fbpx

Nhà nghiên cứu 99 tuổi ra mắt tác phẩm tâm huyết về đường phố TP.HCM

Ở tuổi 99, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài bên những trang bản thảo. Và tác phẩm mới nhất của ông, góp phần thỏa mãn sự tò mò của độc giả khi thống kê, giải đáp kỹ tên đường TP.HCM.

Tên tuổi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã trở nên quen thuộc với độc giả yêu lịch sử từ lâu. Những công trình nghiên cứu của vị tác giả cao niên luôn nhận được sự đón nhận nhiệt thành của độc giả, như tác phẩm Địa chí Khánh Hòa, Non nước Phú Yên hay Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam bộ, Nam kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục…

Nụ cười sảng khoái của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư khi tâm sự về đứa con tinh thần mới xuất bản. Ảnh: Trần Đình Ba

Ra mắt tác phẩm về đường phố TP.HCM trước khi có Hội đồng Đổi, đặt tên đường

Trong nhiều tác phẩm được cụ Nguyễn Đình Tư viết, ghi đậm dấu ấn có bộ Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859 – 1954) đoạt giải A Sách hay tại giải Sách Quốc gia lần thứ nhất năm 2018.

Dù đã qua cả cái tuổi “xưa nay hiếm” như lời Đỗ Phủ từng nói, sắp đón tuổi bách niên trong nay mai, nhưng tình yêu với lịch sử, văn hóa nước nhà thì vẫn luôn đong đầy nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Mới đây, tác phẩm Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh của cụ đã ra mắt độc giả, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh vốn được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1994 ngay cả trước khi Hội đồng Đổi, đặt tên đường được Ủy ban nhân dân TP.HCM thành lập ngày 23/8/1995.

Khi nói về việc viết tác phẩm này, tác giả tâm sự là do dạo ấy, tên đường cũ thay đổi nhiều khiến đồng bào đi đường mà có lúc không biết được lai lịch, nguồn gốc con đường. Sau khi tác phẩm được viết, xuất bản hoàn toàn với tình yêu cá nhân dành cho thành phố, ông được mời vào Hội đồng Đổi, đặt tên đường khi hội đồng này được thành lập.

Với tác phẩm Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả giới hạn đường phố thuộc 12 quận nội thành vào năm 1994. Đó là quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 8, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình. Ở lần in mới ra mắt, tác phẩm có cập nhật quận Tân Phú được tách ra từ quận Tân Bình tháng 12/2003.

Công trình tường tận, kỹ lưỡng về tên đường nội thành TP.HCM

Ở lần xuất bản đầu tiên, tác giả viết về 679 tên đường hiện hữu dạo ấy. Nhưng với sự miệt mài không ngừng trong nghiên cứu, dẫu tuổi đã cao, ông vẫn nhờ con cháu đưa đi qua các con đường được đặt tên mới trong nội thành TP.HCM để cập nhật những tên đường mà qua thời gian đã có thay đổi. Và trong ấn phẩm mới được ra mắt độc giả, tên đường đã có số lượng 1.059.

Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh bản in lần đầu (bên trái) và bản in mới. Ảnh: Trần Đình Ba

Qua Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, với mỗi tên đường, tác giả thống nhất cách trình bày với vị trí hiện hữu, lịch sử con đường và tiểu sử tên đường đó. Chẳng hạn về đường Bình Long, tác giả cung cấp thông tin:

“Vị trí: Trên địa bàn các phường Phú Thạnh, Phú Thọ Hòa, Tân Quý, quận Tân Phú, từ ngã tư Bốn Xã đến đường Phan Anh, chung với quận Bình Tân, dài khoảng 4.700m, lộ giới 30m, qua các ngã ba Trần Quang Cơ, Thạch Lam, Lê Cao Lãng, Lê Lâm, Lê Thúc Hoạch, Thân Nhân Trung, ngã tư Lê Trọng Tấn.

Lịch sử: Đường này nguyên là Hương lộ 3 có từ thời Pháp thuộc. Sau năm 1975 gọi là đường An Dương Vương nối dài. Ngày 13/7/1999, Ủy ban nhân dân Thành phố đặt tên đường Bình Long, vì nằm trên địa bàn huyện Bình Long xưa.

Tiểu dẫn: Bình Long là tên huyện thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định lập mới năm Thiệu Trị thứ nhất, do tách tổng Dương Hòa Thượng của huyện Bình Dương cùng phủ. Qua triều Tự Đức đến đầu thời Pháp thuộc đổi thuộc tỉnh Tây Ninh, rồi lại trả về tỉnh Gia Định. Từ năm 1865 giải thể, các tổng đặt thuộc hạt Thanh tra Sài Gòn”.

Để có được những thông tin cơ bản đó, là sự tra cứu, thực địa vất vả, tâm huyết của tác giả. Dẫu tên sách khá “hành chính” và có vẻ khô khan, nhưng khi lần giở tra tìm những thông tin, chúng ta không khỏi xúc động và bị lôi cuốn. Bởi đây không chỉ đơn thuần là… tên đường.

Chẳng hạn với đường Huỳnh Tịnh Của có ở quận 3, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, hay đường Ngô Đức Kế có ở quận 1, quận Bình Thạnh… ta biết được lý do tại sao cùng một tên mà được đặt cho nhiều con đường ở các quận.

Bởi sau thời điểm 30/4/1975, tên đường cũ mới được các quận đặt tùy tiện, nhưng khi Ủy ban nhân dân TP.HCM quyết định thay thế thì xảy ra hiện trạng nếu thay tên “sẽ gây xáo trộn, trở ngại cho dân chúng trong việc quản lý hành chính, vì tên đường gắn liền với giấy khai sinh, giấy hôn thú, chứng minh nhân dân…”. Vậy là các tên đường trùng nhau giữa các quận được giữ lại.

Một góc đường Hoàng Sa. Ảnh: VOH.

Có những tên đường mà khi ta nghe đến hay đi qua, có thể thực sự khó hiểu nhưng đã được tác giả giải đáp tường tận, như đường Bình Quới thuộc quận Bình Thạnh có tên ấy bởi đây là tên thôn cũ từ thời Gia Long; đường Lò Siêu ở quận 11 là tên xóm thời xưa dân ở đây làm siêu nấu nước, sắc thuốc bằng đất sét; hay đường Thành Mỹ thuộc quận Tân Bình có nghĩa là thành công và mỹ mãn, là mỹ từ biểu lộ sự mãn nguyện trong cuộc sống…

Theo lời tác giả bày tỏ, ta biết được những con đường Hoàng Sa, Trường Sa với ý nghĩa luôn nhắc nhớ tới chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cụ Nguyễn Đình Tư chính là người đã đề xuất việc đưa tên hai địa danh ấy vào ngân hàng tên đường TP.HCM. Và ngày nay, hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa hiển hiện rõ trên bản đồ hành chính của TP.HCM.

Trần Đình Ba

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/nha-nghien-cuu-99-tuoi-ra-mat-tac-pham-tam-huyet-ve-duong-pho-tphcm-post1087266.html

CÙNG CHUYÊN MỤC