fbpx

Đừng để sự “luyến tiếc hộ khẩu” làm chậm tiến trình quốc gia số

Hiện nay, cùng với bao khó khăn ập đến với hầu hết mọi người dân do dịch bệnh Covid-19, rất nhiều gia đình lại thêm lo lắng, chạy vạy tìm, xin chỗ học cho con em được đến trường vào năm học mới sắp đến. Hầu hết các gia đình vừa nêu đều là lao động nghèo, có “thân phận” gắn với những quy định thủ tục hành chính khó khăn về cư trú, hộ khẩu.  

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vẫn đang nỗ lực thực hiện, thúc đẩy nhiều biện pháp cải cách hành chính, bãi bỏ các thủ tục lạc hậu, “thủ tục hành chính hành dân”. Một trong những kết quả cải cách đạt được mới nhất là có ba dịch vụ công, trong đó có dịch vụ công thứ 1.000, vừa được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ cho công dân và doanh nghiệp, kể từ ngày 19/8/2020.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu tại lễ khai trương hệ thống thông tin báo cáo quốc gia kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số””. Mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Mục tiêu trên cho thấy tỷ lệ thủ tục hành chính cần phải chuyển đổi sang dịch vụ công trực tuyến đạt tới mức độ đòi hỏi là còn rất lớn. Trong cái “rừng” thủ tục hành chính cần phải chuyển đổi đó, các quy định liên quan đến Luật Cư trú, với nhiều thủ tục, giấy tờ “xin – cho” trong đó có sổ hộ khẩu thường trú, sổ tạm trú (KT3), giấy CMND, thủ tục nhập khẩu, cắt khẩu… chính là “cái tròng” còn đeo đẳng làm “khó dễ” hàng triệu công dân, phần đông là dân nghèo tha hương cầu thực, tìm việc mưu sinh nơi các thành phố, đô thị lớn.

Chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm trên mạng Google các chữ “sổ hộ khẩu”, “xin tạm trú”, “KT3” hay các từ liên quan đã nêu… người ta sẽ dễ dàng nhận được kết quả đầy những thông tin về bao nỗi trần ai của những phận người phải cầu cạnh, “xin – cho” liên quan đến các giấy tờ thủ tục cư trú ấy. Trong đó, có nhiều chuyện xót xa, đau lòng như có những người đến khi chết vẫn còn chưa có được cái “giấy chứng minh nhân dân” hay chưa được có tên trong “sổ hộ khẩu”…

luyen-tiec-ho-khau
Chính phủ điện tử, chính phủ số rất cần phải có công dân số… Đó là sự đồng bộ, đồng hành rất cần nhanh chóng thực thi để giải phóng lạc hậu hành chính cho cả xã hội, thực hiện quyền công dân theo Hiến định. Ảnh minh hoạ: VietNamnet

   Nạn nhân của các thủ tục hành chính về cư trú kể trên không chỉ người lớn mà còn là hàng ngàn, hàng chục ngàn trẻ thơ ở nhiều nơi đến tuổi tới trường. Đó là con em các gia đình thuộc diện tạm trú (KT3) hay chưa được tạm trú, sống ở nhà trọ tại nơi cha mẹ các cháu mưu sinh.

Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ năm 1946 đã có quy định “Công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều thứ 10). Cái “quyền tự do cư trú” ấy vẫn luôn được duy trì trong các bản hiến pháp kế thừa, sửa đổi từ sau cho đến nay. Như vậy, chừng nào các quy định, thủ tục hành chính rườm rà còn tồn tại và ràng buộc, hạn chế, xâm phạm “quyền tự do cư trú” của công dân vẫn chưa được sửa đổi, thay thế, bãi bỏ, đảm bảo mọi công dân được thực hiện trọn vẹn quyền công dân đã Hiến định, chừng đó Nhà nước, Chính phủ vẫn còn nợ dân…

Thực ra, sau khi ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP, từ ngày 30/10/2017, về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an nhằm thực hiện phương án đề xuất của Bộ Công an về việc cần thiết soạn thảo dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an đều quyết tâm chuẩn bị, đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Cư trú (sửa đổi), được kiến nghị hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Cho dù, ngay trong cuộc họp này, vẫn còn có ý kiến đề nghị tiếp tục gác lại Dự luật 5 năm nữa, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp thứ 47, đã chấp thuận đề xuất của Chính phủ, và giao cho Chính phủ, Bộ Công an chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Khi quy định tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và thi hành, theo đó “sổ hộ khẩu”, “sổ tạm trú” cùng nhiều quy định thủ tục hành chính về cư trú hiện hành bị bãi bỏ, thay thế, đơn giản hóa; mọi công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân và việc quản lý công dân sẽ được thực hiện thông qua số định danh cá nhân đó… Tuy nhiên, việc xây dựng “chính phủ số”, “chính phủ điện tử”, thay đổi quản lý xã hội theo “công dân số”… rất cần quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị, quản lý hành chính nhà nước các cấp như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an để các nội dung sửa đổi tiến bộ nhanh chóng đi vào thực hiện.

Nếu Chính phủ vận hành theo phương thức chính phủ điện tử, chính phủ số thì liệu có đồng bộ không khi công dân vẫn còn cầm giấy tờ, đơn xin tạm trú, xin nhập khẩu, cắt khẩu… tất tả chạy vạy, chầu chực giải quyết “xin – cho” ở các cửa hành chính các cấp? Chính phủ điện tử, chính phủ số rất cần phải có công dân số… Đó là sự đồng bộ, đồng hành rất cần nhanh chóng thực thi để giải phóng lạc hậu hành chính cho cả xã hội, thực hiện quyền công dân theo Hiến định. Có như vậy, việc quản lý nhà nước mới thực sự theo đúng nhịp phát triển của thời đại công nghệ số, hòa nhập với sự tiến bộ chung của thế giới hiện nay.

Phan Sông Ngân

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/dung-de-su-luyen-tiec-ho-khau-lam-cham-tien-trinh-quoc-gia-so-25115.html

CÙNG CHUYÊN MỤC