fbpx

Phát hiện 3 công ty dùng hóa chất tẩy rửa làm nước mắm, vì sao chậm công bố?

Ba công ty sản xuất nước mắm ở Vĩnh Long và An Giang bị phạt trên 780 triệu đồng vì làm nước mắm từ hóa chất tẩy rửa. Sự việc được phát hiện từ giữa năm 2019 nhưng đến nay mới được công bố…

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa cho biết đã phạt hành chính trên 780 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (tỉnh Vĩnh Long), Công ty TNHH MTV Điều Hương (tỉnh An Giang) do hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp (soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm.

Riêng Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành (TP.HCM) bị phạt 6 triệu đồng do vi phạm về điều kiện sản xuất.

Theo đó, thanh tra Bộ Nông nghiệp và an ninh kinh tế Bộ Công an đã tiến hành thanh tra sản xuất nước mắm tại An Giang, Vĩnh Long và TP.HCM, kết quả phát hiện các cơ sở trên có những vi phạm trong vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt trong đó là sử dụng hóa chất tẩy rửa để sản xuất nước mắm.

Các công ty này đã dùng tới 48 tấn chất soda công nghiệp trong sản xuất nước mắm. Ảnh: ĐH.
Ba công ty sản xuất nước mắm ở Vĩnh Long và An Giang bị phạt trên 780 triệu đồng vì làm nước mắm từ hóa chất tẩy rửa. Ảnh: ĐH

Theo ông Nguyễn Văn Tiến – chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – các doanh nghiệp kể trên đã sử dụng nguyên liệu đầu vào là “nước hoa cà” và nước bột ngọt để cho chạy qua hệ thống xác cá, trong đó “nước hoa cà” (hay còn gọi là dịch chấm hoặc nước mắm bán thành phẩm) được làm bằng cách sử dụng Soda công nghiệp trung hòa axít trong bột ngọt và bổ sung dịch chưng cất đầu tôm để tăng độ đạm.

Loại soda được sử dụng là soda Ash Light – Na2CO3, là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa (như xà phòng), dệt nhuộm, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm.

Qua kiểm tra cho thấy các công ty này đã mua số lượng soda lớn về sản xuất nước mắm, với công thức sản xuất 800 lít “nước mắm” độ đạm 25-35% gồm: đun trong 40 – 50 giờ 17.000 lít hỗn hợp có 95% là dịch bột ngọt có vị chua, 5% dịch nước tôm, 120kg Soda. Kết quả ngoài 800 lít nước mắm, còn thu được 700 lít muối kết tủa.

Trong thời gian thanh tra, đoàn thanh tra đã yêu cầu cả 3 công ty kể trên tạm dừng sản xuất, trả lại toàn bộ lượng soda đã nhập và phạt hành chính các công ty này. Các nước mắm bán thành phẩm được làm từ soda đã được chuyển sang sử dụng cho gia súc.

Mặc dù các công ty đã bị xử phạt, nhưng vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát hiện từ giữa năm 2019 nhưng không công khai để người dân biết và chọn mua nước mắm.

Sự việc mới được biết đến sau khi thông tin được đưa ra tại hội nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 10/1 vừa qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 13/1, một lãnh đạo của Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn và vệ sinh thực phẩm cho biết soda được cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, trong đó có chế biến thủy sản (làm nước mắm), nhưng yêu cầu soda đó phải là soda thực phẩm, tức là đảm bảo độ tinh khiết, tránh sản phẩm bị tồn dư tạp chất có thể bao gồm chất độc hại. Trong khi đó loại soda được phát hiện dùng làm nước mắm nêu trên được ghi công dụng là hóa chất công nghiệp dùng trong sản xuất thủy tinh, xà phòng…

 

Vì sao không khởi tố vụ án?

Ông Nguyễn Văn Tiến – chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – cho biết sau khi có kết quả thanh tra, Thanh tra bộ này đã chuyển hồ sơ để các cơ quan chức năng của Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.

Cơ quan công an đã yêu cầu Thanh tra bộ tiếp tục phối hợp để xác minh thêm, lấy mẫu thêm trên thị trường. Trên cơ sở mẫu, Thanh tra bộ đã chuyển đến Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm. Kết quả, toàn bộ chất cấm, kim loại nặng đều dưới ngưỡng cho phép. Do đó, cơ quan công an đã không khởi tố vụ án, đồng thời yêu cầu Thanh tra bộ xử lý nghiêm khắc về mặt hành chính” – ông Tiến nói

L.Anh – Chí Tuệ

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/phat-hien-3-cong-ty-dung-hoa-chat-tay-rua-lam-nuoc-mam-vi-sao-cham-cong-bo-20200113181243533.htm

CÙNG CHUYÊN MỤC