fbpx

Nơi trưng mặt nạ tuồng lớn nhất Việt Nam

Điểm đến còn trưng bày ba Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bộ sưu tập gốm thời tiền sử và nhiều kiệt tác điêu khắc Chăm Pa.

noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Bảo tàng Tổng hợp Bình Định thành lập năm 1980, là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 10.000 hiện vật về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người Bình Định. Có nhiều hiện vật độc đáo từ thời văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, thời Tây Sơn, thời kỳ kháng chiến đến thời hiện đại, chỉ tại nơi đây du khách mới có thể chiêm ngưỡng.
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Đặc biệt, nơi đây trưng bày bộ ba mặt nạ theo phong cách tuồng Bình Ðịnh lớn nhất Việt Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập, cao 3m và rộng 2,1m. Ba mặt nạ tuồng thể hiện hình tượng khuôn mặt của các nhân vật Phàn Ðịnh Công, Khương Linh Tá và Tạ Ôn Ðình trong vở Sơn Hậu, được coi là vở tuồng cung đình kinh điển của Việt Nam.
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Bảo tàng có khu riêng giới thiệu văn hóa truyền thống của Bình Định, trong đó nổi bật nhất là không gian tuồng với tủ kính 4 mặt đặt các tạo hình nhân vật đặc trưng trong diễn tuồng. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu môn nghệ thuật này thông qua các hiện vật đặc sắc.
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Ngoài bộ ba mặt nạ khổng lồ ở bên ngoài, 30 mặt nạ nhỏ được bày trong gian phòng, cùng những đạo cụ khác như binh khí, nhạc cụ, tượng danh nhân Đào Tấn – người hệ thống bài bản tuồng Bình Định. Bình Định được coi là cái nôi sản sinh nghệ thuật tuồng, còn gọi là hát bội hay hát bộ. Hát bội Bình Định được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Bên cạnh hát bội, không gian nghệ thuật hát bài chòi Bình Định có điểm nhấn là bộ thẻ bài chòi 38 thanh gỗ. Một số nhạc cụ và hiện vật của các nghệ nhân bài chòi danh tiếng cũng được trưng bày tại đây. Không chỉ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2018, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Cùng với hát bội và bài chòi, võ cổ truyền Bình Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012. Căn phòng giới thiệu văn hóa truyền thống của Bình Định cũng trưng bày bộ thập bát ban binh khí (18 món) võ cổ truyền Bình Định và các hình ảnh ghi lại các thế võ đặc trưng.
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Bảo tàng cũng giới thiệu đến du khách chiếc nón ngựa, phụ kiện của giới quyền quý địa phương xuất hiện hơn 300 năm trước, là một trong những sản vật đáng tự hào của người Bình Định.
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Những món đồ gốm được trục vớt tại các cửa biển và đầm Thị Nại, minh chứng sự tồn tại của “con đường gốm sứ” quan trọng đi qua Bình Định có từ thời Chăm Pa (khoảng thế kỷ 11).
noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam
Bên cạnh không gian văn hóa cổ truyền và khu hiện vật thời kháng chiến, phần lớn khuôn viên bảo tàng trưng bày bộ sưu tập điêu khắc mỹ thuật Chăm từ thế kỷ 12. Bảo tàng Tổng hợp Bình Định mở cửa từ 7h – 11h30 và 13h30 – 17h các ngày trong tuần, trừ thứ Hai. Giá vé tham quan 10.000 đồng một người.

Tâm Linh

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/noi-trung-mat-na-tuong-lon-nhat-viet-nam-4117717.html

CÙNG CHUYÊN MỤC