Lửa nghề truyền mãi ngàn sau: Người giữ bí quyết “trái dựa” hoàng cung
Đôi mắt tinh anh và bàn tay khéo léo đến lạ lùng, cụ bà Công Tôn Nữ Trí Huệ đã 97 tuổi, vẫn tài hoa khâu từng đường chỉ mũi kim thành chiếc gối dựa thêu rồng phượng hoàng cung danh tiếng một thuở.
Hành trình phục dựng
Cụ bà Trí Huệ ấy là chắt nội vua Minh Mạng, còn nắm giữ và lưu truyền kỹ thuật làm gối dựa, hay còn gọi là “trái dựa” – một loại gối tựa tay dành cho những bậc cao quý trong hoàng cung triều Nguyễn những tưởng đã thất truyền từ lâu.
Giữa cái nắng đổ lửa, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong một con ngõ ở làng Hương Cần của xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế). Ngồi trước hiên nhà là một bà cụ có gương mặt phúc hậu đang chậm rãi ép bông, cắt vải, khâu từng đường chỉ thẳng tắp, li ti, tinh tế… Nở nụ cười móm mém, cụ bà nói đã theo cái nghề làm “trái dựa” ngót nghét hơn nửa đời người rồi.
Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ là cháu nội hoàng tử Miên Lâm – người con thứ 57 của vua Minh Mạng, quan phụ chánh thân thần các đời vua Hàm Nghi, Thành Thái. Lớn lên trong giai đoạn cuối triều Nguyễn, cụ Huệ được một vị quan trong Bộ lễ truyền dạy nghề thêu thùa, may vá trong cung.
Dù được truyền đạt tinh hoa thêu thùa nhưng do hoàn cảnh thời cuộc, nhất là giai đoạn triều Nguyễn cáo chung, cụ trở về vùng quê nghèo Hương Cần để vừa làm nông vừa may vá thuê cho bà con trong vùng.
Đến năm 1955, thật bất ngờ một bậc quý phái cử người mang hương hoa đến viếng tang cha bà Huệ là ông Hường Dẫn. Bậc ấy chính là hoàng thái hậu Từ Cung – mẹ của vua Bảo Đại.
“Sau đám cha, tui cũng đến phủ Kiên Thái Vương để cảm ơn đức Từ (hoàng thái hậu Từ Cung). Lúc ni biết tui có nghề thêu vá, rứa là ngài mời tui ở lại phủ để phụ giúp việc may, làm bánh cũng như thờ cúng trong phủ và trong nội (Đại nội Huế)” – cụ Huệ hồi tưởng minh mẫn.
Làm việc trong phủ Kiên Thái Vương một thời gian, Trí Huệ tỏ vẻ nắm chắc nghề xưa nên hầu hết áo quần của bà Từ Cung đều giao bà thêu vá. Một hôm, đức Từ Cung dẫn Trí Huệ vào Thế miếu, nơi thờ các vua Nguyễn trong hoàng cung.
“Xem mấy cái “trái dựa” trên bàn thờ đã bị hư mục, đức Từ băn khoăn rằng không ai còn làm được, và quay hỏi tui có làm được không. Dạ được. Tui đáp lời đức Từ và không nghĩ mình bạo gan như rứa” – cụ Huệ kể.
Điều tinh tế khó nhất của “trái dựa” phải là một khối thẳng đứng chồng khít khi gấp các lá, không một chút xê xích và phải cứng cáp để không bị xìu xuống khi tựa tay lên. Do vậy, người làm phải thật tỉ mỉ, chăm chút mọi công đoạn, nhất là khâu nhồi ép bông và đường chỉ khâu đều đặn, tuyệt đối thẳng hàng.
Sau một thời gian tìm tòi và bắt tay vào làm, cặp gối tựa đầu tiên do cụ Huệ làm ra được đức Từ khen. “Tui đưa cặp “trái dựa” cho đức Từ Cung thì bà nói ui chao đẹp quá. Rồi bà kêu đưa cặp gối đó vô trong Thế miếu để thay cho cặp gối đã cũ đang thờ trong đó“.
Lần ấy mở đầu cho hàng loạt “trái dựa” được cụ làm để thay những chiếc gối cũ đang được thờ ở các lăng tẩm, phủ đệ, kể cả việc làm cho đức Từ để tặng những người bạn quý nước ngoài…
Gian nan giữ nghề
Cụ Trí Huệ cũng kể rằng có một thời gian dài hậu chiến, cụ không được làm “trái dựa” nữa vì kinh tế quá khó khăn, phải làm đủ nghề khác như đan thúng, may vá thuê cho người ta để đắp đổi qua ngày. Nghề xưa tưởng đi vào dĩ vãng.
