fbpx

Kiểm soát chặt các dự án tác động đến môi trường

Nhiều ý kiến cho rằng khi người dân đã tự phân loại rác thải thì đơn vị thu gom, xử lý rác thải phải trả tiền theo khối lượng và chủng loại rác…

Sáng 12/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn, tiếp thu, cho ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Siết quản lý các dự án tác động đến môi trường

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu vấn đề đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường.

Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo hai phương án. Phương án 1: Là phương án Chính phủ trình, với những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện đánh giá sơ bộ, trong khi đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa có quy định này. Phương án 2 tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: Dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm 1 (nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ.

du-an-tac-dong-den-moi-truong
Ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến hoạt động xây dựng. Ảnh: Nguyễn Viết Cường

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hiện có hai nhóm ý kiến:

Nhóm 1: Nhất trí với phương án các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Nhóm 2: Cho rằng không nên giao các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành mà chỉ giao cho Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.

Giá thu gom, xử lý rác do tỉnh quyết định

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, dự thảo luật phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba loại cơ bản, gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Dự luật cũng quy định căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội từng địa phương, UBND tỉnh quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.

Dự thảo luật giao bộ trưởng Bộ TN&MT hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

“Hộ gia đình, cá nhân thải ra chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ” – ông Dũng nói.

Đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Dự thảo luật giao UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, chủng loại rác thải ra.

Một thay bảy

Về giấy phép môi trường, một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Theo đó, Chính phủ trình phương án: Chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế bảy loại giấy tờ thủ tục hành chính hiện hành về môi trường.

 

Cần khuyến khích người dân tự phân loại rác và bán

Góp ý vào dự thảo luật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng phải có cơ chế để khuyến khích người dân, doanh nghiệp trong vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải thì (sau khi ban hành) luật mới có hiệu quả thực thi.

“Phải để cho người dân bán được rác thải đã phân loại thì họ mới nhiệt tình thực hiện. Nếu tôi bán rác, có tiền thì tôi mới có nhiều động lực để phân loại. Đơn vị đi thu gom phải trả tiền, còn nhà máy tái chế rác thì mua lại của ông thu gom, vận chuyển. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thu gom, xử lý thông qua thuế, phí thì sẽ hợp lý hơn” – ông Phúc nói.

Đồng tình ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bổ sung thêm bên cạnh cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thì cũng cần duy trì nguyên tắc “ai xả càng nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền”. “Anh có thể bán rác đã phân loại nhưng anh cũng phải trả tiền xử lý khối lượng, loại rác đó. Có như vậy người ta mới không xả rác nhiều” – ông Lưu nói.

Còn ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban công tác đại biểu, đánh giá dự thảo luật quy định rất kỹ về quản lý chất thải và nếu làm được thì rất hiệu quả. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về lộ trình thực hiện quy định phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

“Tôi cho rằng người dân rất hào hứng thực hiện phân loại rác, vấn đề là thu gom như thế nào thôi. Trước đây, tỉnh chúng tôi (Bắc Ninh) từng làm thí điểm ở một phường. Tuy nhiên, người dân vất vả phân loại, đến khi đơn vị đi thu gom lại đổ chung vào hết một xe nên thất bại” – ông Túy nói.

Trọng Phú

Theo nguoidthi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/kiem-soat-chat-cac-du-an-tac-dong-den-moi-truong-24892.html

CÙNG CHUYÊN MỤC