fbpx

Có thể trồng gỗ trong… phòng thí nghiệm để cứu rừng

Sáng kiến trồng cây lấy gỗ trong… phòng thí nghiệm có thể là giải pháp hữu hiệu cho nạn phá rừng vô tội vạ do nhu cầu ngày càng tăng về đồ gỗ.

Luis Fernando Velásquez-García, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, gây chú ý với câu nói: “Nếu bạn muốn có một cái bàn, thì bạn chỉ nên trồng cây đủ để làm một cái bàn”.

 

Cây con được trồng trên chất thay thế đất trong đĩa petri có kháng sinh

Không cần dùng đất hoặc ánh sáng mặt trời

Các nhà nghiên cứu của MIT nảy ra ý tưởng trồng lượng gỗ nhân tạo đủ để sản xuất các món nội thất trong phòng thí nghiệm theo cách tương tự nỗ lực nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm thay vì nuôi động vật rồi làm thịt chúng. 

Mặc dù dự án của họ chỉ mới được triển khai và từng bước đánh giá hiệu quả, nhưng các nhà khoa học đang cố gắng phát triển các cấu trúc làm từ tế bào giống như gỗ từ các tế bào chiết xuất từ ​​lá, nghiên cứu cho hay. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng họ muốn tìm một cách hiệu quả hơn để sử dụng đất và tài nguyên để giữ cho nhiều khu vực canh tác ở tình trạng hoang dã, hoặc duy trì sản lượng thấp nhưng cho phép đa dạng sinh học hơn. 

Họ chiết xuất các tế bào sống từ cây hoa cúc nhám và bắt đầu trồng các mô thực vật giống như gỗ trong nhà mà không cần dùng đất hoặc ánh sáng mặt trời bằng cách nuôi cấy tế bào trong môi trường tăng trưởng lỏng, cho phép chúng chuyển hóa và phát triển. Sau đó, họ chuyển các tế bào thành một loại gel và tinh chỉnh chúng. Theo nghiên cứu, tế bào thực vật tương tự như tế bào gốc ở chỗ chúng có thể trở thành bất cứ món đồ gỗ nào theo mong muốn con người.

Gỗ nhân tạo từ cây trồng trong phòng thí nghiệm có độ cứng tương tự cây ngoài tự nhiên

Mở ra kỷ nguyên của sản phẩm gỗ trồng trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học biến các tế bào này thành một cấu trúc giống như gỗ với sự kết hợp của hai hormone gọi là auxin và cytokinin. Việc sử dụng chúng cho phép chúng kiểm soát quá trình sản xuất polyme hữu cơ của tế bào để tạo độ cứng như gỗ. Bằng cách điều chỉnh độ cứng của gỗ trồng trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học có thể sớm tạo ra các vật thể làm sẵn nhờ sự trợ giúp của máy in 3D. Phương pháp này không chỉ là để điều chỉnh các đặc tính của vật liệu, mà còn để điều chỉnh hình dạng đồ nội thất theo ý tưởng. Theo đó, một ngày nào đó chúng ta có thể làm một… cái bàn hoặc cái ghế trong phòng thí nghiệm.

David Stern, nhà sinh vật học thực vật tại Đại học Cornell, người không tham gia dự án nêu trên cho biết: “Câu hỏi đặt ra là liệu công nghệ có thể mở rộng quy mô và có giá cạnh tranh so với việc sản xuất đồ gỗ theo kiểu truyền thống hay không.”

Đến nay, việc chặt một cái cây rồi sản xuất một cái bàn từ gỗ thu hoạch được vẫn rẻ hơn nhiều so với việc làm một cái bàn được tạo hình hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Ngành khai thác gỗ sử dụng năng lượng mặt trời thông qua quá trình quang hợp và tận dụng lượng mưa tự nhiên. Còn nếu muốn thu hoạch gỗ trong phòng thí nghiệm thì đòi hỏi việc canh chỉ nhiệt độ hoặc ánh sáng nhân tạo. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ có thể mở ra kỷ nguyên của các sản phẩm gỗ trồng trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu của MIT tin tưởng.

Thiệu Kiệt

(theo Sustainability Times)

CÙNG CHUYÊN MỤC