fbpx

Cụ bà cả đời ‘biệt lập’ trên sông nước Sài Gòn, nhặt ve chai sống an yên

Giữa TP.HCM hiện đại, cụ bà 73 tuổi sống biệt lập trong chiếc chòi nằm trên rạch Văn Thánh vẫn hằng ngày chèo xuồng đi nhặt ve chai. Với bà cuộc sống như vậy là an yên, không âu lo suy nghĩ chuyện đời.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Cụ bà 10 năm bám trụ với nghề chèo xuồng nhặt xe chai trên rạch Văn Thánh.

Để tìm được đến chòi của cụ bà Nguyễn Thị Nhời (73 tuổi) ở rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) quả thật không dễ dàng, đường vào quanh co, chui qua nhiều hẻm hóc, may sao, cụ… nổi tiếng nên ai cũng biết.

Hôm chúng tôi đến, nước rạch Văn Thánh lên cao, cây cầu xi măng vốn phủ đầy rêu xanh đã ẩn mình dưới nước. Một cán bộ phường nói: “Cây cầu đó để tượng trưng vậy thôi, chứ rêu xanh rì, trơn lắm, không ai dám đi”. Tôi cất tiếng gọi, cụ Nhời bước ra khỏi chòi, lưng khom, nhưng thoăn thoắt chèo xuồng vào đón tôi ra thăm nhà.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Đường vào chòi của cụ Nguyễn Thị Nhời gần như không thể đi được nên ai ra vào phải nhờ cụ ra đón.

Nghèo mà an yên

Cụ Nhời quê ở Hải Hưng (nay là Hải Dương), từ năm 3 tuổi, cụ theo cha mẹ vào miền Nam sinh sống. Lục lại những mảnh ghép ký ức, cụ nói cuộc sống của gia đình mình chưa ngày nào là ở trên bờ.

Ngày trước, chưa được cải tạo, nhà cụ đã dựng tạm một căn nhà bè nằm phía sau chợ Thị Nghè. Cuộc sống của cụ cùng cha mẹ dù rất khó khăn nhưng vẫn bình yên, hạnh phúc.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Cả đời cụ Nhời gắn liền với cuộc sống sông nước.
cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Dù con cái nhiều lần mở lời nhưng cụ Nhời không muốn lên bờ sống.

Cụ Nhời tâm sự: “Nhà tôi chắc là nghèo nhất thế giới luôn đó. Cứ dựng nhà ở tạm ven rạch, nhà nước kêu di dời đi đâu thì mình đi đó. Tới khi tôi ở bên rạch Văn Thánh này thì buộc phải giải tỏa hết để lên bờ, nhưng tôi quá quen cuộc sống sông nước rồi, không thể lên bờ được. Tuổi tôi nhiêu đây, lên bờ cũng không biết làm gì mà sống. Nên thà cứ cho tôi ở đây, chèo ghe đi nhặt ve chai kiếm ăn qua ngày”.

Thuở nhỏ, cụ Nhời không được đi học. Năm 7 tuổi đi ở đợ cho nhà hàng xóm thì bị đánh sưng mặt nên bỏ về. Năm 19 tuổi, cụ Nhời lập gia đình và có 3 đứa con với người đàn ông gốc Bắc. Năm 27 tuổi, cha mẹ cụ vừa mất, chồng cũng bỏ về quê rồi mất liên lạc. Từ đó, một mình cụ làm nghề bán cá ở chợ Thị Nghè vừa nuôi 3 con, vừa chăm 2 em.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Mỗi ngày cụ Nhời chỉ ăn duy nhất 1 bữa cơm vào lúc 2 giờ chiều. Do vậy, cụ thường nói đùa: “Ông nào theo tôi chỉ có đói”.
cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Cuộc sống của cụ Nhời bao năm qua cứ bình yên ngày qua ngày trên chiếc chòi và chiếc xuồng nhỏ.

“Tôi có 3 đứa con nhưng hai đứa con gái bạc mệnh mất sớm vì té sông và bệnh tật. Giờ còn duy nhất thằng con trai với 2 đứa cháu nội”, cụ Nhời kể.

Suốt cuộc trò chuyện với tôi, cụ Nhời liên tục nói, cuộc sống của cụ rất đơn giản, không cần biết thế giới ngoài kia xoay chuyển thế nào, không quá lo cho chuyện cơm áo gạo tiền, mỗi ngày cứ bình yên trôi qua.

