fbpx

Giá sách giáo khoa lớp 1 mới đắt gấp 4 lần, phụ huynh nói gì?

Giá 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được kê khai tăng 3 – 4 lần so với sách hiện hành, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Mức giá 4 bộ sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dao động từ 179.000 đến 194.000 đồng/bộ. Bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm có giá kê khai là 199.000 đồng/bộ.

So sánh với sách giáo khoa lớp 1 đang được sử dụng trong năm học 2019 – 2020 (54.000 đồng/bộ) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, rõ ràng, giá sách mới cao gấp 3 – 4 lần.

Chưa kể, các nhà xuất bản cũng kê khai giá sách giáo khoa tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ 45.000 đến 99.000 đồng/cuốn. Nếu trường nào chọn môn học này để giảng dạy ở lớp 1 thì trung bình một bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng.

Giá sách cao có thể là vấn đề đối với những gia đình đông con hoặc khó khăn. Ảnh minh họa: Hà Cường/VTC News

Giá cao, có đi cùng chất lượng?

Nhiều phụ huynh lo ngại trước thông tin giá sách giáo khoa lớp 1 năm học tới tăng vọt so với sách cũ. Chị Nguyễn Lanh (Lương Sơn, Hoà Bình) cho rằng với những gia đình đông con, có hoàn cảnh khó khăn, việc giá sách tăng cao là điều khiến gia đình lo lắng.

Ở địa phương kinh tế phát triển mạnh, phụ huynh chi ra vài trăm nghìn đồng để mua bộ sách là chuyện “vặt vãnh”, nhưng ở nơi nghèo khó lại là cả vấn đề.

Vào năm học mới, ngoài tiền sách, phụ huynh còn nhiều khoản tiền khác như: Tiền đóng góp ở lớp, tiền đồ dùng học tập, mua sắm quần áo đồng phục… gom lại cũng 1 – 2 triệu đồng trở lên.

Gia đình có 3 con nhỏ, cháu út năm nay chuẩn bị vào lớp 1, anh Trần Văn Đức (Thường Tín, Hà Nội) lo ngại sách tăng giá đồng nghĩa sẽ tăng thêm gánh nặng về tài chính.

Như các năm học trước, anh Đức mua một bộ sách giáo khoa với giá khoảng 50.000- 100.000 đồng. Tuy nhiên, đó là chưa kể các loại sách tham khảo, sách nâng cao.

“Nếu bộ sách giáo khoa mới này cũng có tình trạng đính kèm thêm vài loại tài liệu tham khảo với nâng cao nữa thì phụ huynh chắc chắn sẽ mất nhiều tiền hơn”, anh Đức lo ngại.

Ví dụ gia đình có hai anh em, sau khi anh lớn lên lớp có thể để sách cũ cho em học lại, giúp tiết kiệm tiền mua sách. Tuy nhiên, hiện, mỗi năm học một loại sách, thì quả thực rất tốn kém. Anh Đức đồng ý các nhà xuất bản tăng giá sách nhưng không nên tăng nhiều như thế, mà cần điều chỉnh tăng từ từ.

Giá sách giáo khoa tăng cao có hợp lý?

Có đắt so với thị trường?

Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Lan (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho rằng nếu so sánh giá của một bộ sách giáo khoa lớp 1 (8-9 cuốn) với các loại sách khác thì không hề cao.

Cùng là công trình khoa học có đầu tư chất xám kỹ lưỡng từ các nhà nghiên cứu, nhưng giá cuốn sách tham khảo, tài liệu chuyên sâu sẽ tương đương hoặc cao hơn nhiều lần so với cả một bộ sách giáo khoa lớp 1 mới.

“Tôi thấy nhiều phụ huynh ‘lăn tăn’ khi giá tăng cao, nhưng công bằng mà nói, về chất liệu in ấn, mẫu mã sách giáo khoa mới đẹp hơn rất nhiều so với bộ sách hiện hành đang sử dụng cho học sinh. Chất lượng sách giáo khoa mới của chúng ta đang tương đương với các loại sách của nước ngoài”, chị Lan nói.

Chị thừa nhận với gia đình khó khăn, giá sách như vậy là vấn đề lớn. Vì vậy, chị để nghị cần có chính sách trợ giá để tất cả học sinh được công bằng, bình đẳng cùng học sách chất lượng như nhau cả về nội dung lẫn hình thức.

Đồng quan điểm, cô giáo Lê Thị Mai (Việt Trì, Phú Thọ) bày tỏ chúng ta thấy trẻ con rất thích và ghi nhớ nhanh những đồ vật nhiều màu sắc, nhiều hình minh hoạ ấn tượng và bắt mắt.

Ngoài nội dung bài học, hình ảnh là yếu tố không thể thiếu để thu hút học sinh. Bộ sách giáo khoa lớp 1 mới đang đáp ứng được đòi hỏi đó ở trẻ. Dù bộ sách giáo khoa có giá cao hơn hiện hành một chút, nhưng đổi lại con trẻ thích thú hơn, thích học bài hơn là điều không gì có thể mua được.

Bà Ngô Thị Minh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng chia sẻ trên báo Lao Động việc tính toán giá sách giáo khoa phải hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người cung cấp sách và nhu cầu của người sử dụng. Đơn vị cung cấp có vai trò quan trọng để thích ứng thị trường. Nếu giá sách quá cao, không phù hợp với thu nhập của người dân hiện tại thì rất khó thực hiện.

“Cần làm rõ trách nhiệm Nhà nước trong việc định giá sách giáo khoa. Trong một trường không thể phân biệt lớp này lớp kia, em này em kia, nhà có điều kiện thì dùng sách in màu, nếu không thì dùng sách in đen trắng”, bà Ngô Thị Minh nói.

Nếu Nhà nước định hướng giá sách giáo khoa mới không cao hơn sách hiện hành thì chúng ta có thể theo từng vùng, và quyền thuộc về UBND tỉnh. Nếu vùng này quyết định chọn được bộ sách ưng ý, mà bộ đó có giá cao hơn so với điều kiện của phụ huynh thì chúng ta bù thêm tiền, mua đồng loạt cho các em, để học sinh trong vùng có sách chất lượng để học.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng trong cơ chế thị trường, “tiền nào của đấy”, của tốt thì tiền cao.

Vùng nào không có điều kiện thì Nhà nước mua sách cho thư viện rồi cho học sinh mượn, thuê, chứ không nên ép một mức giá, có thể khiến doanh nghiệp chịu lỗ.

Hà Cường

Theo vtc.vn

 

Link nguồn: https://vtc.vn/dien-dan/gia-sach-giao-khoa-lop-1-moi-dat-gap-4-lan-sach-hien-hanh-phu-huynh-noi-gi-ar536233.html

CÙNG CHUYÊN MỤC