Nhãn giảm giá đổi màu giúp giảm lãng phí thực phẩm
Sáng kiến của nhóm sinh viên ở Đài Bắc có thể đem lại lợi ích bất ngờ cho người tiêu dùng cũng như giảm rác thải ra môi trường.
Một nhóm sinh viên Đại học Công nghệ Quốc gia Đài Bắc đã tạo ra một hệ thống ghi nhãn mới có thể giúp giảm lãng phí thực phẩm trong các siêu thị. Ý tưởng của họ, được gọi là Barcodiscount, liên quan đến các nhãn dán tự động thay đổi màu sắc cho biết tỷ lệ giảm giá tương ứng khi sản phẩm gần đến ngày hết hạn.
Nhãn dán thay đổi màu sắc nhờ công nghệ
Các sinh viên hy vọng rằng khái niệm của họ sẽ sớm trở thành hiện thực để giúp những người bán hàng dễ dàng bán sản phẩm của họ hơn cũng như giảm thiểu nguy cơ những món thực phẩm bị đưa vào bãi rác.

Các siêu thị thường dán nhãn điều chỉnh giá của sản phẩm tươi sống và các mặt hàng thực phẩm khác khi gần đến ngày hết hạn, nhưng quá trình này thường tốn thời gian và dễ xảy ra sai sót do con người. Thực tế, một số mặt hàng có thể không bao giờ được dán nhãn lại và có cơ hội được bán ở giá thấp hơn trước khi cuối cùng chúng bị vứt bỏ.
Giờ đây, ba sinh viên tại Đài Bắc đã đưa ra một giải pháp tốt hơn với khái niệm Barcodiscount. Theo đó, các nhãn dán tự động thay đổi màu sắc, hiển thị các màu khác nhau và giảm giá dựa trên mức độ gần đến ngày hết hạn của sản phẩm. Ví dụ, khi một gói thực phẩm còn 48 giờ cho đến khi hết hạn, nhãn sẽ hiển thị giảm giá 20% và sau đó tự động thay đổi thành 40% khi hết 24 giờ.
Để làm được điều này, nhóm sinh viên cải tiến công nghệ hiện có, kích hoạt sự thay đổi màu sắc sau một khoảng thời gian nhất định đã trôi qua. Công nghệ giúp kích hoạt bộ đếm thời gian thay đổi màu khi nhãn được in và sau đó dán trên sản phẩm tại siêu thị. Tiện ích này giúp những người bán hàng sử dụng Barcodiscount dễ dàng hơn, hợp lý hóa việc quản lý khâu hậu cần trong khi giảm lãng phí thực phẩm bằng cách khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa cận ngày hết hạn.
Việc dán nhãn đổi màu được cho là giúp các siêu thị, cửa hàng tăng doanh thu tăng trung bình 6,3%.

50% lượng rác thải thực phẩm trên thế giới là từ châu Á
Hiện tại, châu Á chịu trách nhiệm tạo ra hơn 50% lượng rác thải thực phẩm trên thế giới. Con số này được dự báo sẽ tăng lên khi châu lục này trở nên giàu có hơn, đô thị hóa và đông dân cư hơn.
Trên phạm vi toàn cầu, chất thải thực phẩm được ước tính góp tới 10% lượng khí thải carbon của thế giới. Các giải pháp như Barcodiscount được ghi nhận là giải pháp đáng kể để giúp khu vực này giảm thiểu tác hại của môi trường.
Giữa nhu cầu bức thiết về việc chống lãng phí và thất thoát thực phẩm, sinh viên khắp châu Á đã và đang đổi mới nhiều ý tưởng. Được phát triển bởi một nhóm sinh viên đại học ở Singapore, Makan Rescue, là app cài đặt trên smartphone thông báo cho người dân Singapore về thức ăn thừa gần đó mà nếu không có người đến mua ngay thì sẽ bị loại bỏ. Người dùng cũng được phép thông báo cho những người khác biết thức ăn gần đó có nguy cơ bị đổ bỏ trong lúc vẫn còn ăn được.
Sắp tới, nhóm sinh viên đứng sau Barcodiscount hy vọng có thể triển khai công nghệ của họ trên khắp Đài Loan và một số nước lân cận. Theo họ, hiện tại, công nghệ đổi màu nhãn thực phẩm ở Đài Loan tuy đã phát triển nhưng vẫn chưa được áp dụng phổ biến tại nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Thiệu Kiệt
(theo GreenQueen)