Ngô Thanh Vân và hành trình của “đả nữ” màn ảnh Việt
Khởi nghiệp với vai trò người mẫu, ca sĩ nhưng không thành công, sau đó Ngô Thanh Vân đã có một hành trình đáng tự hào trong lĩnh vực điện ảnh. 12 năm, đúng bằng thời điểm điện ảnh Việt Nam bắt đầu khởi sắc, Ngô Thanh Vân không chỉ khẳng định được hình tượng “đả nữ” với ba bộ phim hành động thuần Việt, xuất hiện trong một vài bom tấn của Hollywood mà còn trở thành một nhà sản xuất có tầm nhìn và dám chọn một con đường riêng đầy thách thức cho mình…
Là Việt kiều từ Na Uy trở về nước tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực giải trí, Ngô Thanh Vân cũng khởi đầu như bao người đẹp khác. Cô tham gia các cuộc thi người đẹp, trình diễn thời trang, thử sức với âm nhạc, nhưng cả ba lĩnh vực này cô hầu như không để lại dấu ấn, hoặc nếu có, cũng rất mờ nhạt.
Ngô Thanh Vân chỉ thực sự được biết đến khi chuyển hẳn sang lĩnh vực điện ảnh. Tất nhiên, để có được vị thế như ngày hôm nay là cả một hành trình dài mà cô phải đánh đổi bằng sự quyết liệt, tham vọng tới cùng và thậm chí hy sinh cả cuộc sống cá nhân. Trong một bài phỏng vấn với người viết cách đây vài năm, cô đã từng nói rằng, điều tiếc nuối nhất là cô không sinh con ở thời còn trẻ, trong khi bây giờ thì đã quá lớn tuổi và không còn đủ thời gian chăm lo cho gia đình riêng.
Trong giai đoạn đầu, Vân xuất hiện ở nhiều thể loại phim, từ nhạc kịch lãng mạn trong Saigon Love Story đến hành động dã sử như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Lửa Phật; từ kinh dị như Ngôi nhà trong hẻm đến phim thể nghiệm nghệ thuật như Ngọc Viễn Đông…
Nhưng cô chỉ thực sự tạo được dấu ấn ở thể loại hành động với vai chính, diễn cạnh Johnny Trí Nguyễn trong hai bộ phim Dòng máu anh hùng (2007) và Bẫy rồng (2009). Hai nhân vật Võ Thanh Thúy trong Dòng máu anh hùng và Trinh/Phượng Hoàng trong Bẫy rồng để lại ấn tượng sắc nét với hình tượng “đả nữ” chưa từng có trên màn ảnh Việt trước đây. Cô cũng cho thấy khả năng diễn xuất hình thể và nội tâm nhân vật khá tốt. Thành công của Ngô Thanh Vân trong hai bộ phim này cũng giúp cô xác lập một vị thế riêng biệt trong thị trường điện ảnh Việt vốn chỉ khai thác thể loại phim hài nhảm, hài lãng mạn hoặc phim tâm lý dành cho phụ nữ.
Không dừng lại ở đó, Vân cho thấy một tầm nhìn vượt trội và thách thức bản thân mình ở các khả năng cao hơn. Từ diễn viên, cô tham gia vào lĩnh vực sản xuất, thậm chí là đạo diễn với các bộ phim như Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám – Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Về quê ăn Tết, Song Lang và mới nhất là Hai Phượng.
Ở phạm vi quốc tế, các vai diễn, dù nhỏ của cô trong các bom tấn như Star Wars: Episode VIII – The Last Jedi, Bright hay Ngọa hổ tàng long 2 giúp tên tuổi của cô không còn bó hẹp ở phạm vi trong nước.
Tuy nhiên, tham vọng của Vân lớn hơn thế. Cô không muốn xuất hiện với những vai phụ mờ nhạt trong các bom tấn Hollywood, cho dù đó là khao khát của bao diễn viên khác – mà muốn đầu tư vào thị trường trong nước, xây dựng các thể loại phim nhiều thách thức để không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Từ những bộ phim đề cao yếu tố văn hóa dân gian, truyền thống của Việt Nam như Tấm Cám – Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang đến bộ phim hành động kịch tính, giật gân như Hai Phượng mới đây, Ngô Thanh Vân cho thấy cô là một nhà sản xuất có tầm nhìn khác biệt, vượt trội, thậm chí hơn cả các đồng nghiệp nam tại thị trường Việt Nam.
Bộ phim thể hiện rõ nhất cho khát vọng “nâng tầm” phim Việt của Ngô Thanh Vân chính là Hai Phượng, một tác phẩm hành động liều cao có kịch bản đơn giản, ảnh hưởng từ nhiều phim hành động hạng B của Hollywood nhưng lại mang bản sắc văn hóa của Việt Nam rõ nét, nhờ vào cách xây dựng bối cảnh, xuất xứ của nhân vật cũng như các thế võ thuần Việt được sử dụng trong phim.
Bối cảnh sông nước miền Tây, lò gạch cũ, chợ quê, cuộc sống lam lũ của người đi vay nặng lãi ở đầu phim hay căn nhà cũ kỹ vốn là một tiệm sửa xe, điểm tập kết của giới giang hồ hay hang ổ của ả nữ quái Thanh Sói… thể hiện rõ bối cảnh đặc trưng của Việt Nam không trộn lẫn. Nhân vật Hai Phượng của Ngô Thanh Vân cũng xuất hiện từ đầu đến cuối phim với chỉ một bộ trang phục áo bà ba duy nhất, mái tóc rối bời và vẻ lì lợm, căng thẳng trong suốt cuộc hành trình của mình.
Ra tay với kẻ ác quyết liệt, dữ dội không nương tay, nhưng đối với cô con gái nhỏ, Hai Phượng đôi lúc thể hiện sự yếu đuối – điều đó càng làm tăng tính thuyết phục của tâm lý nhân vật, hình mẫu một “đả nữ” hành động thuần Việt, điều này giúp bộ phim thoát ra khỏi kiểu mô típ nhân vật hành động hạng B mà các bộ phim Hollywood đã khai thác quá nhiều.
Điểm đáng khen nữa là “production value” (chất lượng sản xuất) của Hai Phượng gần như đạt đến tầm quốc tế. Ngô Thanh Vân đã không tiếc tiền thuê đạo diễn hành động Yannick Ben cùng biên đạo võ thuật Kefi Abrikh qua Việt Nam dựng bài. Nhờ kinh nghiệm làm việc với các bộ phim quốc tế trước đó, hai tên tuổi này đã sử dụng vốn kinh nghiệm và kỹ năng của họ để biên đạo những pha hành động ấn tượng, mãn nhãn. Góc quay linh hoạt, cắt dựng nhanh, kịch tính; sử dụng các đòn thế mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt và ở các đoạn cao trào (climax), bộ phim chốt hạ bằng những chiêu thức thực sự đẹp mắt, như cảnh Hai Phượng ra cú đòn quyết định để hạ gục Thanh Sói ở cuối phim với bối cảnh trong toa tàu đang chạy.
Trong buổi ra mắt phim, Ngô Thanh Vân chia sẻ, rằng: “Để Hai Phượng trở thành người mẹ quyết liệt nhất trên màn ảnh Việt, Vân đã không ngại vắt cạn kiệt sức lực phối hợp cùng những người anh em dữ dằn nhất trong lĩnh vực sản xuất phim hành động hàng đầu Hollywood”. Trong quá trình quay phim, Vân cũng gặp chấn thương trong một cảnh hành động buộc phải dừng tiến độ sản xuất, gây tổn hại kinh phí và khiến mẹ cô phải lo lắng đến mất ngủ vì sợ cô… chết.
Nhưng chỉ cần hồi phục nhẹ, cô tiếp tục trở lại trường quay để hoàn thành hành trình của mình.
Sự quyết liệt, tham vọng và tầm nhìn của Ngô Thanh Vân đã được đền đáp. Hai Phượng nhận được những lời khen có cánh của giới phê bình, báo chí và khán giả trong buổi chiếu ra mắt và các suất chiếu sớm. Bộ phim đầy hy vọng tạo được cú đột phá tại phòng vé và mở ra cơ hội cho thể loại hành động, hình sự chất lượng cao và phá được thế độc tôn của dòng phim rom-com đang thống trị thị trường phim Việt.
Ở phạm vi quốc tế, Hai Phượng đang được hãng Well Go USA mua bản quyền phát hành tại khu vực Bắc Mỹ từ ngày 1.3 và một vài thị trường khác sau đó. Phim cũng đã bán bản quyền cho nhiều nhà phát hành quốc tế khác và chuẩn bị “lên sóng” stream trên kênh Netflix, thế lực mới trong lĩnh vực giải trí hiện nay. Cái kết đầy triển vọng của Hai Phượng minh chứng cho một hành trình quyết liệt, đam mê và dám phá bỏ sự an toàn của Ngô Thanh Vân, “đả nữ” của điện ảnh Việt.
Và hành trình phía trước của cô chắc chắn còn rộng mở.
Bài: Lê Hồng Lâm
Ảnh: Studio 68
Theo Báo Người Đô Thị