Nhắm mắt trên sông
Đó là những ngày cuối năm 2018, tôi đi bộ ở một đoạn kè vừa lở ở An Giang. Vươn mình khỏi bờ đất lở, một đoạn đất bị cắn hõm vào.
Nhiều đồng nghiệp người nước ngoài từng đi cùng tôi đến An Giang, Đồng Tháp thường đặt những câu hỏi quen thuộc như: “Vậy sau đó người dân mất nhà sẽ ở đâu?”, “Chính quyền có giải thích vì sao bờ sông sạt lở không?” hay “Sẽ thế nào nếu nước sông ở đây không vận hành như trước nữa?”…
Câu trả lời thường chung chung: Có nhiều lý do gây sạt lở. Hoạt động trên dòng chính sông Mekong ở nhiều quốc gia là tổng hòa nguyên nhân gây ra những hiện tượng bất thường này.
Đầu tháng 11/2019, báo Diplomat của Anh đăng một bài viết phần nhiều thất vọng của nhà báo Tom Fawthrop.
Tác giả kinh ngạc vì sao Tập đoàn Petrovietnam chọn đầu tư một con đập khổng lồ ở Luang Prabang, Lào. Việt Nam đã bước vào cuộc chơi thủy điện chung với những nhà đầu tư nhiều tham vọng khác trong khu vực. Ông ngạc nhiên vì nếu những thay đổi ở quy mô lớn tiếp tục diễn ra trên dòng chính sông Mekong, thì hậu quả lãnh đủ sẽ là đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải ai khác (*).
Tương tự như những con đập khác trên dòng chính sông Mekong, dự án đập Luang Prabang ghép thêm một mảnh vào bức tranh lớn, nơi 18 triệu cư dân sinh sống ở đồng bằng không được quyền quyết định điều gì sẽ xảy ra với họ.
Câu hỏi người dân sẽ đi đâu thường không trả lời được.
Tôi từng tìm đến những gia đình sống trên nhiều cù lao sạt lở ở Đồng Tháp. Một khu quy hoạch mới được đặt đâu đó giữa cù lao – kêu gọi người sống sát bờ lở vào tái định cư – rời khỏi nền nhà đứt gãy họ vừa hụt chân. Một bà nội kể đêm ngủ bà nhớ tiếng nước bì bạch yên lặng, không phải tiếng xe máy đua xe trong thôn như bây giờ. Tiền nước, tiền gì cũng phải trả. Ngày nhà chưa sụp, bà xuống bờ sông tắm rồi lên, chẳng tốn đồng tiền nước nào. Diễn dịch này nghe có vẻ buồn cười với người thành thị, khi họ biết rằng nước sông giờ ô nhiễm cả. Nhưng với một bà lão sanh đẻ trên sông Tiền, cuộc sống gần gũi với sông chỉ đơn giản là vậy.
Một đứa bé trong xóm tái định cư kể, từ ngày nhà sập ba má nó đi Cần Thơ và Sài Gòn quanh năm. Nhà sập họ không có nhà riêng nữa, ở ké nhà ông bà thì đôi ba bữa chứ sao sống bám vô ông bà cả đời. Với lại, cả cồn lở hết, chẳng ai thuê ba má nó làm gì. Để kiếm sống chỉ có đi Cần Thơ làm chạy bàn hay về Sài Gòn làm công nhân. “Con nhớ hồi đó ba chở con đi Suối Tiên chơi” – đó là lần cuối cùng cậu bé có một kỳ đi chơi với cả ba lẫn má. Từ dạo ấy, chừng sáu tháng hay cả năm nó mới gặp lại họ một lần.
Một anh thanh niên kể anh làm thủy thủ sà lan chở cát. Cái sà lan đó đậu ngay giữa sông kia. Ngồi trên bờ, anh chỉ ra xa. Sà lan đậu sát cái cần cẩu cào cát khổng lồ. Múc từng đợt theo nhịp, chậm rãi, thư thả. Đầy sà lan thì chuyển về Cần Thơ, Sài Gòn. Mới đầu bà con trong xóm ghét dữ lắm. Nhưng rồi họ thông cảm, anh cũng chẳng có nghề gì khác khi cồn lở và chẳng còn ai thuê mướn việc gì quanh đó nữa – ngoài công ty khai thác cát.
Cô bé công nhân ở Bình Dương chỉ nói em không về quê đâu, về quê không có gì mần ăn hết. Em cương quyết vô cùng. Em đón luôn má em và hai đứa em gái về nhà trọ ở Bình Dương. Bà má đơn thân nuôi ba đứa con cực cả đời, giờ em muốn ở gần chăm sóc má. Một đứa em gái đi học nghề ở Sài Gòn, cuối tuần về Bình Dương, em gói ghém đồ ăn cho mang đi, tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Cô bé còn lại vào xưởng cùng em ở tuổi 21. Má em nhắc đi nhắc lại ở nhà trọ nóng quá, không có cây cối, bờ kênh gì hết, nhưng bà chịu vì được ở gần con.
Mỗi năm mùa nước lên ở đồng bằng sông Cửu Long là bùng nổ những cuộc cãi vã. Người mang niềm tin tuyệt đối vào sự khao khát phải có bằng được mọi loại năng lượng (thế kỷ này gọi nó bằng cái tên trọng đại “an ninh năng lượng”) tin rằng Việt Nam nên đặt càng nhiều thủy điện càng tốt trên sông Mekong. Ta không đặt thì “nó” đặt. Thái không xây thì Lào xây. Việt Nam không xây thì Trung Quốc xây. Sự tín nhiệm của những quốc gia trên sông Mekong thường được ca ngợi bằng cái bắt tay trên bàn hội nghị ngoại giao. Tôi khó lòng tin được những bàn tay hờ hững đó thực sự thấu hiểu nguy cơ gì đang bóp vụn đồng bằng xuống bờ đất lở của thế kỷ này.
Hoặc có thể 18 hay 65 triệu sinh kế cũng không phải là con số quan trọng lắm cho những quyết sách không khoan nhượng – trong thời đại tranh giành nguồn nước và tài nguyên bằng đủ mọi giá.
Các nhà báo gặp khó khăn khi diễn đạt điều gì đang chực chờ dòng sông Mekong trước mỗi mùa nước lớn và sau mỗi con nước đi qua. Nước trong xanh hơn. Phù sa cạn kiệt. Nước đói. Thủy điện chặn hết dòng chảy của đất mùn và dinh dưỡng. Không có nước. Xâm nhập mặn lấn vào. Khai thác cát. Sạt lở mất nhà cửa. Biến đổi khí hậu. Nước biển dâng. Bờ kè biển và đường quốc lộ sụp đổ.
Quá nhiều mảnh ghép không thể thuyết phục người không muốn tin vào các nguy cơ tự nhiên trỗi dậy mạnh mẽ. Bà nội ở khu tái định cư hỏi giờ ngoài sông hết lở rồi, sao không cho bà ra đó cất nhà lại. Không ai đủ can đảm chịu trách nhiệm nếu nhà sập lần nữa và lỡ ai đó thiệt mạng vì dòng sông ngoạm đất. Đứa nhỏ hỏi, cô đi thành phố có gặp ba con không, nếu gặp ba con nói ba về nhớ mua máy tính bảng cho con, chứ con chơi game ké hoài xin mệt quá.
Cũng có cô bé làm nghề dẫn tour du lịch ở Cần Thơ cười xởi lởi nói em không về quê đâu, về quê đâu có mần gì ăn được, đất nhà ba má em trôi hết xuống sông rồi. Cô cười nhẹ tênh (hay người ngoài như tôi thường diễn tả nụ cười của người miền Tây là nhẹ tênh nhỉ?). Chứ cái thực thể đời sống tồn tại song song với cô, nó như một gánh nặng không thở nổi cho bất cứ ai chứng kiến sinh cảnh miền Tây đang lở dần xuống nước như vậy.
Mọi người thường nhắc về “miền Tây” như cõi miên man trong truyền thuyết nào đó. Chốn toàn người tử tế. Nơi toàn những ánh cười. Cõi toàn thể là trái cây ngọt lịm và đồng xanh mát rượi. Mấy cậu bạn tôi thường nói bạn gái miền Tây cười đẹp như hoa, vô lo như cây cỏ. Có thể những mường tượng đó sắp hóa thành cổ tích – và hóa thân một bất thường kịch tính nào đó mà ta không thể tin vào mắt mình.
Những nhà báo người Thái từng kể họ chứng kiến dòng sông Mekong ở Chiang Khong, Chiang Rai cạn kiệt nguồn cá và bất an khi nước sông lên xuống bất thường. Tôi tưởng tượng ra những điều tương tự trong chuyện kể của từng người Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ tôi từng gặp. Nếu những chính trị gia và tập đoàn năng lượng trong khu vực này không đổi ý – và họ có quá nhiều lý lẽ để tiếp tục tranh giành thứ tài nguyên ngày một khan hiếm và ngặt nghèo là nước ngọt. Nếu những hiểu biết về dòng sông khổng lồ chỉ dừng lại ở một mảnh ghép lợi nhuận thức thời. Nếu những người bình thường như chú nông dân trong làng hay người chạy xe ôm đầu ngõ không được chỉ dẫn điều gì sẽ xảy ra với tương lai của họ. Nếu… Và nhiều cái “nếu” khác.
Trong khi ấy, các thủy điện tiếp tục thành hình. Tôi nhắm mắt không trả lời câu hỏi của đám đồng nghiệp nói tiếng Anh lao xao.
Sự mong manh của đồng bằng – cũng dài chỉ vừa bằng một lần nhắm mắt… làm ngơ sinh mệnh của dòng sông.
Như chẳng hề can dự.
Bài & ảnh: Khải Đơn
Theo nguoidothi.net.vn
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nham-mat-tren-song-21993.html