fbpx

Tương lai ảm đạm, giới trẻ Hàn không còn muốn ‘ăn bữa hôm lo bữa mai’

Dù lương không cao, nhiều người trẻ Hàn Quốc giờ đây sẵn sàng ghi nợ thẻ tín dụng để mua đồ ăn đắt tiền, quần áo hàng hiệu, đi làm bằng taxi thay vì tàu điện ngầm.

Hong Sung-mi, một sinh viên vừa tốt nghiệp tại Seoul, gọi những món tráng miệng đắt tiền là “niềm vui tội lỗi số một” của cô. Cô gái ngoài 25 tuổi thường ghé thăm các tiệm macaron nổi tiếng trong thành phố để có thể thưởng thức hết các loạt bánh ngon, được review tốt trên mạng. Hong mất khoảng 13.000 won (260.000 đồng) cho một vài chiếc bánh chỉ bé bằng nửa lòng bàn tay. Số tiền đó nhiều hơn hẳn bữa tối tại một nhà hàng bình dân và không hề nhỏ so với thu nhập của Hong. Tuy nhiên, cô nàng vẫn cảm thấy vui vẻ. “Nó cũng chẳng phải mỗi ngày”, 9X nói sở thích ăn uống của mình.

Từ thói quen tiêu tiền của Hong và những người thuộc thế hệ của cô, các chuyên gia xã hội học nhận ra một xu hướng mới trong giới trẻ xứ kim chi: Không suy tính đến chuyện tiết kiệm vì nỗi hoài nghi về một tương lai ảm đạm.

Zing.vn trích dịch bài viết trên Korea Herald, Foreign Policy và Scout về câu chuyện người trẻ Hàn Quốc dù không kiếm được nhiều tiền, ngày càng thích ghi nợ thẻ tín dụng để mua những thứ nhỏ nhặt nhưng đắt đỏ như món tráng miệng, tiền taxi, nước hoa, quần áo…

Thay vì tiết kiệm cho tương lai, giới trẻ Hàn Quốc muốn tận hưởng cuộc sống hiện tại. Ảnh: Getty.
Thay vì tiết kiệm cho tương lai, giới trẻ Hàn Quốc muốn tận hưởng cuộc sống hiện tại. Ảnh: Getty.

Không còn muốn ‘ăn bữa hôm, lo bữa mai’

Shibal biyong, tạm dịch là chi tiêu chết tiệt, là từ dùng để mô tả lối tiêu xài của những người như Hong. Trong tiếng Hàn, biyong có nghĩa là chi phí còn shibal là một từ chửi thề.

Thuật ngữ này ám chỉ cách xài tiền hoang phí, “có đồng nào xào đồng ấy” mà không muốn tiết kiệm vì tương lai kém triển vọng. Bạn mua chiếc áo khoác đẹp vì nghĩ để dành cả đời cũng không đủ tiền mua nhà. Bạn ăn bít tết bởi cho rằng không bao giờ tiết kiệm đủ cho quảng đời sau khi về hưu.

Trong mắt những người lớn tuổi, “shibal biyong” là một điều gì đó rất tiêu cực, dùng để chỉ những kẻ phá tiền cho những việc vô bổ, không bao giờ có suy nghĩ tằn tiện cũng như ý chí phấn đấu. Nhưng đối với những người trẻ Hàn Quốc, “shibal biyong” được xem là phương thuốc tức thời cho những mệt mỏi, áp lực công việc, cuộc sống hàng ngày.

Cơn sốt bánh tráng miệng đắt đỏ trên mạng xã hội Hàn Quốc thời gian gần đây. Ảnh: Korea Herald, Merci Beaucoup.
Cơn sốt bánh tráng miệng đắt đỏ trên mạng xã hội Hàn Quốc thời gian gần đây. Ảnh: Korea Herald, Merci Beaucoup.

Một chuyến taxi thay vì chen chúc trên tàu điện, thưởng thức món sushi đắt tiền, mua một bộ đồ thật đẹp đôi khi là cách để quên đi 12 giờ nai lưng nơi văn phòng hay tiếng la rầy của người sếp khó tính. Giáo sư Alex Taek-Gwang Lee, Đại học Kyung Hee, Seoul, cho rằng không giống như quá khứ, tiết kiệm không đảm bảo tương lai khiến nhiều người trẻ ngày nay quyết tâm đầu tư vào hiện tại hơn. Nói cách khác, thanh thiếu niên Hàn Quốc giờ đây không còn muốn “ăn bữa hôm, lo bữa mai” nữa. Họ thích sống cho chính mình ở hiện tại, thay vì lo nghĩ quá nhiều cho viễn cảnh xa xôi.

Theo ông Lee, lối sống, văn hóa hài lòng tức thời này đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhờ sự phát triển của mạng xã hội. Những hình ảnh chụp các bữa ăn sang chảnh hay những “núi” đồ hiệu với hashtag #shibalbiyong xuất hiện này một nhiều trên các trang mạng.

Tiêu tiền để quên đi áp lực công việc và tương lai ảm đạm

Giống với geumsujeo (thìa vàng) và hell Joseon (địa ngục Hàn Quốc), khái niệm shibal biyong cũng thể hiện sự tuyệt vọng của thế hệ trẻ Hàn Quốc. Theo số liệu thống kê, năm 2015, 70% người trẻ tại xứ kim chi tin rằng bất bình đẳng là một vấn đề lớn của đất nước. Trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 31/36 về thu nhập bất bình đẳng. Năm 2018, thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1999.

Lối tiêu xài "shibal biyong" không bận tâm tiết kiệm phổ biến trong giới trẻ Hàn. Ảnh: Foreign Policy.
Lối tiêu xài “shibal biyong” không bận tâm tiết kiệm phổ biến trong giới trẻ Hàn. Ảnh: Foreign Policy.

Các tập đoàn gia đình được biết đến với cái tên chaebol được xem là mầm mống của những vấn đề này khi thâu tóm toàn bộ nền kinh tế đất nước. Những người Hàn Quốc trẻ tuổi cảm thấy bất lực vì thiếu cơ hội cạnh tranh công bằng. Như một lối thoát của cuộc sống căng thẳng hàng ngày và tương lai ảm đạm, giới trẻ xứ củ sâm tìm kiếm hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt nhưng phô trương. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik nói: “Trong một xã hội nơi thành công dường như xa vời và đòi hỏi một quá trình nỗ lực lâu dài để đạt được, người trẻ tuổi bị cuốn hút vào những trải nghiệm mang lại cho họ cảm giác hài lòng tức thời”.

Nhiều người than vãn rằng dù có tiết kiệm 20 năm cũng chẳng thể mua nổi nhà ở Seoul. Nhưng Hong không quá bận tâm về điều đó. Với cô cuộc sống hiện tại khá ổn. Sau giờ làm việc vất vả, cô có thể gặp gỡ bạn bè trong những quán ăn ưa thích hay thoải mái shopping vào cuối tuần. Nó có thể là sự hoang phí trong mắt nhiều người nhưng với Hong đó là phần thưởng cô tự cho mình.

Huệ Lâm
Theo Zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC