fbpx

Nữ sinh An Giang tự tử ở trường: ‘Em muốn chứng minh mình không sai’

Em Y. khẳng định cố tình dùng thuốc để tự vẫn. Sau sự việc, em sợ cảm giác phải đối diện với thầy cô nên vẫn chưa nghĩ đến việc đi học lại.

Sau vụ tự tử bất thành để chứng minh mình không sai, em N.T.N.Y., học sinh lớp 10A4, trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) đã ổn định sức khỏe nhưng tâm lý còn hoảng loạn.

Phía Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – nơi Y. đang điều trị – cho biết tinh thần của Y. chưa ổn định, bệnh viện đang phải cử thêm chuyên viên để hỗ trợ cho em.

Nữ sinh cho biết em bị bạo lực tinh thần, tâm lý đè nén vì bế tắc, không tìm được cách chứng minh mình đúng nên em tìm đến cái chết.

nu-sinh-o-an-giang-tu-tu
Dù sức khỏe đã tạm ổn định nhưng tâm lý của em Y. còn yếu, hay mất ngủ. Ảnh: M.N.

“Em bị bạo lực tinh thần dồn dập”

Sáng 7/12, kể với Zing, em Y., cho biết trước đó, suốt 9 năm, em Y. là học sinh giỏi. Khi vào lớp 10 của trường THPT Vĩnh Xương, em được xếp vào lớp giỏi nhưng sức khỏe không đảm bảo nên đã xin chuyển xuống lớp thường.

Em kể mình bị thầy cô bạo lực tinh thần từ khoảng đầu tháng 11, khi trường có chủ trương dạy phụ đạo. Do bị bệnh hen suyễn nên Y. chỉ đảm bảo được việc học chính khóa vào buổi sáng và đăng ký học thêm môn tiếng Anh.

Khi đóng tiền phụ đạo, giáo viên chủ nhiệm gặp riêng em và nói dù học một môn hay 6 môn thì cũng phải đóng tiền. Nữ sinh thông báo lại cho gia đình. Ngay sau đó, chị gái Y. đã gọi điện cho cô chủ nhiệm trình bày lý do em không thể theo học phụ đạo nhiều môn.

Tuy nhiên, trong lớp học, cô giáo chủ nhiệm thỉnh thoảng ám chỉ có một bạn trong lớp gây mất đoàn kết và ảnh hưởng đến cô trong khi ngày 20/11 đang gần kề. Thậm chí, cô còn chuyển chỗ những bạn ngồi cạnh Y., để nữ sinh này ngồi một mình.

Nữ sinh tâm sự cô chủ nhiệm hay nạt nộ, đập bàn, gắt gỏng mỗi khi nói chuyện với em, khác hẳn với thái độ khi nói chuyện với phụ huynh. Vì vậy em đã dùng điện thoại ghi âm lại để cho gia đình nghe. Hành động bị cô giáo phát hiện, cho rằng đây là lỗi vi phạm vì dùng điện thoại trong giờ học.

Sau đó, nhà trường đã mời phụ huynh của Y. đến trường làm việc. Vì muốn con yên ổn học tập trong 3 năm phổ thông, gia đình yêu cầu Y. xin lỗi nhà trường và cô chủ nhiệm.

Ngày 23/11, em Y. cùng chị gái lên TP.HCM khám bệnh nên không đến trường. Lúc này, bạn bè nhắn tin báo em bị nêu tên dưới cờ vì phản ánh sự việc ở trường với gia đình không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên, phải học lại bài học đạo đức, phạt lao động.

“Lúc đó em khóc rất nhiều, không còn lòng dạ nào khám bệnh nên em nói chị gái bắt xe về. Em cứ tưởng mọi việc dừng lại ở đó. Tuy nhiên khi em đi học lại thì cô phó hiệu trưởng yêu cầu em phải viết bản kiểm điểm để đọc dưới cờ vào tuần tới và đưa sự việc của em ra hội đồng kỷ luật. Em không biết mình sai ở điểm nào để viết kiểm điểm”, Y. kể.

Ngày 30/11, nữ sinh đi học nhưng nghĩ đến việc phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường là việc rất nhục nhã, trong khi mình không sai nên Y. vào nhà vệ sinh. Lúc này, bệnh hen suyễn tái phát, em đã lấy thuốc luôn đem theo bên mình để uống.

Nghĩ đến việc bế tắc khi chứng minh mình không sai và những áp lực tinh thần đè nén trong thời gian qua, Y. đã dùng hết cả vỉ thuốc để giải thoát tất cả và mong thầy cô thay đổi suy nghĩ về mình.

nu-sinh-o-an-giang-tu-tu
Dù sức khỏe đã tạm ổn định nhưng tâm lý của em Y. còn yếu, hay mất ngủ. Ảnh: M.N.

Cô chủ nhiệm chưa từng gọi điện hỏi thăm

Đi theo chăm sóc em gái từ những ngày đầu nhập viện ở An Giang cho đến khi chuyển lên TP.HCM, chị Lê Thị Ngọc Mai – chị gái của Y. cho biết thời gian qua chỉ có giám đốc Sở GD&ĐT An Giang thường xuyên gọi điện thăm hỏi tình hình sức khỏe của Y và hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương đến nhà thăm. Trong khi cô giáo chủ nhiệm chưa một lần gọi điện hỏi thăm mà lại đăng những nội dung không hay về việc em Y tự tử.

Chị chia sẻ tất cả những sự việc xảy ra trong thời gian qua em Y. đều kể lại với chị và gia đình. Lúc nghe tin em tự tử để chứng minh mình không sai, chị và gia đình bàng hoàng và rất đau lòng.

“Tâm lý yếu nên mỗi khi kể lại việc cô chủ nhiệm, cô phó hiệu trưởng chèn ép, nạt nộ, bạo lực tinh thần ra sao thì bé đều khóc và rất lo lắng. Tôi cũng trấn an bé là không sao, mọi việc gia đình và chị gái sẽ gặp thầy cô và giải quyết nhưng em ấy vẫn hay suy nghĩ. Tôi không ngờ em lại hành động dại dột như vậy. Có lẽ, do mọi việc xảy ra dồn dập, áp lực tinh thần đè nén khiến em ấy không chịu nổi”, chị Ngọc Mai nói.

Chị gái của Y. cho biết chính chị đã khuyến khích em gái dùng điện thoại để ghi âm lại những lời cô giáo chủ nhiệm la mắng để làm bằng chứng. Bởi thái độ và những lời nói của cô chủ nhiệm khi trao đổi với gia đình khác hoàn toàn với lúc trao đổi cùng Y..

“Chính tôi cũng từng gọi điện cho cô H. để hỏi về việc đi học phụ đạo ở trường. Cô nói với tôi bằng giọng gắt gỏng và bắt buộc em Y. phải đi học dù muốn hay không. Nhưng khi gia đình lên trường gặp cô thì cô lại nói là không ép”, chị gái em Y. kể.

Chị Ngọc Mai chia sẻ mong muốn lớn nhất bây giờ của gia đình là em Y. khỏe mạnh trở lại, tinh thần ổn định. Gia đình có thể chuyển lớp hoặc chuyển trường cho con nhưng sẽ tôn trọng ý kiến của Y. sau khi em khỏe và ổn định trở lại.

“Bé vẫn còn sợ, hoảng loạn và suy nghĩ nhiều đến mức không ngủ được, không muốn đến trường. Gia đình sẽ chờ khi em ổn định để biết mong muốn của bé”, chị Ngọc Mai nói.

Sau sự việc nữ sinh N.T.N.Y. tự tử, Sở GD&ĐT An Giang đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 7/12) đối với ông Nguyễn Việt Hùm – Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương và bà Nguyễn Ngọc Hạnh – Phó hiệu trưởng nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó hiệu trưởng nhà trường được giao tiếp tục chỉ đạo, xác minh làm rõ hành vi của bà H.T.T.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4, liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp này tự tử để có hình thức xử lý phù hợp và báo về sở giáo dục.

Minh Nhật

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/nu-sinh-an-giang-tu-tu-o-truong-em-muon-chung-minh-minh-khong-sai-post1160657.html

CÙNG CHUYÊN MỤC