Những bữa cơm lành
Ngày nhỏ ở quê, bữa cơm chỉ cần có một nồi cơm trắng là cả nhà hạnh phúc. Thức ăn chỉ cần một cái trứng luộc dầm mắm, một bó rau muống luộc, hay chỉ là một nồi canh rau tập tàng gồm có mồng tơi, rau dền, rau sam hái quanh nhà.
Mỗi sáng tầm 9 giờ là mẹ phát cho tôi một cái rổ để đi hái mồng tơi cho nồi canh buổi trưa. Mẹ phải sai tôi đi hái rau sớm như vậy vì tôi rất la cà. Đứng hái mồng tơi nhưng tôi lại liếc mắt qua con bướm vàng đang bay rồi đậu bên kia. Hái lá mồng tơi nhưng tôi lại mê mẩn trước từng chùm trái hồng hồng trắng trắng, có cả trái chín tím đen. Tôi quên mất rổ rau để sơn phết cho 10 móng tay của mình tím lịm bằng mực mồng tơi.
Rồi tôi đi tha thẩn trong vườn, sà từng cụm cỏ này tới đám hoa dại khác, nên mãi tới trưa rổ rau mới được gần đầy cho nồi canh của mẹ.Những buổi xế chiều tôi lại được giao cho một cái rổ để hái lá me non. Chợ chiều, cá từ biển về nên thường có món cá nục con, kho khô và nấu canh lá me non thì tuyệt. Bữa nào có canh lá me thì bọn chúng tôi đánh sạch cả nồi cơm, chứ không ỏng eo với tô cơm mẹ ép. Bữa cơm của mẹ đơn giản vậy thôi, những thức món có trong vườn nhà: rau mẹ trồng, gà mẹ nuôi lấy trứng. Hôm nào sang trọng mới có được mớ cá kho. Nhưng cho tới giờ, dám khẳng định rằng đó là những bữa cơm ngon và an và lành nhất.
Những bữa cơm có ba mẹ và các con quây quần bên nhau.Những bữa cơm mà trời mưa xối xả bên ngoài, mấy đứa con chen chúc bên mẹ như đàn gà con rúc cánh gà mẹ, bên bếp lửa canh nồi cơm sôi và chờ ba đi làm đồng về. Nhác thấy bóng ba về, gác cái cuốc bên hiên là mẹ xua chúng tôi đứa dọn chén, đứa xới nồi cơm. Mẹ nhanh chóng bày ra tấm phản bữa cơm tối nóng sốt, xua tan cái lạnh của mưa dầm.
Ngon vì đang đói gặp cơm dẻo thơm, miếng rau xanh mát chấm nước cá kho tuyệt hảo của mẹ, lành vì thức ăn đến từ thiên nhiên còn thuần khiết, và an vì tiếng cười ríu rít trẻ thơ, ánh mắt ấm áp của ba mẹ, đong đầy trong một bữa cơm tối nhà quê.
Những đứa con dần lớn và đi xa. Những ngày tháng chỉ còn lại ba mẹ bên mâm cơm, tôi quên hỏi nhưng khi giật mình nghĩ lại, tôi biết rằng đó là những bữa cơm đầy nhung nhớ, luyến tiếc một thời đàn con còn nít nhỏ, luôn luôn quây quần.Thi thoảng tạt về nhà, mà tôi mải vui bạn, quên mất lời mẹ dặn khi ra khỏi nhà: về ăn cơm với ba mẹ.Những kỳ nghỉ lễ, vội vàng về rồi vội vàng đi, chúng tôi cũng bỏ qua lời níu kéo của mẹ: Hay ở thêm một ngày nữa? Hay ăn trưa rồi đi?
Chúng tôi đôi khi vô tình, nghĩ rằng chỉ là một bữa cơm thôi mà, ăn đâu chẳng được. Thêm một bữa rồi thì chúng tôi cũng phải rời đi, với tất bật công việc còn dang dở của mình.Nhưng chúng tôi “quên” rằng, một bữa cơm đó là thêm một niềm hạnh phúc, được cả nhà ngồi bên nhau, mẹ được ép chúng tôi với chén cơm đầy, với món cá kho mẹ rất chăm chút gia vị cho mấy đứa ngon miệng.
Khi thành phố chỗ chúng tôi sống rơi vào thời kỳ khủng hoảng thực phẩm bẩn, những bữa cơm chứa đầy lo lắng: mớ cá này có ướp u rê không, dĩa rau xanh thế nhưng chứa bao nhiêu dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng? Mỗi lần đọc tin xấu về thực phẩm, tôi lại vội vàng gọi điện cho mẹ, dặn mẹ để ý những dấu hiệu thịt bẩn, cá bẩn, rau bẩn. Tôi chỉ quên hỏi rằng: bữa cơm của ba mẹ có vui không? Rồi mỗi lần về quê, nhìn đàn gà trong sân, vườn rau xanh mướt mẹ gây trồng, tôi sung sướng ngồi bên mâm cơm trở lại là những món nhà quê: rau luộc chấm trứng dầm mắm, món cá nục kho khô. Bữa cơm lại ngon và an lành.Trong lỉnh kỉnh túi mang lên thành phố, có mấy chục trứng mẹ gói giấy cẩn thận, có cả một ôm rau to đùng mẹ cắt ngoài vườn, cho con cháu mẹ lại có thêm những bữa cơm ngon và sạch.
Tôi chỉ quên dặn một câu rằng: con đi rồi, bữa cơm của ba mẹ cũng hãy vui.
Ừ mà thôi hãy dặn chính mình: hãy luôn trở về nhà với ba mẹ, với những bữa cơm an lành như thuở ấy.
Trương Huỳnh Như Trân
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn