ lo chi phí thuê mặt bằng trong những ngày ế ẩm và không biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. 

Cùng thời điểm, theo báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam, cô Hồng Anh, nhân viên một công ty du lịch vừa bị cho “tạm nghỉ do không có khách”, nay phải kiếm sống nhờ bán gà, trà, hoa trên Facebook, Zalo và tự đi giao hàng để có thu nhập.

Báo InfoNet kể chuyện về chị Đào Thị Giang ở Linh Đàm, Hà Nội, một giáo viên mầm non đang tạm nghỉ dạy nên chỉ được trả lương một nửa. Để bù đắp khoản thiếu hụt, chị chuyển sang bán thịt heo trong khu chung cư nhà mình. Thịt heo được bố mẹ chị ở quê tới trang trại bắt rồi đặt giết mổ, chuyển lên cho chị tự cắt và bán cho những mối quen đã đặt trước mỗi ngày. Mỗi ngày chị bán hết một heo nặng khoảng 1 tạ, với giá khoảng 130.000-150.000 đồng/kg. Chị thu lời khoảng 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ đi chi phí. Số tiền kiếm được chị chia đôi, một nửa chia lại cho bố mẹ mình. Công việc tạm thời trong mùa dịch Covid-19 được ghi nhận đem lại cho chị thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng, cao gấp đôi lương đi dạy mầm non.

Thiệu Kiệt 

(Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC