Thợ săn trở thành ‘anh hùng bảo tồn’ voọc mông trắng
Từng là một thợ săn khét tiếng, ông Lê Văn Hiên, 60 tuổi, Thanh Sơn, Kim Bảng, buông súng và tham gia bảo vệ voọc mông trắng.
5h sáng ngày cuối năm 2020, trời tối đen, lạnh buốt. Ông Hiên, Tổ trưởng bảo vệ rừng cộng đồng ở Kim Bảng thức dậy sửa soạn đồ đạc. Trong chiếc ba lô con cóc bạc màu, quần áo, gạo, mì tôm nhét gọn, một ngăn riêng đặt chiếc máy ảnh kỹ thuật số siêu zoom. Buộc con dao phát quang ngang thắt lưng, ông chuẩn bị cho chuyến tuần rừng kéo dài năm ngày.
Trong phòng khách nhà ông Hiên, những tấm ảnh khổ lớn chụp voọc mông trắng được lồng khung kính treo trang trọng. Ở góc khuất cạnh tủ treo đầu con sơn dương đen cách đây 30 năm, đã mục ruỗng, “chiến tích” còn sót lại của một tay súng săn nổi tiếng thiện xạ.
“Tôi đã định chôn nó đi nhưng không thể chối bỏ. Tôi từng là thợ săn, hay nói thẳng ra là lâm tặc”, người đàn ông rít hơi thuốc lào và trầm giọng kể lại.
Sinh ra ở bìa rừng Kim Bảng, từ năm 13 tuổi, cậu bé Hiên đã theo bố mẹ hái măng, chặt cây đốt than. Rừng ngày ấy xanh bạt ngàn, nhiều cây gỗ lớn ba người ôm không xuể, hổ báo ra sát nhà dân bắt bò, dê.
Đầu những năm 1970, đất nước còn chiến tranh, nhà Hiên chạy ăn từng bữa. Trẻ em vùng này hết tiểu học đều bỏ đi rừng. Cạnh nhà cậu là một tay thợ săn lão luyện, trong nhà lúc nào cũng treo đầy thịt thú. Hiên xin đi theo phụ nấu cơm, vác đồ. Chuyến đầu tiên suôn sẻ, săn được 10 con don (họ nhím), cậu được trả công một con. Bữa cơm độn có thịt khơi dậy quyết tâm học nghề săn và hy vọng cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cậu tập cách lần dấu vết, ẩn nấp, tiếp cận từng loài thú.
17 tuổi, tích góp mua cây súng kíp đầu tiên, Hiên trở thành thợ săn. Gã thanh niên gầy nhẳng, da nhợt nhạt, đôi mắt tinh nhanh như mèo rừng, lẩn khuất vách núi, lùm cây. Bước chân nhẹ nhàng của Hiên dần trở thành “cơn ác mộng” của muông thú.
Gần hai mươi năm, Hiên không nhớ sát hại bao nhiêu loài thú, chỉ nhớ mỗi đêm trở về, vai ướt đẫm máu, thú bày la liệt trong nhà. Sơn dương, hoẵng, cày, nhím, don, tê tê, khỉ, voọc…miễn sao bán được tiền. Một con sơn dương bằng năm tạ thóc, một con khỉ hay voọc bán nấu cao bằng chục tấn thóc, lái buôn đến tận nơi thu mua. Kinh tế gia đình khấm khá hơn, Hiên tưởng rằng sẽ làm nghề suốt đời nhưng không phải vậy.
Đầu năm 1994, Hiên nhận lời dẫn đường cho chuyên gia Lê Văn Dũng đi điều tra về loài voọc mông trắng ở Kim Bảng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Hiên vào rừng mà không khoác súng. Một tuần ngắm bầy voọc qua ống nhòm, góc xa, rộng hơn đầu ruồi khẩu súng kíp, Hiên nhìn hai voọc con màu vàng cam quấn quýt bên mẹ, voọc bố dạy con kiếm ăn. Chúng đùa giỡn hệt lũ trẻ.
“Anh thấy không, chúng có tình yêu thương như con người. Nếu một con trong gia đình chết, những con khác sẽ buồn rầu, bỏ ăn. Voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết”, anh Dũng chia sẻ, còn Hiên im lặng. Dũng khuyên ông buông súng.
Sau chuyến đi cùng nhà nghiên cứu linh trưởng là những đêm dài mất ngủ, ông Hiên nhìn lên trần nhà rồi nhìn hai đứa con nhỏ. Đôi mắt tròn đen láy của voọc con ám ảnh ông.
“Có lẽ anh bỏ nghề!”, ông Hiên nói với vợ. “Em muốn khuyên anh mà chưa dám nói. Em luôn cảm giác bất an. Anh sát sinh nhiều quá, mình làm sao để phúc đức cho con anh ạ”, bà Liên, vợ ông đáp.
Được vợ ủng hộ, ông quyết tâm từ bỏ săn bắn. Hai vợ chồng thầu thêm ruộng, nuôi lợn, nghiền đá thuê, cùng nuôi dạy con. “Chừng ba năm chật vật rồi cũng ổn, lòng nhẹ nhõm hơn nhưng quá khứ vẫn ám ảnh tôi”, ông chia sẻ.
Trời tảng sáng, năm thành viên tổ bảo vệ rừng đã tập hợp đông đủ tại nhà ông Hiên. “Chuyến này thầy với thằng Sơn đi thung Dứa, nhóm thằng Tuấn đi thung Đại Địa, nhóm thằng Thắng đi thung Cơm Tám”, vị tổ trưởng già giao nhiệm vụ, “chuyến trước, thầy phát hiện và thu nhặt được bẫy thú ở mấy thung đó, chắc chắn có thợ săn đang rình. Mấy đứa phải cẩn thận, có vấn đề điện thoại ngay cho thầy”. Thành viên tổ tuần rừng đều là người trẻ, gọi ông thân mật “thầy”, xưng “con”.
Cuối năm 2016, Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đến Kim Bảng thực hiện chương trình bảo tồn loài voọc mông trắng. Không chút do dự, ông Lê Văn Hiên tình nguyện tham gia, được cử làm tổ trưởng. Công việc của tổ tuần tra là gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú, tổ sẽ thông báo để kiểm lâm xử lý. Ông Hiên học sử dụng máy ảnh, thiết bị định vị, cách chia ô rừng đánh dấu vị trí đàn voọc.
Những năm gần đây, cánh rừng nguyên sinh bị bao vây bởi 11 mỏ đá, nhà máy xi măng rộng hàng trăm ha. Mỗi dịp đi tuần, ông Hiên dẫn đầu nhóm bảo vệ men theo vách đá vôi dựng đứng. Đôi bàn tay sần sùi, chằng chịt sẹo của ông bám chặt những mỏm đá tai mèo sắc như dao cạo.
Xuất phát từ sáng sớm, qua hai ngọn núi nhóm bảo vệ đến thung Dứa lúc gần trưa. Ông Hiên bước chậm lại, khom người kê tảng đá kênh để người đi sau không gây tiếng động. “Xùy! Đến nơi rồi”, ông khẽ giơ tay làm dấu cả đoàn dừng lại. Trèo lên cây dọc bịp cao nhất, ông nghiêng đầu nghe ngóng, đôi mắt quét khắp thung lũng.
Trên ngọn cây búp chua, một đàn voọc 12 con đang bẻ cành, nhấp nháp lá non. Cách đó 100 m, ngọn núi cao nham nhở, công trường khai thác đá của một nhà máy xi măng. Ông Hiên nhẹ nhàng rút máy ảnh say sưa quay chụp voọc nhảy nhót, chơi đùa.
Bốn năm lần theo dấu vết, ghi lại hình ảnh voọc cộng với tố chất sẵn có của thợ săn, ông Hiên chỉ nhìn vệt cành cây gãy, ngửi nước tiểu đã biết đàn ăn ở khu vực cách bao nhiêu ngày. Những hiểu biết về tập tính loài voọc được ông ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay, truyền lại kiến thức cho các thành viên trẻ trong tổ. Hàng chục nghìn bức ảnh, video về voọc đã được ông gửi các chuyên gia nghiên cứu linh trưởng.
