Hổ phụ sinh hổ tử trong giới sưu tập
Người xưa thường dùng lẽ trung dung để nhìn cuộc đời, nếu đã có câu “Cha làm thầy, con đốt sách”, thì cũng sẽ có các câu “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Hậu sinh khả úy”, “Con hơn cha là nhà có phúc”… bù đắp lại. Trong giới sưu tập cũng vậy, con bán tranh cha cũng nhiều, mà “Hổ phụ sinh hổ tử” cũng không phải là ít.
Vì ngoài giá trị nghệ thuật và tinh thần khó cân đó, đồ sưu tập – tranh là ví dụ điển hình, còn có trị giá có thể đong đếm như một tài sản, nên trong giới này, việc thừa kế, chuyển nhượng là điều được nghĩ đến từ khá sớm.
1.
Người Việt có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, song cuộc sống luôn có ngoại lệ, gia tộc Cao Xuân ở Nghệ An chẳng hạn, tủ sách gia đình của họ kéo dài khá nhiều đời, ngoài công năng thư viện, nó còn là bộ sưu tập sách rất quý. Gia tộc Rockefeller chẳng hạn, họ là tỷ phú đầu tiên của Mỹ, kéo dài đến đời thứ 7, có đến 170 người thừa kế và hơn 250 người phụ thuộc, vẫn cứ là tỷ phú. Cắt nghĩa sự thịnh vượng của gia tộc Rockefeller, có 4 lý do được nêu ra: 1) gia đình hòa thuận; 2) làm ăn chuyên tâm, nhưng không có doanh nghiệp gia đình, nên tránh được sự xâu xé tài sản; 3) từ thiện hào phóng; 4) yêu thích cái đẹp và sưu tập nghệ thuật.
Còn nhớ, sau ba ngày đấu giá, bộ sưu tập nghệ thuật của Peggy và David Rockefeller đã lập 22 kỷ lục thế giới hồi tháng 5/2018 tại nhà đấu giá Christie’s ở New York, thu về 835,1 triệu USD. Tất cả số tiền này được đem cho từ thiện. Trước đó, cả đời David Rockefeller (1915 – 2017) đã cho hơn một tỷ USD vào từ thiện. Với tất cả hơn 1.500 tác phẩm được bán, Christie’s cho biết người đấu giá đến từ 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 73% từ châu Mỹ, 17% từ châu Âu, Trung Đông, Nga và Ấn Độ, 10% từ châu Á. Một số tác phẩm trong bộ sưu tập này đến từ Việt Nam, ví dụ bức Trần Bình Trọng của Tú Duyên (1915 – 2012).
Không phải ngẫu nhiên mà Peggy và David Rockefeller hào phóng từ thiện và yêu thích sưu tập như vậy. Thói quen này đã trở thành quy tắc ứng xử của đại gia đình Rockefeller, khi mỗi năm họ bắt buộc tụ tập toàn bộ con cháu, dâu rể để ăn cơm hai lần, cùng nhau bàn về đầu tư, kinh doanh, từ thiện và sưu tập. Các bữa cơm đại gia đình thường có trên 150 người dự, vài bữa cơm hơn 200 người, lấy thuận hòa làm gốc. Căn nhà của nhà sáng lập gia tộc, sơ tổ dòng họ tại nước Mỹ là John Davison Rockefeller Sr. (1839 – 1937) vẫn được gìn giữ như một bảo tàng sống, nơi con cháu có thể về bất kỳ lúc nào, quan sát, chiêm nghiệm lại hành trình của cha ông.
2.
Một gia đình khác là Walter Elias Disney (1901 – 1966) cũng vậy. Dù tổng tài sản doanh nghiệp vào năm 2018 là hơn 98 tỷ USD, với hơn 201.000 nhân viên, nhưng hiện hầu hết các thành viên thuộc gia đình Disney không còn tham gia điều hành, họ chỉ giữ ít hơn 3% cổ phần. Vậy họ làm gì? Đa số mải mê với các chương trình từ thiện cho giáo dục và nghệ thuật, sống đời lặng lẽ, nhẹ nhàng, thích sưu tập. Từ nhỏ, dù gia đình rất nghèo, Walter Elias Disney đã có ước mơ thành họa sĩ, đã vẽ tranh bán cho các gia đình trong làng xóm, có tiền là mua sách báo và sưu tập tem thư, côn trùng…
Tại nhà đấu giá Christie’s New York tối 13/11/2019, bức Ocean Park # 108 của họa sĩ Richard Diebenkorn đã được bán hơn 5,7 triệu USD. Bức này thuộc bộ sưu tập của Diane Disney (con gái Walter Elias Disney) và chồng là Ron Miller. Sáng 14/11/2019, cũng tại nhà đấu giá này, nhiều tác phẩm của họ được đấu giá, tất cả số tiền thu về được làm từ thiện.
Trước khi qua đời ở tuổi 79, Diane Disney Miller đã thành lập quỹ Walt Disney Family, một tổ chức từ thiện mang lại lợi ích cho một số tổ chức về giáo dục, nghệ thuật, phát triển cộng đồng. Cô là con gái lớn của nhà làm phim hoạt hình Walter Elias Disney, được cho là đã thừa hưởng cá tính, sở thích và cả sự cam kết đối với các hoạt động từ thiện và sưu tập nghệ thuật từ nhỏ.
3.
Việt Nam cũng có vài bộ sưu tập “Hổ phụ sinh hổ tử”, nhưng ra dáng bảo tàng tư nhân nhất thì có Đức Minh, hiện tọa lạc tại 31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, do con trai là nhà sưu tập Bùi Quốc Chí làm chủ nhân. Đức Minh – tên đầy đủ là Bùi Đình Thản (1920 – 1983), là nhà sưu tập tranh thế hệ đầu tiên của Việt Nam. Ông vốn là chủ của 7 tiệm kim hoàn, trong đó có Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội trước năm 1954. Ông có lòng yêu nghệ thuật và tầm nhìn xa, nên sưu tập từ rất sớm, khi các họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mới bước vào tuổi trung niên, vẽ còn rất sung sức.
Về con đường đến với việc sưu tập, Bùi Quốc Chí từng chia sẻ: “Tuổi thơ tôi sinh ra trong chiến tranh và sơ tán, vào đại học vẫn còn sơ tán, nên khó mà nói tới chuyện cha truyền thụ cho con. Mà nghệ thuật, đã không thích, không mê… thì có xẻ đầu ra nhét vào thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Rồi cha mất, đến một ngày, tôi ngộ ra rằng nghệ thuật là cái duyên và cái nghiệp tự đến với mỗi người. Nó như mạch ngầm chảy bên trong, không thể kiễng chân lên mà chạy, mà làm… là được. Nhà tôi có bảy anh chị em, chỉ có mình tôi bỏ nghề kỹ sư theo chuyện sưu tập”.
Dù không “trực tiếp thừa kế” như đã chia sẻ, nhưng bộ sưu tập của Bùi Quốc Chí hiện nay có nhiều kiệt tác và hồn cốt từ cha mình. Anh cũng thừa hưởng tình yêu, sự nhẫn nại từ cha, bởi nhìn bên ngoài thì dễ dàng, hào nhoáng, nhưng sưu tập là công việc đơn độc, nặng nề.
Bộ sưu tập của Đức Minh còn được hai người “thừa kế gián tiếp” là Danh Anh và Trần Hậu Tuấn, thông qua việc thu mua những tác phẩm được bán ra từ những năm đổi mới về sau này. Vị trí đồ sộ nhất từng thuộc về Danh Anh, nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, khó ai qua được Trần Hậu Tuấn. Nếu bỏ qua yếu tố “Hổ phụ sinh hổ tử”, thì hiện nay không gian sưu tập của Trần Hậu Tuấn là nhất Việt Nam. Nghe nói con gái duy nhất của Trần Hậu Tuấn cũng có ý định về sau này sẽ kế tục sự nghiệp sưu tập của cha, nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là bộ sưu tập “Hổ phụ sinh hổ tử” đồ sộ nhất, với nhiều tác phẩm quan trọng.
4.
Cựu Thủ tướng Pháp là Dominique de Villepin, sau khi rời nhiệm sở, ông đã trở lại con đường thơ ca, viết lách và cùng con trai Arthur de Villepin mở phòng tranh chuyên nghiệp tại Hong Kong. Arthur cho biết anh đến với việc này từ khá sớm, khi xem lại các sưu tập của cha mình, để sau đó hai cha con dành nhiều năm để cùng xây dựng bộ sưu tập đồ sộ hơn, để bây giờ họ biến đam mê thành một sự nghiệp mới.
“Tôi đã sống ở Hong Kong suốt 10 năm qua và nơi đây giống như nhà của tôi vậy. Vào năm 2010, lúc tôi mới chuyển đến thành phố này, bằng niềm đam mê nghệ thuật và rượu vang từ cha mình, tôi nghĩ mình đã có con đường mới. Tôi có cơ hội làm việc cùng cha suốt thời gian sinh sống ở Hong Kong. Vì thế, chúng tôi đã hình thành kinh nghiệm cộng tác từ đó bổ sung và phân chia vai trò khá suôn sẻ. Cha tôi đặc biệt giỏi chiến lược và là một nhà nghiên cứu tận tâm. Ông giúp tôi mở rộng tầm nhìn về thế giới và đúc rút kinh nghiệm trở thành một nhà sưu tập. Trong khi đó, tôi cũng tập trung vào các hoạt động và sự phát triển của phòng trưng bày tại châu Á” – Arthur de Villepin cho biết.
Dù tọa lạc ở vị trí đắc địa và là cái nôi của thị trường nghệ thuật châu Á, nhưng Arthur de Villepin cho biết họ sẽ mở rộng đến đại lục Trung Quốc và Paris. “Chúng tôi khá tự do, nên có thể mở các triển lãm khác nhau trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng háo hức tham gia vào các dự án khác, không nhất thiết tại không gian của mình, mà là của người khác, để ủng hộ những nghệ sĩ mà chúng tôi yêu thích”. Arthur de Villepin đã từng đến Việt Nam và dành những suy nghĩ về nghệ thuật Việt Nam.
Lý Đợi
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh