fbpx

Trẻ ở nhà một mình giữa mùa dịch

Không chỉ có trong loạt phim kinh điển Ở nhà một mình của Mỹ, rất nhiều đứa trẻ ở khu nhà trọ của công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM đang phải tự xoay xở sinh hoạt, học hành khi bất đắc dĩ phải ở nhà một mình giữa những ngày chống dịch Covid-19.

Nhật ký ở nhà một mình

“Thứ ba ngày 12/5/2021. Hôm nay, em không phải đi học. Em ở nhà chơi, mẹ đi làm. Buổi sáng, mẹ mua cơm tấm thịt sườn cho em ăn. Mẹ còn mua quả thanh long màu đỏ. Buổi trưa, mẹ từ công ty chạy xe về nhà. Mẹ tắm mát cho em. Em ăn cơm xong, mẹ bảo em đi ngủ. Buổi chiều, em chơi cùng chị Rita, em Trang, em Nhím, anh Hưng. Em rất nhớ mẹ”.

tre-o-nha-mot-minh-giua-mua-dich
Bé Quang Minh tự giác với việc học khi ở nhà một mình

Đó là dòng nhật ký “ở nhà một mình” được Quang Minh (học sinh lớp Một Trường tiểu học An Khánh, Q.2) viết nắn nót trong quyển tập để mở trên bàn học. Những dòng chữ khiến chị Bùi Thị Tình, mẹ của Quang Minh cảm thấy yên tâm hơn. Chị bật công tắc điện, nhẹ nhàng kê đồ đạc lên cao khỏi tầm với của con, rón rén bước ra ngoài rồi khóa cánh cửa phòng, để lại con một mình đang chìm trong giấc ngủ trưa. Đã là ngày thứ ba con không đến trường, phải ở nhà một mình khi kỳ nghỉ hè đột ngột đến sớm. Bà ngoại ở tận Lâm Đồng, mẹ không thể nghỉ làm, cũng chẳng thể mang theo Minh đến xí nghiệp. Thế nên, không có cách nào khác phải tập cho con quen với việc ở nhà một mình.

Việc để con ở nhà một mình, với đa số phụ huynh, là lựa chọn cuối cùng, sau rất nhiều cân nhắc. Đối với chị Tình, trước đó, có thế nào cũng không dám nghĩ đến việc để đứa con bảy tuổi ở nhà một mình. “Nhìn hình ảnh các học sinh Trường tiểu học Xuân Phương (TP.Hà Nội) phải đi cách ly lúc 22g trên các báo, tôi hiểu dịch bệnh không biết lúc nào dừng… Tôi quyết định tập cho con quen với việc ở một mình trong những tình huống cần thiết bằng cách kể con nghe câu chuyện của các bạn Trường tiểu học Xuân Phương. Qua đó chuẩn bị cho con tư tưởng sẵn sàng không có mẹ nhiều ngày liền nếu lớp con phải cách ly vì dịch bệnh…”, chị Tình chia sẻ.

8g mỗi ngày, chị ra khỏi nhà khi đã chuẩn bị bữa sáng cho con. Ăn xong, Minh lấy sách ra làm toán, rồi lấy tập ra vẽ, vì đó là hai môn em rất thích. Học chán, Minh lấy báo Nhi Đồng và một số quyển truyện tranh đọc rồi nằm dài trông mẹ về mang theo bữa cơm trưa. Buổi chiều, Minh có thể ra ngoài chơi với các bạn.

tre-o-nha-mot-minh-giua-mua-dich
Buổi chiều, Quang Minh cùng các bạn cũng ở nhà một mình chung khu trọ chơi đùa với nhau.

Cùng khu trọ này còn có Rita, Trang cũng ở nhà một mình. Mẹ của Rita đi làm giúp việc theo giờ, nên trưa có thể tạt về với con một lát. Còn ba mẹ Trang làm lệch ca để thời gian con ở nhà một mình ít nhất có thể. May mắn là chủ nhà trọ có mặt ở nhà để trông chừng cửa nẻo, đảm bảo những đứa trẻ không mở cổng để ra khỏi khuôn viên nhà trọ.