Chèo xuồng nhặt ve chai

Nghe qua thì tưởng như cuộc sống ở vùng sông nước miền Tây, nhưng không, đây là cuộc sống của cụ Nhời suốt 10 năm qua ở giữa TP.HCM hoa lệ.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Mỗi ngày, cụ Nhời đều chèo xuồng dọc rạch Văn Thánh để nhặt nhạnh ve chai.
cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Đôi bàn tay chai sạn của cụ Nhời vì làm lụng nhiều nghề để nuôi con và nuôi em.

Hằng ngày, cụ dậy từ 4 giờ giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, cầm theo chai nước rồi nhảy phóc xuống chiếc xuồng chèo dọc con rạch Văn Thánh để kiếm ve chai. Những món cụ hay nhặt được là lon bia, lon nước ngọt, chai nước nhựa hay những thùng can nhựa đựng thực phẩm hằng ngày.

Hai tay chèo xuồng điêu luyện, cụ Nhời đưa chiếc xuồng chở tôi lướt trên dòng nước, dọc hai bên bờ chỗ thì cỏ mọc um tùm, chỗ thì là những căn nhà tôn chống cọc gỗ. Sau một hồi, cụ Nhời lại lách mình chèo chiếc xuồng qua khoảng trống của mớ dây cáp chằng chịt dưới gầm cầu Văn Thánh tấp nập xe chạy. Vừa chèo, cụ Nhời vừa đảo mắt xung quanh tìm xem có gì mình có thể nhặt nhạnh được.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
10 năm chèo xuồng trên rạch, cụ Nhời chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của thành phố, đó là tòa Landmark chọc trời vừa mọc lên, là những tòa chung cư cao ốc cứ vậy san sát nhau…
cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Chèo tay mỏi, cụ đổi qua chèo bằng chân. Và dù chèo theo kiểu nào thì chiếc xuồng vẫn lướt nhẹ trên mặt nước.

Cụ Nhời kể: “Ngày xưa nhà ở đây chi chít, nay bớt rồi, người ta cũng không lấn rạch nhiều mà chừa đường để nước thông ra kênh, nhưng rác thì vẫn còn nhiều lắm. Mỗi lần nước xuống hay mưa xuống nước rạch đều có màu đen và có mùi hôi. Nhưng tôi sống riết quen, không bị ngứa, cũng chẳng thấy có vấn đề gì”. Cụ Nhời vừa dứt lời, bỗng một nhà nào đó trên rạch quăng bịch rác làm khuấy động dòng nước đen. Ngoái lại nhìn, cụ bà 73 tuổi chỉ biết lắc đầu.

Sau mỗi chuyến chèo ghe đi nhặt ve chai, cụ Nhời phải về cọ rửa cho sạch sẽ để chai lọ không dính rêu, đất cát thì mới bán được. Cụ thường dồn ve chai khoảng nửa tháng mới bán một lần, mỗi lần được 200.000 – 300.000 đồng, vừa đủ để cụ xoay xở cuộc sống.

Cụ Nhời tâm sự, cụ có người con trai ở nhà thuê trên bờ, cũng đôi lần gọi cụ về ở cùng nhưng cụ không muốn làm phiền con cháu. Cụ nói mình còn sức khỏe, vẫn tự làm lụng được nên vẫn muốn tự lo cho chính mình.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Mớ rau muống hái trên rạch do chính tay cụ tự trồng.
cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Ve chai trước khi bán phải được cọ rửa sạch sẽ.

Suốt 10 năm qua, giá ve chai ngày càng giảm xuống nên ngày thu nhập “khủng” nhất của cụ chỉ là được 40.000 – 50.000 đồng. Đặc biệt dịp tết, cụ thường được người dân sống dọc rạch dồn vỏ bia lại cho nên thu nhập cũng kha khá. Với cụ, đó là niềm vui và cũng là tình làng nghĩa xóm.

Sau một hồi chở tôi dọc xuôi con rạch, số ve chai cụ nhặt được vẫn rất ít ỏi, chưa được 1kg, vậy mà cụ cứ cười xòa nói: “Con rạch tí xíu mà 2-3 người chèo ghe đi nhặt ve chai lận đó. Và ai cũng sống được, như thế là mừng rồi. Hôm nay được ít biết đâu mai sẽ được nhiều”.