Trong đàn, voọc đực to khỏe nhất làm đầu đàn dẫn đường, cảnh giới cho những con khác khi kiếm ăn. Chỉ con đầu đàn được giao phối với tất cả con cái. Voọc con được cả đàn thay nhau bế ẵm khi voọc mẹ đi ăn. Voọc đực non đạt tuổi trưởng thành (6 năm) sẽ đánh nhau với con đầu đàn. Con đực thua bỏ đàn, lang thang một mình, người địa phương thường gọi là con “dọc độc”.
Voọc mông trắng phân chia lãnh thổ mỗi đàn rộng vài trăm ha, phát hiện xâm phạm, voọc đực có thể đánh nhau đến chết. Do khai thác đá, lãnh thổ của chúng thu hẹp dần, ông Hiên chứng kiến ngày càng nhiều vụ đụng độ đẫm máu giữa các đàn.
Bữa trưa tại lán canh dựng mái bạt, bún khô nấu bằng nước khoét từ gốc chuối rừng. Téc nước inox để sẵn trong rừng của họ bị chọc thủng tháng trước, chưa xác định được thủ phạm. Mấy tháng gần đây, tổ bảo vệ rừng thường xuyên nhận các cuộc gọi từ số máy lạ đe dọa: “Chúng mày làm mất nồi cơm của bọn tao, giờ chúng mày tính sao?”. Ba năm qua, tổ tuần tra đã kết hợp với kiểm lâm thu được một súng săn, hàng trăm dây cáp lụa, bẫy kiềng.
Với mức hỗ trợ khiêm tốn 3 triệu đồng mỗi tháng, cùng áp lực bị đe dọa, bốn thành viên đã xin nghỉ, tổ phải tuyển thêm thành viên mới. “Nếu không thực sự yêu thích, không thể làm nổi công việc này. Với tôi, đây là cơ hội để tôi trả phần nào món nợ với rừng, còn khỏe tôi vẫn tiếp tục”, ông Hiên tâm sự.
Bà Vũ Thị Liên, 54 tuổi, vợ ông mỗi ngày đều gọi vài cuộc điện thoại hỏi thăm chồng. Khi ông vào thung sâu mất sóng, bà ở nhà đứng ngồi không yên. “Đến lúc thấy bóng ông ấy ở cổng tôi mới yên tâm, sức khỏe đã yếu hơn trước, đi rừng bao nhiêu bất trắc. Nhưng tôi cảm nhận ông ấy vui vẻ hơn, ở tuổi này chỉ cần có thế”, bà Liên chia sẻ.
Năm 2020, Quỹ bảo tồn Disney (Mỹ) phong tặng ông Lê Văn Hiên danh hiệu “Anh hùng bảo tồn” vì những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sinh cảnh và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Ông Hiên là người thứ hai tại Việt Nam nhận danh hiệu này. Người đầu tiên là ông Hoàng Văn Tuệ, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang (2017).
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Hạt trưởng kiểm lâm Kim Bảng, cho hay đơn vị đang phối hợp với tổ chức FFI tổ chức lễ vinh danh vào ngày 8/1 sắp tới, tại thành phố Phú Lý. “Ông Hiên là người trách nhiệm với công việc, đã trợ giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác bảo vệ rừng ở khu vực”, ông Hùng nói.
Quỹ bảo tồn Disney hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ thực hiện các hoạt động gắn kết cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ động vật hoang dã và các hệ sinh thái quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Kể từ năm 2004 đến nay, Disney đã vinh danh hơn 120 “Anh hùng bảo tồn” trên toàn thế giới vì những cống hiến đặc biệt xuất sắc của họ trong công tác bảo tồn thiên nhiên. |
Bài & ảnh: Tất Định
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/tho-san-tro-thanh-anh-hung-bao-ton-vooc-mong-trang-4214845.html