Nhoẻn miệng cười phúc hậu, cụ Trí Huệ kể rằng rất may vào năm 2003, có một vị khách tìm đến đặt làm một cặp “trái dựa”. Vị khách đó là một nhà nghiên cứu và phục chế trang phục hoàng gia. Dù “chỉ nhớ mang máng”, cụ đánh liều nhận lời, cũng tựa như cái gật đầu của cụ với đức Từ Cung mấy chục năm trước.
Theo cụ Huệ, cặp gối đó được nhà nghiên cứu này đưa vào áng thờ vua Gia Long trong Thế miếu để thay thế cho cặp “trái dựa” đã cũ.
Hiện trong nhà có con dâu của cụ Huệ là bà Lê Thị Liền (65 tuổi) được cụ truyền nghề và cùng làm gối dựa. Ban đầu bà Liền chỉ phụ mẹ chồng ở công đoạn nhồi bông vào ruột “trái dựa”. Dần dần người con dâu bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của những “trái dựa” hoàng cung nên quyết xin cụ Huệ truyền nghề cho bằng được.
Thấy mẹ và bà làm gối, con gái và con dâu của bà Liền cũng xin theo học làm “trái dựa”. Chị Bùi Thị Mỹ Hương, con gái bà Liền, đang phụ làm những công việc cần đến sức trẻ như nhồi bông và tập tễnh từng đường kim mũi chỉ tỉ mẩn.
Chị tâm sự rằng rất muốn học nghề chuyên làm “trái dựa” để tiếp truyền nét tài hoa của bà và mẹ, nhưng hoàn cảnh khiến chị chỉ xem là việc phụ vì phải làm nghề khác có nguồn thu nhập chính.
Trên thực tế, con cháu cụ Trí Huệ đang học làm “trái dựa” cốt cũng chỉ để giữ nghề của mẹ, của bà, chứ không thể dựa vào đó làm kế sinh nhai. Để làm một “trái dựa” mất cả tuần và bán giá 1,8 triệu đồng, trừ đi chi phí lãi chẳng bao nhiêu. Đó là lý do con cháu chỉ học nghề và phụ cụ lúc nông nhàn chứ không thực chuyên theo nghề.
Hiện nay, gia đình ba thế hệ nắm kỹ thuật may “trái dựa” hoàng cung vô cùng hiếm hoi này chỉ sản xuất cầm chừng. Khách hàng chủ yếu cũng chỉ đặt mua để làm quà tặng hay để kỷ niệm và cũng rất hiếm, có khi một vài tháng hoặc cả năm trời mới có người đặt hàng.
“Ai chẳng mong sống ổn, sống khỏe với nghề. Ngặt nỗi bán buôn giờ khó quá, tiền bán “trái dựa” không lại công làm. Cũng chỉ mong sao thị trường ủng hộ cho mạ con tui sống ổn với nghề, để nghề làm trái dựa khỏi bị thất truyền khi mạ tui đến ngày về với tổ tiên” – bà Lê Thị Liền tâm sự.
Bao năm qua, điều mong ước của cụ Trí Huệ là có được một cơ sở làm “trái dựa”, có thương hiệu hẳn hoi để vừa đào tạo, vừa phát triển nối truyền nghề. Ước mơ đó nằm ngoài tầm với của cụ.
Song, cụ vẫn còn một niềm vui lớn nhất, cũng là may mắn cuối đời của cụ khi: “Mấy đứa con cháu tui đã mê nghề ni rồi, hắn hỏi ngày hỏi đêm từng li từng tí, có mệt mấy tui cũng bày cho hết. Tui tin sau đời sau nghề làm ‘”trái dựa” vàng son ni sẽ không thất truyền”.
“Trái dựa” là loại gối gấp nếp, được nối lại với nhau bốn hoặc năm lá (tấm) đệm nhỏ hình chữ nhật, mỗi lá dày khoảng 4 – 5cm. Mỗi lá gối được làm từ bốn ống lụa độn bông mềm rồi khâu lại với nhau bằng chỉ, bên ngoài bọc lụa quý, có thể trải dài ra hoặc gấp lại thành chồng. Các bậc quyền quý hoàng gia thường dùng “trái dựa” để tựa khuỷu tay ngồi ngâm thơ, thưởng trà, đàm đạo văn chương, biểu hiện cho sự giàu sang, cao đạo. Theo bà Trí Huệ, “trái dựa” hoàng tộc có thêu hình rồng năm móng, còn của các quan chỉ có bốn móng. Đặc biệt là loại bông dùng để làm phần ruột gối của hoàng cung phải là bông mềm bọc lụa quý. “Trái dựa” của vua có năm lá, còn của quan bốn lá. Khi chủ nhân qua đời, gối này được đưa vào bàn thờ để thờ cúng. |
Nhật Linh
Theo Tuổi Trẻ Online