Cuộc sống biệt lập trên chòi

Trên chiếc chòi 4 vách là tôn nằm biệt lập ven rạch không đường đi vào, đi đâu cũng không cần khóa cửa nẻo, cuộc sống của cụ Nhời cứ vậy trôi qua bình yên mỗi ngày. Điện sinh hoạt cụ kéo của hàng xóm mỗi tháng đóng 80.000 đồng, thêm 50.000 đồng tiền nước sinh hoạt.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Cụ bà 73 tuổi vẫn thoăn thoắt trong công việc hằng ngày. Thời gian chủ yếu ở một mình, nhà không có bất kỳ loại máy móc gì nhưng với cụ đó là bình yên.
cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Hằng ngày, cụ Nhời nấu ăn bằng bếp củi. Bữa cơm đơn giản nhiều hôm chỉ có mình đĩa rau luộc.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon

Trên chiếc chòi chứa đầy phế liệu, chỉ tay về phía cái quạt, cụ nói: “Đi bán ve chai mua quạt ba chục, về sửa hết bốn chục. Còn đây là cái nồi cơm điện tôi nhặt được trên rạch, mà méo xẹo hết rồi chắc để chừng bán luôn. Làm nghề lượm ve chai nên nhà toàn ve chai”. Cả chòi chỉ chừa một khoảng trống vừa đủ để cụ ngả lưng mỗi khi mệt.

Ngay phía dưới chòi là một ruộng rau muống nước bao la, đó vừa là nguồn thức ăn, cũng là nguồn thu nhập thêm của cụ.

Theo lời cụ Nhời, người cháu trai thường xuyên qua ngủ vào buổi đêm để canh chừng, cơm nước mỗi ngày cụ tự nấu và chỉ ăn một bữa vào lúc 2 giờ chiều.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Chiếc chòi chứa đầy ve chai của cụ Nhời.
cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Công việc nhặt ve chai có ngày chỉ được vài ngàn đồng, nhưng cụ Nhời chẳng mảy may lo lắng, vì cụ không sợ đói.

“Mì, muối, mắm, dầu ăn được tặng lúc dịch Covid-19 vẫn còn kha khá nên tôi không sợ đói. Chỉ cần có gạo, cắm nồi cơm đó, rồi có chén nước mắm là cũng qua bữa. Cả tuần tôi đi chợ một lần thôi, rau cỏ thì em út mua cho, lúc thì hái ngay dưới rạch. Tối nào đói lắm tôi mới ăn mì gói, nhưng hiếm khi cảm thấy đói như vậy lắm. Cũng may trời thương, cho tôi sức khỏe để làm việc”, cụ Nhời bộc bạch.

Với suy nghĩ cuộc sống không muốn làm phiền đến con cháu nên mọi chuyện trong nhà, sinh hoạt cá nhân hay khi ốm đau cũng mình cụ lo liệu. Dù con cháu nhiều lần mời cụ lên bờ ở cụ không đồng ý vì đã quen với cuộc sống sông nước.

cu-ba-song-biet-lap-giua-sai-gon
Luôn nhận rằng hoàn cảnh mình nghèo nhất thế giới, nhưng cụ Nhời rất tự tin vì mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời cụ đều có thể vượt qua được.

Tôi hỏi cụ có ước mơ gì không, cụ không cần suy nghĩ mà trả lời liền: “Ngày còn con gái tôi không có mơ ước gì, giờ cũng không ước mơ gì hết. Tôi chỉ cần cứ khỏe như bây giờ, hằng ngày vẫn chèo ghe nhặt ve chai là được rồi, có sức khỏe là có tất cả”.

Trời đã quá trưa, tôi chào tạm biệt cụ Nhời ra về thì được cụ chèo xuồng tiễn về phía bến. Rồi cụ lại thoăn thoắt đưa chiếc thuyền về lại phía chòi, tiếp tục tất bật với việc chà rửa ve chai. Đôi bàn tay cụ bà 73 tuổi chai sạm, khuôn mặt nhăn nhúm nhưng vẫn an yên đến lạ…

Trao đổi với phóng viên, UBND P.19, Q.Bình Thạnh cho biết, cụ Nhời thuộc diện cận nghèo ở địa phương. Ngày trước, cụ Nhời ở ven kênh phía đường Trường Sa (nay là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè). Sau khi giải tỏa khu đó, cụ chuyển về ở rạch Văn Thánh và sinh sống bằng nghề chèo xuồng nhặt ve chai trên rạch. Vì cụ cao tuổi và quen với cuộc sống sông nước cả đời nên phường vẫn tạo điều kiện để cụ sinh sống trên chòi.

Cụ Nhời nằm trong diện cận nghèo của địa phương, thường xuyên được ủy ban kết nối với các nhà hảo tâm chăm lo đời sống tặng gạo, nhu yếu phẩm cần thiết.

Vũ Phượng – Độc Lập

Ảnh: Độc Lập

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/cu-ba-ca-doi-biet-lap-tren-song-nuoc-sai-gon-nhat-ve-chai-song-an-yen-1241047.html

CÙNG CHUYÊN MỤC