fbpx

Những bài học tiền bạc thường biết khi đã quá muộn

Morgan Housel, chuyên gia về tài chính hành vi cho rằng, không phải lúc nào nghèo khó cũng do lười biếng và những gì kiếm được đều thành tài sản của bạn.

Trên CNBC mới đây, Morgan Housel – chuyên gia về tài chính hành vi và là cây viết tài chính tại Motley Fool, Wall Street Journal chia sẻ những lời khuyên về tiền bạc mà mọi người biết đến khi đã quá muộn.

bai-hoc-ve-tien-bac
Chuyên gia tài chính Morgan Housel. Ảnh: Chris Reining

1. Đừng đánh giá thấp vai trò của cơ hội

Chúng ta rất dễ nói rằng giàu sang hay nghèo khó là do sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhưng bạn còn dễ dàng hơn khi đánh giá thấp vai trò của cơ hội trong cuộc sống.

Gia đình, giá trị, đất nước, thế hệ chúng ta sinh ra cũng như những người tình cờ gặp đều đóng vai trò quan trọng với những gì chúng ta đạt được. Không phải ai cũng nhận ra điều này.

Vì thế, bạn nên hiểu rằng không phải thành công nào cũng là kết quả của làm việc chăm chỉ và nghèo khó nào cũng là do lười biếng. Hãy luôn nhớ điều này trong đầu khi đánh giá người khác, và cả bản thân bạn nữa.

2. Cổ tức lớn nhất mà tiền bạc trả cho bạn là khả năng kiểm soát thời gian

Có thể làm điều mình muốn, tại nơi nào đó, thời điểm nào đó, với ai và trong bao lâu tùy thích là điều hạnh phúc mà không đồ vật nào có thể mang lại. Một công việc với giờ giấc linh hoạt và thời gian di chuyển ngắn sẽ không khiến bạn nhàm chán. Có đủ tiền tiết kiệm để giúp bạn có thêm thời gian và lựa chọn trong trường hợp khẩn cấp cũng là điều ai đều mong ước. Việc có thể nghỉ hưu bất kỳ lúc nào mình muốn cũng vậy.

Sự tự chủ là mục tiêu cuối cùng trong cuộc sống. Mỗi đồng bạn tiết kiệm được là một mảnh ghép của tương lai bạn có thể nắm giữ, thay vì để nó rơi vào tay người khác.

3. Đừng dựa dẫm vào cha mẹ

Cha mẹ bạn hiểu rằng không ai biết được giá trị của đồng tiền khi chưa trải qua sự thiếu thốn. Việc không thể có mọi thứ mình muốn là cách duy nhất giúp bạn hiểu được sự khác biệt giữa nhu cầu và mong ước.

Bạn sẽ học được cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm và trân trọng những gì mình có. Học cách sống tiết kiệm mà không gây hại đến bản thân là kỹ năng sống cần thiết, sẽ giúp bạn trải qua thăng trầm của cuộc đời.

4. Thành công không chỉ đến từ những việc lớn

Định nghĩa của Napoleon về thiên tài là những người “có thể làm điều bình thường khi những người quanh anh ta mất trí”. Quản lý tiền bạc cũng vậy. Bạn không cần làm những điều phi thường để có kết quả tốt đâu. Bạn chỉ cần không làm rối tung mọi thứ trong một thời gian dài thôi. Việc tránh các sai lầm khủng khiếp, lớn nhất là chôn vùi bản thân trong núi nợ, còn quan trọng hơn bất kỳ bí quyết tài chính nào.

5. Sống dưới mức thu nhập

Đây là một trong những đòn bẩy tài chính mạnh nhất. Vì bạn kiểm soát được điều này dễ dàng hơn những thứ như thu nhập hay lợi nhuận đầu tư.

Ví dụ, người kiếm được 50.000 USD một năm, nhưng chỉ cần tiêu 40.000 USD là hạnh phúc, sẽ giàu hơn người kiếm được 150.000 USD nhưng cần 151.000 USD mới hạnh phúc. Nhà đầu tư kiếm lời 5% nhưng ít khoản phải chi sẽ giàu hơn người kiếm lãi 7% nhưng cần chi toàn bộ số tiền đó.

Số tiền bạn kiếm được bao nhiêu không quyết định bạn có bao nhiêu. Và số tiền bạn sở hữu cũng không quyết định bạn cần tiêu bao nhiêu.

6. Mọi thứ đều có giá của nó

Cái giá của một công việc bận rộn là ít thời gian cho gia đình, bạn bè. Cái giá của việc đầu tư dài hạn là sự biến động. Mọi thứ đều có giá, và hầu hết chúng ta không thấy được. Thi thoảng chúng đáng giá, nhưng bạn đừng bao giờ bỏ qua điều này.

7. Tiền bạc không phải thước đo lớn nhất của thành công

Warren Buffett từng nói “Thành công thực sự trong cuộc sống là những người bạn muốn họ yêu quý mình thực sự yêu quý bạn”.

Việc này đến từ cách bạn đối xử với họ, chứ không phải từ việc bạn có bao nhiêu tiền. Tiền bạc sẽ không mang lại thứ mà bạn muốn nhất đâu. Không khoản tiền nào có để bù đắp lại sự chân thành và cảm thông dành cho người khác.

Hà Thu

Theo VnExpress/ CNBC

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/nhung-bai-hoc-tien-bac-thuong-biet-khi-da-qua-muon-4119319.html

CÙNG CHUYÊN MỤC