Cô gái khuyết tật mở thư viện miễn phí
Sinh ra với thân hình không khỏe mạnh, cuộc sống phụ thuộc vào xe lăn, nhưng Nguyễn Lan Hương không đầu hàng số phận mà còn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng thông qua một thư viện miễn phí.
Từ tình yêu sách đến thư viện “free”
26 năm, cuộc sống của Nguyễn Lan Hương gói gọn quanh chiếc xe lăn, trong căn nhà nhỏ tại xã Đông Hợp, H.Đông Hưng, Thái Bình vì bị bệnh bại não. Mặc dù vậy, Hương luôn có tình yêu với sách, sách là con đường giúp cô tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Khi mới ra đời, Nguyễn Lan Hương chỉ nặng 1,5 kg. 6 tháng tuổi, thân hình Hương vẫn nhỏ thó, cha mẹ đặt đâu Hương chỉ nằm im đó. Lớn lên, do không thể đi lại, Hương không được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Hương bắt đầu học đọc, học viết khi em trai vào lớp 1. Lúc mẹ dạy em học, Hương ngồi bên học theo. Thấy vậy, mẹ Hương dán bảng chữ cái lên tường và dạy Hương từng con chữ. Rồi Hương tự đọc được lúc nào không hay.
Chia sẻ về việc học chữ, Hương kể: “Việc học chữ với mình rất khó khăn. Mình không làm chủ được đôi tay, nên không viết được. Nhưng bây giờ thì mình có thể ngậm bút bằng miệng và viết được chữ“.
Biết đọc, biết viết, Hương bắt đầu có niềm đam mê với sách. Những cuốn sách đầu tiên Hương đọc là sách giáo khoa của em trai, sau này là sách về kỹ năng sống, phát triển bản thân.
Lấy từ cảm hứng từ anh Đỗ Hà Cừ, một người khuyết tật, tự mở không gian đọc mang tên “Hy vọng”, Hương mở thư viện sách mang tên “Niềm tin” tại nhà mình từ cách đây 5 năm.
Khi mới thành lập, thư viện chỉ có 500 đầu sách xin được từ những nhà hảo tâm. Dần dần, số lượng sách tại thư viện ngày càng nhiều và phong phú hơn với hơn 2.000 đầu sách. Không gian đọc “Niềm tin” đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều học sinh tỉnh Thái Bình. Tại đây có từ truyện thiếu nhi đến sách tham khảo phổ thông, tiểu thuyết, sách lịch sử. Thư viện luôn mở cửa miễn phí cho những người yêu sách.
“Không gian đọc ở nông thôn rất hiếm. Nhưng người có sách đọc xong, để không cũng lãng phí. Trong khi thư viện là chỗ để mọi người có thể góp sách để cho nhiều người khác cùng đọc. Mình thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi có thể làm được điều gì đó cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn học sinh ở nông thôn, thông qua thư viện này”, Hương tâm sự.
Thư viện “Niềm tin” đặt cọc bằng… niềm tin
Cuối tuần là căn phòng nhỏ 20 m2 đầy sách, cũng là thư viện “Niềm tin” ở nhà Hương đông vui, do có nhiều người đến mượn sách, đọc sách. Mặc dù phải ngồi một chỗ và nói chuyện khó khăn, nhưng Hương lúc nào cũng tươi cười chào đón mọi người. Ngoài giờ học, nhiều học sinh làm tình nguyện viên, giúp đỡ Hương nhập sách mới, sắp xếp giá sách hay ghi danh sách độc giả mượn, trả sách.
Khi được hỏi tên thư viện tại sao lại là “Niềm tin”, Hương giải thích vì muốn tạo thêm niềm tin cho chính bản thân mình đứng vững trong cuộc sống, cũng như tạo niềm tin cho nhiều người khác. Khi có niềm tin, người ta sẽ làm được nhiều điều có ích trong cuộc sống.
Điều đặc biệt là trong quy định của thư viện, độc giả tự chọn sách, tự ghi sổ và trả lại đúng chỗ đã lấy sách. Thư viện không có thẻ bạn đọc, độc giả không phải để lại cái gì khi mượn sách. Giống như tên của thư viện, thứ “đặt cọc” duy nhất ở đây là niềm tin.
Thanh Nhàn, học sinh trường THPT Bắc Đông Quan (H.Đông Hưng), một người thường xuyên tìm đến thư viện, chia sẻ: “Mình thấy không gian đọc của chị Hương rất ý nghĩa. Từ khi biết thư viện Niềm tin, mình dần hình thành thói quen đọc sách. Tại đây, mình có cơ hội đọc nhiều loại sách khác nhau mà không phải chi phí để mua sách“.
“So với những người khác, điều mình đang làm nhỏ bé và bình thường thôi. Mình cũng chẳng có mơ ước gì lớn lao, chỉ mong lan tỏa tình yêu sách đến cộng đồng“, Hương trải lòng với chúng tôi về thư viện nhỏ của mình.
Từ chỗ phải bó mình trong phòng, nhờ trở thành “thủ thư” của thư viện “Niềm tin”, Hương đã đi nhiều nơi, tham dự nhiều chương trình, trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ và những người khuyết tật giống mình.
Bài & ảnh: Nguyễn Thương
Theo thanhnien.vn
Link nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/co-gai-khuyet-tat-mo-thu-vien-mien-phi-1233031.html