fbpx

Công an chỉ cách ứng phó khi trẻ bị bắt cóc

Trung tá Đào Trung Hiếu lưu ý khi trẻ bị bắt cóc, phụ huynh cần trình báo công an. Nếu bị tống tiền, người nhà không nên đe dọa kẻ bắt cóc để giữ tính mạng, sức khỏe của trẻ.

Tối 23/8, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đang xem xét khởi tố Nguyễn Thị Thu (quê Cao Bằng) về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Người phụ nữ bị cáo buộc bắt cóc bé trai 2 tuổi khi cháu vào Công viên Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Ninh cùng người thân chiều 21/8.

Sau vụ việc, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn làm thế nào bảo vệ con, em khi đến những nơi vui chơi công cộng?

bat-coc-tre-con
Nghi phạm Nguyễn Thị Thu. Ảnh: N.H.

Nhận diện tội phạm bắt cóc

Trung tá – thạc sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an, đánh giá tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có diễn biến hết sức nguy hiểm và khó lường. Họ có thủ đoạn gây án ngày càng táo tợn và liều lĩnh.

Chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến trẻ gặp rủi ro, trung tá Hiếu ví dụ kẻ bắt cóc có thể nhằm mục đích uy hiếp tinh thần, tạo áp lực lên gia đình nạn nhân, buộc họ phải đưa tài sản hoặc trả nợ… thì mới thả người.

Ngoài ra, tội phạm bắt cóc cũng có thể gây án để cướp tài sản có giá trị (dây chuyền, nhẫn vàng, điện thoại…) mà trẻ nhỏ mang trên người.

Hung thủ bắt cóc trẻ để đi bán cho người khác lấy tiền. Trẻ cũng có thể bị bán cho các gia đình hiếm muộn, hay thậm chí bị mổ lấy nội tạng.

Theo ông Hiếu, thủ đoạn gây án của kẻ bắt cóc rất đa dạng. Chẳng hạn, kẻ xấu thường chọn trẻ chơi một mình ở nơi công cộng, đã thoát ly người lớn để tiếp cận… Chúng dùng bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ đi theo.

Kẻ bắt cóc cũng có thể giả danh người nhà của trẻ, hoặc người được bố mẹ các em nhờ đón để đưa đi.

Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể gây án ở bất cứ nơi nào, nhất là chỗ đông người, với bất kỳ gia đình nào và với trẻ thuộc mọi lứa tuổi.

Thành phần gây án cũng rất đa dạng, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân hay những người hiếm muộn con cái.

Theo chuyên gia, nguyên nhân các vụ bắt cóc trẻ em trước hết là do sự chủ quan, bất cẩn, mất cảnh giác của cha mẹ, người thân khi trông coi trẻ em. Ngoài ra, phụ huynh ít giáo dục kỹ năng phòng chống bắt cóc cho con, em cũng có thể khiến các cháu bị động khi gặp tình huống xấu.

Phụ huynh cần làm gì?

Để phòng ngừa tội phạm bắt cóc trẻ em, phụ huynh cần thường xuyên giáo dục kỹ năng, xây dựng các tình huống tốt – xấu giả định. Các bậc cha mẹ nên chăm chỉ dạy cách ứng xử và rèn luyện để trẻ hình thành những kỹ năng đối phó nguy cơ bị bắt cóc.

Cha mẹ cần nói với trẻ về nạn bắt cóc và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất; tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình. Ngoài ra, phụ huynh nên dạy cho trẻ biết “những người lạ có thể tin tưởng”, như thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội hay bác bảo vệ cơ quan, nhà trường.

bat-coc-tre-con
Sau 2 ngày bị bắt cóc, bé trai được giải cứu an toàn. Ảnh: N.H.

Người lớn có thể dạy cho trẻ không được nói chuyện, đi theo người lạ hoặc nhận đồ vật từ người lạ như bánh kẹo, đồ chơi. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện hay cho quà thì chạy trốn ngay lập tức. Trường hợp trẻ bị người lạ dắt đi hoặc lôi kéo, các em cần phản ứng tức thời như kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý.

Với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học (như cháu bé bị bắt cóc ở Bắc Ninh) đi ra địa điểm công cộng thì phụ huynh cần bám sát và luôn phải để mắt. Nếu trẻ thấy cha mẹ khuất khỏi tầm nhìn của mình thì hãy gọi to lên.

Theo trung tá Đào Trung Hiếu, nếu không may con, em mình rơi vào trường hợp bị bắt cóc, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả tình huống bị kẻ bắt cóc ngăn cản việc báo công an).

Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý việc trình báo cần tiến hành bí mật. Kèm theo đơn trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc, như họ tên, giấy khai sinh, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé hay thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc.

Nếu gặp kẻ bắt cóc tống tiền, khi liên lạc qua điện thoại, gia đình nạn nhân cần bình tĩnh, có thể tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối phương. Đặc biệt, người lớn tuyệt đối không được đe dọa sẽ báo công an.

Sau khi thương lượng với kẻ bắt cóc, phụ huynh cần báo cơ quan công an toàn bộ nội dung đàm thoại, số điện thoại của kẻ tống tiền. Tiếp đó, cha mẹ nên hợp tác với công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.

Chiều 21/8, anh Nguyễn Văn Hưng đưa bé Gia Bảo (2 tuổi) đến Công viên hồ điều hòa Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Ninh. 17h, người cha không thấy con nên trình báo công an.

Ngay trong đêm, Công an Bắc Ninh đã huy động lực lượng truy tìm, trích xuất hình ảnh từ camera giám sát để truy vết tung tích Gia Bảo.

Tối cùng ngày, công an tìm được Gia Bảo khi cháu đang ở cùng Nguyễn Thị Thu ở nhà người yêu của cô tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tại cơ quan công an, Thu khai mục đích bắt cóc bé trai để mang về nuôi.

Hoàng Lam (ghi)

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/cong-an-chi-cach-ung-pho-khi-tre-bi-bat-coc-post1123262.html

CÙNG CHUYÊN MỤC