Phải tạo môi trường an toàn cho trẻ

Ngày đầu tiên để con ở nhà, chị Hoàng Thu Nga (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) không đủ kiên nhẫn đợi hết ca chiều, mà xin về nhà lúc 14g để xem con có ổn không. Những gì nhìn thấy khiến chị rơi nước mắt. Con cuộn tròn ngủ say ngay trong chiếc giỏ thường ngày dùng đựng quần áo dơ của bé. Chiếc đệm nằm nôi nhẹ hẫng được chị dựng sẵn ngay góc tường nhà, dặn con buổi trưa trải xuống sàn để ngủ, vẫn còn nguyên. Tô cơm trứng chiên và hộp sữa chuẩn bị sẵn cho con trước khi đi làm vẫn còn trong lồng bàn, nguội ngắt trên chiếc bàn ăn.

Chị quẹt nước mắt, bế con đặt nằm ngay ngắn, bé ngủ say đến mức không biết sự hiện diện của mẹ. Có quá nhiều bất an khi để một đứa trẻ gần năm tuổi như Minh Anh ở nhà một mình, nhưng chị Nga không có lựa chọn nào khác. Kỳ nghỉ hè đến quá đột ngột. Ngoài Minh Anh, chị còn có đứa con nhỏ 16 tháng tuổi đang gửi người hàng xóm trông giúp. Nếu gửi thêm Minh Anh, số tiền phải chi mỗi tháng lên đến 7 triệu đồng. Suy đi tính lại, chị quyết định khóa cổng “nhốt” con ở nhà và nhờ hàng xóm thỉnh thoảng để tâm.

tre-o-nha-mot-minh-giua-mua-dich
Bé Minh Anh ngủ luôn trong chiếc giỏ đựng đồ dơ khi bụng đói meo

Việc để những đứa trẻ tự lập, sống xa cha mẹ dài ngày là cần thiết nếu đặt trong tình hình dịch bệnh phức tạp, trường học không thể mở cửa lâu hơn. Nhưng cha mẹ và nhà trường buộc phải tập dượt cho trẻ tự lập, quan trọng nhất là tạo không gian an toàn cho trẻ.

Cô Đào Lê Kiều An, giáo viên Trung tâm Toán trí tuệ Superbrain (Q.12), cho biết: Đối với trẻ lứa tuổi mầm non, việc ở nhà một mình cần thiết có sự quan sát của người lớn, nên phụ huynh có thể nhờ hàng xóm “để mắt”. Còn với trẻ lứa tuổi tiểu học, vấn đề không quá lớn bởi các con ít nhiều được hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng trong việc tự bảo vệ an toàn cho mình. Qua những đợt như thế này, phụ huynh cũng cần thay đổi nhận thức về vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho con mình.

Theo cô An, phụ huynh phải chuẩn bị cho con từ trước, chứ không thể đùng một cái bắt con ở nhà một mình. Ngoài vấn đề đảm bảo an toàn cho con bằng cách dọn dẹp hết những vật dụng có thể gây nguy hiểm, lắp đặt camera, trang bị điện thoại cho con để tiện liên lạc, theo dõi… phụ huynh cần xây dựng một số hoạt động về học tập, vui chơi đủ hứng thú thì việc ở nhà của con sẽ rất thuận lợi.

Học hỏi từ nhiều trường hợp, sáng chuẩn bị đi làm, chị Tình hứng sẵn một thau nước đủ dùng trong nhà vệ sinh cho con rồi ngắt nguồn nước, khóa gas cẩn thận. Ổ điện cắm quạt và đèn để gọn lên trên cao. Chị dạy con các vật dụng nguy hiểm cần tránh nhưng hạn chế để trong tầm mắt con. Đến nay, gần một tuần con ở nhà một mình khá ổn.

Thu Lê

Theo phunuonline.com.vn

 

Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/tre-o-nha-mot-minh-giua-mua-dich-a1434227.html

CÙNG CHUYÊN MỤC