fbpx

Chuyện tử tế: Ông bà Hai từ thiện

Đó là cái tên mà người dân xứ bưởi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) quen gọi bà Nguyễn Thị Nuôi cùng chồng Nguyễn Văn Hai, bởi suốt 20 năm qua hai người luôn miệt mài làm việc thiện giúp người nghèo.

ong-ba-hai-tu-thien
Các thành viên trong bếp ăn từ thiện của bà Nuôi sơ chế rau củ để nấu các phần ăn miễn phí

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nuôi (65 tuổi) và ông Nguyễn Văn Hai (69 tuổi) sống trong căn nhà cấp 4 ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long. Đây cũng là điểm nấu cơm từ thiện và quầy quần áo 0 đồng nhiều năm qua.

Ông Hai kể từng có nhiều năm tham gia nhóm sưu tầm thuốc nam nên ông nhận biết được những cây thuốc quý. Năm 2001, thấy các phòng khám từ thiện tại địa phương thường xuyên bị thiếu hụt thuốc quý hiếm nên ông quyết định đi khắp nơi tìm đem về trồng và vận động bà con lối xóm trồng xen kẽ trong vườn cây ăn trái.

“Lúc mới lập vườn thuốc nam, ngoài trồng trên đất nhà, tôi đem cây đến nhờ bà con cho trồng nhờ xen trong vườn của họ. Mỗi năm thu hoạch một lần, đem cung cấp cho các phòng khám. Đến nay, diện tích vườn đã hơn 3 công đất, mỗi năm thu hoạch trên 8 tấn thuốc”, ông Hai nói.

ong-ba-hai-tu-thien
Hai vợ chồng bà Nuôi, ông Hai

Năm 2019, biết địa phương còn nhiều người nghèo khó, vợ chồng bà Nuôi đứng ra thành lập bếp ăn từ thiện và mở quầy quần áo 0 đồng, với sự tham gia của 12 thành viên, tuổi từ 50 đến hơn 70. Việc phát cơm, cháo, bánh lọt được tổ chức vào chủ nhật hằng tuần, mỗi đợt có từ 450 – 500 suất.

“Hằng tuần, vào ngày thứ sáu sẽ có người chở thực phẩm nhận từ các tiểu thương đến cho bếp ăn. Thứ bảy mọi người bắt đầu sơ chế. Đến chủ nhật, từ 2 giờ sáng, tất cả thành viên bếp ăn tập trung để nấu cho kịp phát lúc 5 giờ sáng. Phụ nữ tham gia nấu nướng, còn cánh đàn ông phụ cho thức ăn vào bọc”, bà Nuôi cho biết.

Cứ mỗi tuần, nhóm bà Nuôi lại luân phiên thay đổi món ăn. Thường thì đổi từ cơm sang cháo rồi tới bánh lọt thập cẩm. Tất cả được chế biến hợp vệ sinh và được đánh giá là rất ngon miệng. Nguồn thực phẩm và gia vị được nhiều nhà hảo tâm, tiểu thương hỗ trợ đóng góp. Nếu có thiếu thì nhóm bà Nuôi tự bỏ tiền túi mua thêm.

Riêng với quầy hàng 0 đồng, quần áo cũ sẽ được vận chuyển đến nhà vợ chồng bà Nuôi, sau đó được vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp để người dân đến nhận. Cũng nhờ quầy quần áo này mà bà con nơi đây có những chiếc áo, quần lành lặn hơn.

Thời gian gần đây, sức khỏe ông Hai yếu đi nhiều bởi di chứng của bệnh tai biến. Việc duy trì vườn thuốc cũng vượt quá sức nên ông trả bớt đất vườn mượn của người dân trong vùng, chỉ giữ lại một ít trồng và tập trung tham gia phụ giúp bếp ăn. “Tôi trải qua lần bệnh thập tử nhất sinh nên giờ sức khỏe suy giảm nhiều. Không thể ngày ngày ra vườn săn sóc, tưới nước cho cây thuốc được nên đành ngậm ngùi trả bớt đất, nhưng vẫn duy trì trồng để đem cho từ thiện. Việc giúp ích cho mọi người thì dù có ra sao cũng phải duy trì mới được”, ông Hai chia sẻ.

Bà Võ Thị Đó (68 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 1) thì chân chất cho biết: “Tôi tham gia bếp ăn và đảm nhận làm bếp trưởng từ khi mới thành lập đến nay. Được tham gia làm từ thiện, nấu những suất ăn giúp bà con nghèo no bụng, tôi thấy vui lắm”.

Duy Tân

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/chuyen-tu-te-ong-ba-hai-tu-thien-1374118.html

CÙNG CHUYÊN MỤC