Đi chợ lúc… 0h
Tiếng chuông cửa “ting ting” liên hồi. Những vị khách nối đuôi nhau đẩy cửa vào “chợ” tiện lợi, mua sắm hàng hóa dù đồng hồ đã điểm… 0h.
Có người vừa tan ca đã vội tấp vào dùng ngay ly mì lót dạ đêm khuya, nhưng cũng có những bác xe ôm ghé vào cửa hàng tiện lợi chỉ để chợp mắt với giá 0 đồng.
Nửa đêm ngoài phố
Nhịp sống khuya Sài Gòn bên trong những cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ trở nên khác lạ sau 0h, vừa sôi động lại vừa chan chứa tình người giữa cuộc mưu sinh trĩu nặng gian truân.
0h17 khuya giữa tháng 10, cửa hàng tiện lợi trên đường Bùi Đình Túy (Q. Bình Thạnh) đèn điện sáng trưng. Tiếng nhạc khiến không gian mua sắm sôi động đối nghịch với hàng quán đã xuống đèn im lìm. Anh Nguyễn Hữu Nghĩa dựng chống xe, cô con gái 3 tuổi chạy ùa vào cửa hàng vơ lấy những hộp sữa nũng nịu dúi vào tay mẹ.
Cầm giỏ xách, chị Ngọc Linh (vợ anh Nghĩa) rảo vòng các kệ hàng, cho vào giỏ cả tá thực phẩm. Ngày cuối tuần, hai vợ chồng phá lệ, đưa con gái đi chơi khuya. Cả hai đều làm việc, thời gian eo hẹp, nên nhân tiện ra khỏi nhà, đưa con đi mua sắm luôn dù trái giờ giấc. “Tháng nào cũng có vài lần chở vợ con đi mua sắm khuya, ngày bận rộn thì đi sắm đêm, cuộc sống mà” – anh Nghĩa kể.
1h, nhóm bạn trẻ mặc đồng phục quán ăn bước thẳng vào kệ mì gói ở cửa hàng tiện lợi trên đường Lê Quang Định (Q. Bình Thạnh), cầm ra 3 ly mì. Cả 3 vừa ăn mì, vừa trò chuyện rôm rả bằng chất giọng trĩu nặng của dân miền Trung. Đã thành thói quen, cứ tan ca là họ đến cửa hàng tiện lợi lót dạ trước khi về xóm trọ.
Nữ sinh quê Hà Tĩnh Trần Kim Loan (ĐH Công nghiệp TP.HCM) kể rằng có những hôm làm việc đến 2h sáng, bụng đói meo, chỉ biết cầu trời khách nhậu ra về, để được chạy ù đến cửa hàng tiện lợi ăn ly mì nóng. Dù khuya khoắt, các sinh viên này kể sáng sớm vẫn phải thức dậy lên giảng đường.
“Cũng có hôm gật gù trên lớp, đuối quá ngủ luôn trên bàn ít phút rồi học tiếp. Vất vả nhưng vẫn phải làm thôi, không làm lấy tiền đâu mà trang trải chi phí trọ học” – Loan chia sẻ.
Còn tại cửa hàng tiện lợi khác ở quận 1 lúc 1h30, hai cô gái trẻ bận váy ôm sát người bước vào sắm đầy một giỏ nước uống, thức ăn và trái cây. Dù phấn son sắc nét, vẻ mặt hai cô gái này vẫn trĩu nặng vẻ buồn ngủ sau một ngày lao động vất vả.
Cô gái tên Nguyễn Phương Vy (22 tuổi) tâm sự: “Mỗi ngày tôi chỉ có giờ này để mua sắm, riết rồi cũng quen“. Cô gái miền Tây kể từ ngày lên Sài Gòn mới có thói quen sắm đồ khuya, ở quê các cửa hàng đến 9h tối đã cửa đóng then cài. Như trút nỗi lòng, Vy cho biết vì mưu sinh cô mới chọn công việc giờ giấc trái khoáy khi cày đêm ngủ ngày.
“Tôi làm từ 5h chiều đến 1h sáng, ban ngày phải ngủ đến 4h chiều mới bù lại sức, chị em chỗ tôi làm ai cũng vậy“, Vy nói.
Thấy hai cô gái sắm lâu, chàng trai đứng bên ngoài bóp còi xe inh ỏi. Ngay lập tức, Vy cùng bạn vội ôm đống đồ nhảy lên xe máy…
“Nhà nghỉ” 0 đồng
Với những người chạy xe ôm, quét rác hay khách lỡ đường đêm hôm, cửa hàng tiện lợi chính là chốn trú chân nghĩa tình cho qua nhanh những đêm lạnh.
Lê đôi chân trĩu nặng vào cửa hàng tiện lợi đối diện bến xe Miền Đông, tài xế xe ôm công nghệ Nguyễn Hoàng Văn (56 tuổi) mua chai nước suối 5.000 đồng lấy cớ vào ngủ nhờ.
Nhà ở tận Q.Thủ Đức, nên cứ hôm nào mệt rệu rã, ông Văn lại tấp vào cửa hàng này chợp mắt vài tiếng mới tiếp tục bật app. Cũng lắm lúc ế khách quá, ông vào ngủ nhờ mà chẳng buồn mua thứ gì.
“Vào ngủ chay cũng được, tụi nhỏ cho hết. Nhưng mình cứ mua để tụi nó khỏi bị chủ la, người ta kinh doanh mà. Nằm yên xe ngủ lạnh lẽo, nguy hiểm nên thôi chui vào đây chợp mắt cho yên tâm” – ông Văn kể.
Không chỉ ngủ nhờ đôi bữa, có khách còn biến cửa hàng tiện lợi thành… nhà mình khi mang theo đồ đạc, áo quần đến tắm gội rồi ngủ qua đêm ngon lành. Tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1), một bà cụ đến đây ngụ cư suốt mấy tháng liền. Hằng ngày bà ăn uống, tắm giặt ngay cửa hàng. Đêm đến, bà lại lót chiếu ngả lưng như nhà mình.
“Thấy bà vô gia cư nên ai cũng thương, nhiều người mua thức ăn cho bà mỗi ngày. Cửa hàng thấy vậy cũng chẳng ý kiến gì, coi như giúp bà một chỗ sống tạm qua ngày đoạn tháng” – nữ nhân viên cửa hàng trải lòng.
Tương tự, Nguyễn Kiều Nhi (nhân viên một cửa hàng ở Q.1) cho biết có những khách cứ đêm xuống lại đến cửa hàng ăn uống, tắm rửa, ngủ vài tiếng rồi xách balô đi. “Chắc họ cũng vì cuộc sống khó khăn mới chọn cách tạm bợ này, nên tụi em cũng ngó lơ, coi như giúp được ai thì giúp” – Nhi nói.
Tùy vị trí, có những điểm cửa hàng tiện lợi đặt san sát nhau nhưng khuya nào cũng đông khách. Như trục đường Ngô Tất Tố (Q. Bình Thạnh) có đến 3 cửa hàng đặt cách nhau vài chục mét mà đêm nào cũng đông khách dù đã 3 – 4h sáng.
Vừa nướng bánh mì cho khách lúc 3h sáng, Dương Minh Ngọc (nhân viên cửa hàng đường Ngô Tất Tố) vừa “điểm danh” những dạng khách thường ghé cửa hàng giờ khuya.
Đó là người làm ca đêm, sinh viên trắng đêm học bài, người lỡ đường vào tắm rửa, trú đêm hay đơn giản là những cặp tình nhân hẹn hò muộn. Thậm chí có những cô gái say xỉn đi nhờ nhà vệ sinh ở cửa hàng tiện lợi. Song nhiều nhất vẫn là những lao công, cửa hàng tiện lợi chính là chỗ họ nghỉ ngơi, ăn khuya sau những đêm dài mệt nhọc.
Sài Gòn đêm, cửa hàng tiện lợi đêm không đơn thuần bán mua mà còn là chốn nương nhờ “lúc thở than” để vơi bớt những đêm dài cô đơn hay vất vả mưu sinh…
Sợ nhất cướp đêm!
Nhân viên cửa hàng tiện lợi làm ca đêm hầu hết là sinh viên. Có người còn làm ca đêm quần quật từ 22h đến 6h sáng rồi đến luôn giảng đường. Thông thường, họ xoay vòng làm đêm với mức thu nhập chừng 3 triệu đồng/tháng. Có “thâm niên” làm đêm, Đinh Quang Sáng (ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) cho biết khách mua sắm đêm chủ yếu mua bao cao su, bia rượu và mì gói. Với những sinh viên này, việc làm đêm thường phải kiểm hàng, sắp xếp khá mệt nhọc và lo nhất là gặp trộm cắp. Nhiều cửa hàng cũng cho biết rượu, bia và các loại mỹ phẩm thường là đích nhắm trộm cắp. Có cửa hàng trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) một đêm mất luôn kệ rượu giá trị cao. Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên án 8 bị cáo trong băng cướp nhí cướp 11 cửa hàng tiện lợi gây chấn động ở TP.HCM với mức ngồi tù từ 2 – 8 năm. |
Bài & ảnh: Ngọc Hiển
Theo Tuổi Trẻ Online