fbpx

Thế giá của nữ giới trong hội họa

>> Bất ngờ với gánh hàng rong Hà Nội xưa trong tranh “họa sĩ triệu đô” Lê Phổ

Nhìn lại lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam, dù nam giới vẫn chiếm thế thượng phong, nhưng các tác phẩm chủ đề nữ giới lại thường nổi trội về giá trị và giá cả. Đơn cử như tác phẩm Mona Lisa (đầu thế kỷ 16) của Leonardo da Vinci, vẽ vợ của Francesco del Giocondo, khó có tác phẩm nào nổi tiếng hơn.

ức Em bé cho chim ăn của Nguyễn Phan Chánh.
Bức Em bé cho chim ăn của Nguyễn Phan Chánh.

Xét riêng về giá giả, trong những Top 10 bức họa đắt nhất thế giới, chủ đề nữ giới hoặc lấy nữ giới làm trung tâm luôn có mặt, thường chiếm vị trí cao. Đầu năm 2015, bức When you marry (Khi nào em cưới) của Paul Gauguin đã được bán với giá 300 triệu USD, thành một trong vài tác phẩm có giá công khai cao nhất thế giới. Tháng 5/2015 tại New York (Mỹ), bức Les Femmes d’Alger (Phụ nữ Alger, Version O) của Pablo Picasso đã bán hơn 179 triệu USD. Tháng 11/2015, cũng tại New York, bức tranh khỏa thân Nu Couché của Amedeo Modigliani đã bán hơn 170 triệu USD.

Top 10 bức họa cổ đắt giá nhất Trung Quốc – vẽ trong bối cảnh trọng nam khinh nữ, chủ đề nữ giới có bức Lạc thần phú đồ (bức họa về nữ thần sông Lạc) của Cố Khải Chi thời Đông Tấn (317-420). Có loạt tranh Đường cung nữ sĩ đồ của Châu Phong và Trương Huyên thời Đường. Có bức Hán cung xuân hiểu đồ của họa sĩ Cừu Anh thời nhà Minh.

Bức Mona Lisa của Mai Trung Thứ đầy phong vị Việt Nam.
Bức Mona Lisa của Mai Trung Thứ đầy phong vị Việt Nam.

Trong top 10 bức họa điển hình của nước Nga, bức Người đàn bà xa lạ (sơn dầu, 75,5cm x 99cm, 1883) của Ivan Kramskoi thường được nhắc nhiều nhất. Đây được xem là Mona Lisa của nước Nga, được ca ngợi và chép treo trên toàn thế giới. Trong Top 10 này, nước Nga còn bức của Cô gái với mấy trái đào (sơn dầu, 91cm x 85cm, 1887) của Valentin Serov.

Nhiều nền hội họa trên thế giới cũng vậy, chủ đề nữ giới luôn được chú trọng. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhìn lại danh sách 17 khóa của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1925 đến 1945, dù chỉ có 5 – 6 sinh viên nữ, chỉ có vài người thành danh như Lê Thị Lựu, Nguyễn Thị Kim…, nhưng tranh chủ đề nữ giới vẫn chiếm ưu thế về giá cả.

Tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong ngày 2/4/2017, bức Đời sống gia đình (lụa, 82cm x 66cm, khoảng 1937-1939) của Lê Phổ đã gõ búa 9.100.000 HKD (hơn 1,1 triệu USD). Đây là bức tranh Việt đầu tiên cán mốc 1 triệu USD tại thị trường công khai. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là người mẹ Việt, mặc áo dài, ngồi chơi với con trai nhỏ, xa xa phía sau là những phụ nữ khác.

Bức Đời sống gia đình của Lê Phổ, tác phẩm đầu tiên của Việt Nam chạm mốc triệu USD ở thị trường công khai.
Bức Đời sống gia đình của Lê Phổ, tác phẩm đầu tiên của Việt Nam chạm mốc triệu USD ở thị trường công khai.

Cũng tại phiên đấu này có tác phẩm của Joseph Inguimberty (1896-1971), giảng viên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức Le Hamac (Mắc võng, sơn dầu trên bố, 198,5 cm x 301 cm, 1938) của Joseph Inguimberty đã bán 971.152 USD. Joseph Inguimberty dành phần lớn cuộc đời vẽ phụ nữ và phong cảnh Bắc Bộ, bức này là cảnh thảnh thơi trong vườn của 4 cô gái xứ Bắc, một cô không mặc áo dài thì nằm võng.

Nhà Christie’s Hong Kong tháng 5/2018 có hai phiên đấu liên quan đến tranh Việt, bức Enfant à l’oiseau (Em bé cho chim ăn, mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931 – với khung gốc của Gadin) của Nguyễn Phan Chánh bán tương đương 853.921 USD, tăng giá hơn 600%.

Tại phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại của nhà Christie’s Hong Kong tháng 5/2019, bức Vỡ mộng (lụa, 92,5cm x 57cm, năm 1932) của Tô Ngọc Vân đã được bán với giá hơn 1,1 triệu USD. Nhân vật chính là hai phụ nữ gặp chuyện không vui, khiến họ vỡ mộng. Cũng tại phiên này, bức Khỏa thân (sơn dầu, 90,5cm x 180,5cm, năm 1931) của Lê Phổ đã bán với giá hơn 1,4 triệu USD, trở thành tác phẩm giá công khai cao nhất của Việt Nam.

Trong danh sách chừng 20 bức tranh có giá bán cao nhất của Việt Nam, chủ đề nữ giới chiếm đa phần. Ngay như bảo vật quốc gia Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí chỉ vẽ chủ đề nữ giới. Các tranh bảo vật khác như Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân, Em Thúy của Trần Văn Cẩn… cũng theo chủ đề này.

Một trong vài bức tranh quan trọng nhất của Mai Trung Thứ là Mona Lisa (gouache và mực trên lụa, 25cm x 15,5cm, 1961), vẽ lại Mona Lisa theo phong cách Việt, nên được gọi là Mona Lisa của Việt Nam. Ra đời đầu thập niên 1960, đây có thể nói là một tác phẩm mở đầu cho tinh thần đương đại, hậu hiện đại của Việt Nam – góp vào việc mở ra trào lưu hậu hiện đại của cả thế giới.

Bức Vỡ mộng của Tô Ngọc Vân bán hơn 1,1 triệu USD
Bức Vỡ mộng của Tô Ngọc Vân bán hơn 1,1 triệu USD.

Vậy thì vì sao chủ đề nữ giới lại có thế giá cao như vậy trong hội họa?

Có lẽ nên đọc lại câu của Mahatma Gandhi: “Đàn ông không bao giờ bằng được phụ nữ ở tinh thần phụng sự không vụ lợi mà tự nhiên đã ban tặng cho họ”.

Những nhà sưu tập cho biết họ mua một bức tranh chân dung nữ giới không phải để mua hình một nhân vật nổi tiếng hoặc xa lạ nào đó về treo ở nhà mình. Mà đó là cuộc tìm kiếm các đại diện cho cái đẹp, cho tinh thần phụng sự không vụ lợi. Các bức tranh chủ đề nữ giới thường mang lại cho họ nguồn sống, nguồn năng lượng tích cực.

Ngày nay ngắm bức tranh Mona Lisa, số người tìm hiểu rốt cuộc người mẫu thật của Mona Lisa là ai thường ít hơn rất nhiều người ngợi ca đó là một vẻ đẹp bí ẩn, đại diện cho một thời đại của lịch sử. Xem lại kiệt tác Cô gái với chiếc khuyên tai ngọc trai (sơn dầu, 44,5cm x 39cm, khoảng 1665) của Johannes Vermeer, nhân vật chính đã thành đại diện cho vẻ đẹp bí ẩn, là niềm cảm hứng sáng tạo.

Chẳng phải Pablo Picasso đã viết đó sao? “Hội họa là nghề nghiệp của một người mù. Hắn ta không vẽ những gì nhìn thấy, mà là điều hắn cảm nhận được. Là điều hắn tự nói với bản thân về những điều hắn cảm thấy”. Như một cán cân tự nhiên, nơi mà đa số họa sĩ là nam giới, thì đa số chủ thể mà thế giới này quan tâm lại là nữ giới. Vẽ về nữ giới cũng đồng nghĩa vẽ về nguồn sống, về vẻ đẹp, về những điều bí ẩn của cuộc sống. Nam giới cảm nhận về nữ giới có vẻ tốt hơn cảm nhận về chính nam giới chăng?

Lý Đợi

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC