fbpx

Chuyện sau ngày giỗ Tổ

Sau những rộn ràng tưng bừng của ngày giỗ Tổ, sân khấu kịch cả nước nói chung, Sài Gòn nói riêng vẫn phải đối diện với những thực tế không vui…

Khác với thường lệ, năm nay NSND Kim Cương bất ngờ xuất hiện trong các buổi giỗ Tổ của sân khấu kịch. Hầu như kỳ nữ chỉ đến 2 sân khấu kịch. Bà đến sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, nơi đang trình diễn lại vở kịch nổi tiếng một thuở của bà Bông hồng cài áo.

NSND Kim Cương thắp nhang trước bàn thờ Tổ, bà chúc cho sân khấu của thế hệ đàn em như NSƯT Mỹ Uyên luôn giữ vững được niềm tin làm nghề, dù biết khó khăn vô cùng.

Nhân chứng sống và là nhân vật chính được hoạt động, sống trong một thời rực rỡ cùng nhiều thăng trầm nhất của sân khấu kịch nói Sài Gòn vẫn còn đau đáu nỗi niềm sân khấu và khán giả hiện nay. Bà tìm đến với sân khấu nhỏ 5B vì thương. Bà leo hết 4 tầng lầu để lên đến nơi giỗ Tổ của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ. Việc một lão nghệ sĩ tuổi gần 80 vẫn cố gắng đến nơi từng là cái nôi của thoại kịch Sài Gòn, cười hài hước “rốt cuộc tui cũng đã bò được lên đến đây” đã cho thấy tình yêu sân khấu đôi khi cũng cần phải có sức khỏe và tuổi tác một là vấn đề. Là giới nghệ sĩ nói vui với nhau vậy nhưng điều này cũng phản ánh những tồn tại tưởng nhỏ mà lại gây lắm phiền toái và ngại ngần thêm những bước chân của khán giả  tìm đến. Có thang máy là niềm ước mơ của cả ban giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ lẫn diễn viên và khán giả yêu mến nơi này. Nhà hát kịch sân khấu nhỏ từng được duyệt kinh phí để xây mới, có lúc bản vẽ tưởng đã hoàn tất, chuẩn bị xây dựng đến nơi nhưng tới bây giờ thì tòa nhà ở 5B Võ Văn Tần vẫn thế. Từ việc mơ về một nhà hát mới đẹp đẽ hoành tráng như đã từng được duyệt, các nghệ sĩ nơi đây giờ mơ về… một cái thang máy! Và ngay cả điều này cũng vượt quá tầm tay những người làm nghề vốn thừa tình yêu sân khấu mà thiếu thốn kinh phí mọi bề. Ngay cả sau khi tạm đóng cửa một thời gian, rồi gồng gánh mở cửa hoạt động trở lại năm 2015, thì chuyện cái thang máy tiếp tục lại là một giấc mơ!

Thông báo hướng dẫn, mà ngay cả người làm nghề cũng bối rối thì việc tìm đến gần hơn với khán giả của sân khấu hãy còn nhiều khó khăn.

Bà bầu – giám đốc nhà hát NSƯT Mỹ Uyên lại phải gạt qua những khó khăn tưởng chừng không thể, để sân khấu 5B được sáng đèn, kéo khán giả đến với sân khấu. Và thế là 5B lại tiếp tục khoác lên danh hiệu cũ, là sân khấu kịch lâu đời nhất Sài Gòn và là sân khấu duy nhất nằm tận lầu 4 mà không có thang máy.

Dịp giỗ Tổ vừa qua, chỗ để xe của nhà hát chật kín chỗ, phải gửi nhờ sang hẻm bên cạnh. Nhìn bãi xe vây quanh nhà hát khá đông xe mà thầm ước, phải chi Tổ nghiệp cho sân khấu sáng đèn, khán giả đến xem đông như vầy thôi, cũng đủ để có niềm tin đi tiếp và đi dài lâu với kịch.

Chuyện sân khấu sáng đèn đêm đêm đã là thực tế lùi xa từ thế kỷ trước, chuyện sân khấu sáng đèn các tối cuối tuần mà kín ghế lại càng là điều không tưởng trong thời buổi này. Mỹ Uyên cũng thẳng thắn chia sẻ, mỗi suất diễn hiện tại, sân khấu 5B cũng chỉ có trung bình khoản 3-40 khán giả mà thôi. Rồi phải liên tục giảm giá vé, thậm chí mua 1 tặng 1. Chưa kể có những đêm sân khấu phải trả vé vì quá ít khách! Cô không ngại và cũng chẳng lấy làm xấu hổ khi đưa ra những con số nghiệt ngã này. Bởi còn khán giả yêu mến, dõi theo thì ngọn lửa nghề vẫn còn cháy bỏng. Cô tâm sự vẫn còn thế hệ khán giả 50-60 tuổi vẫn nhớ, tìm đến xem kịch 5B. Thậm chí, một nữ khán giả hơn 50 tuổi còn hỏi đùa: Khi nào sân khấu 5B có thang máy, cô sẽ dẫn mẹ hơn 80 tuổi đến thưởng thức kịch!

Những thế hệ nghệ sĩ từng gắn bó với sân khấu kịch 5B.

Câu chuyện tưởng nhỏ này thực ra là cả một nỗi niềm, khiến những người yêu nghề như Mỹ Uyên đôi lúc thấy bất lực. Rồi lắm khi tự phải nhóm lại, tự châm cho mình ngọn lửa đã trót đam mê.

Một địa chỉ từng được mệnh danh “cái nôi của kịch nói Sài Gòn”; nơi khởi nghiệp của rất nhiều diễn viên thành danh nhiều thế hệ, mà như thế, thì xót lắm chứ. Và giỗ Tổ vừa qua là cái cớ để nhắc đến, nhớ về những khó khăn còn đó của sân khấu kịch Sài Gòn, nói chung…

L.M.Hạ

CÙNG CHUYÊN MỤC