fbpx

Tăng tuổi nghỉ hưu: Ngoài 50 tuổi chúng tôi đã đuối lắm rồi

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào cần được tạo điều kiện tham gia thị trường lao động. Do vậy, khi xem xét tăng tuổi nghỉ hưu cần đánh giá tác động toàn diện, thận trọng trên nhiều khía cạnh.

Sáng nay (23/10), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Liên tục nhiều tháng qua, tại các hội thảo góp ý cho dự án luật này, vấn đề nổi cộm được bàn bạc, thảo luận khá nhiều là nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ).

Công nhân đi chợ chỉ dám mua mớ rau, cái đậu, sống trong nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp- ảnh chụp tại chợ Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày 26-8 ẢNH: VĂN DUẨN
Công nhân đi chợ chỉ dám mua mớ rau, miếng đậu, sống trong nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp. Ảnh chụp tại chợ Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày 26/8. Ảnh: VĂN DUẨN

Phần lớn ý kiến bạn đọc gởi đến Báo Người Lao Động đều bày tỏ thái độ không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Bạn đọc Vũ Nam Khánh, bày tỏ: “Trước tiên, phải trả lời câu hỏi vì sao phải tăng tuổi nghỉ hưu. Lý do nào là chính kèm với đó là nghiên cứu đánh giá độc lập về sự cấp thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu, đánh giá được yếu tố tích cực, tiêu cực mới quyết định được. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng kèm theo các điều kiện các nhóm ngành nghề khác nhau có tuổi nghỉ hưu khác nhau mới khả thi. Đừng lấy ví dụ nước A nước B tuổi nghỉ hưu thế này thế kia để giải thích, giải thích như thế là thiếu cơ sở không thuyết phục“.

Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Phong Em đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay nữ (55), nam 60. “Cũng nên giảm tuổi nghỉ hưu cho lao động trẻ có việc làm. Những lao động bình thường không làm lãnh đạo thì tuổi càng cao thì hiệu quả công việc của họ không cao bằng lúc còn trẻ. Có thể đề ra một biên độ trong độ tuổi nghỉ hưu. Ví dụ nữ từ 50 tuổi thì được phép tự nguyện đăng kí nghỉ hưu, còn ai tự thấy sức khỏe còn tốt thì tự nguyện đăng kí tiếp tục lao động. Tương tự cho nam từ 55 tuổi thì được phép tự nguyện đăng kí nghỉ hưu, còn ai tự thấy sức khỏe còn tốt thì tự nguyện đăng ký làm việc tiếp tục lao động“- bạn đọc này viết.

Bạn đọc Vương Bảo Trân cũng tán thành đề nghị này và kiến nghị: “Việt Nam mình muốn hòa nhập với quốc tế bởi ở các nước Âu, Mỹ, nhưng người Âu Mỹ họ cao lớn, sức khỏe vượt trội hơn người VN mình. Với người VN chỉ nên thực hiện tuổi nghỉ hưu như hiện nay.”

Nguyễn Văn Đồng cũng không không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, bởi người Việt ngoài 50 đã rất nhiều bệnh, hiệu quả công viêc bắt đầu giảm dần. “Các bạn trẻ tốt nghiệp các trường đại học có trình độ và khát khao cống hiến cho xã hội mà không có việc làm, người cao tuổi thì chiếm hết chỗ làm, vì thế giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nữ 55 tuổi, nam 60 là phù hợp với sức khỏe và người Việt và phù hợp với luật đã nghiên cứu trước kia. Nếu thay tuổi nghỉ hưu mới cao hơn có lẽ chết cũng chưa có sổ hưu” – bạn đọc này, kiến nghị.

Lao động trẻ tại một nhà máy cơ khí
Lao động trẻ tại một nhà máy cơ khí. Ảnh: AN CHI

Một bạn đọc giấu tên cũng kiến nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay đối với nữ 55; Nam 60 tuổi vì hiện nay tuổi trẻ đang dư thừa nhiều mà lại muốn cống hiến cho đất nước, mà lại không có việc làm. “Đề nghị các cấp cần nghiên cứu để NLĐ có tinh thần phấn đấu xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp” – bạn đọc này mong mỏi.

Dẫn chứng ngay trường hợp của mình, bạn đọc Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Tôi mới 47 tuổi làm việc trong ngành cao su, sau ca làm việc mệt mỏi rã rời hết cả thân thể thì làm việc đến 60 sao nổi, sợ chết trước khi có sổ hưu. Có người mới 50 tuổi nghỉ hưu lãnh lương hưu được 2, 3 năm là đã ốm chết rồi, giờ tăng nữa không biết sao đây“. Trong khi đó, bạn đọc Lê Phong, phân tích: “Hưởng 45% lương hưu khi đủ điều kiện, cứ mỗi năm đóng dư được thêm 2%. Như thế, đóng dư 15 năm là hưởng tối đa 75%. Kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu thì NLĐ phải đóng thêm khoản nữa mà không được hưởng gì thêm. Quá vô lý!”

 An Chi

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC