fbpx

Chuyển đổi số y tế: Không chỉ là ứng dụng phần mềm y khoa

Các cơ sở y tế đang sử dụng nhiều phần mềm y khoa cho quy trình quản lý. Tuy nhiên việc ứng dụng phần mềm không đồng nhất với chuyển đổi số mà chỉ là công cụ cho mục tiêu lớn hơn: đổi mới cách hoạt động và vận hành của một cơ sở y tế.

 

Các sản phẩm, dịch vụ công nghệ y tế (medtech) được phát triển liên tục đang góp phần thay đổi tương lai của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thống kê của công ty phân tích CB Insights cho thấy 150 công ty khởi nghiệp y tế số hàng đầu năm 2020 thuộc danh sách “Digital Health 150” đã huy động hơn 20 tỉ USD vốn từ hơn 900 nhà đầu tư, tính đến tháng 8/2020.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giới startup medtech toàn cầu đã tham gia giải quyết các thử thách trong tình hình mới, từ nhân rộng giải pháp công nghệ, cải tiến quy trình và công cụ y tế đến các ứng dụng hạn chế áp lực cho các cơ sở y tế, theo đánh giá của công ty đầu tư mạo hiểm Startup Health.

Các cơ sở y tế tại Việt Nam cũng đang trong xu hướng số hóa. Hành trình ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến hơn 10 năm nay, kể từ năm 2010 khi 100% bệnh viện bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong lưu trữ thông tin bệnh nhân.

chuyen-doi-so-y-te
Nguồn: ecomedic

Tuy nhiên sự thay đổi rõ nét nhất diễn từ năm 2015 khi ngành y tế xã hội hóa các nguồn lực. Các bệnh viện bắt đầu nhận đầu tư, các mô hình chuyển đổi cũng phát triển, khiến thị trường y tế trở nên sôi động hơn.

Giai đoạn 2015 – 2018, hàng loạt hạ tầng cơ sở triển khai trên toàn quốc. Ngành y tế bắt đầu xu hướng số hóa từ năm 2018 và càng được thúc đẩy mạnh hơn trong giai đoạn dịch Covid-19 với nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng.

Về tổng quan kiến trúc số của một cơ sở y tế tại Việt Nam, theo chuyên gia công nghệ y tế Đào Mạnh Hiếu, sáng lập và giám đốc điều hành công ty giải pháp công nghệ thông tin y tế VietCas, bao gồm 5 thành phần chính: hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), phần mềm quản lý điều hành, hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) và hệ thống bệnh án điện tử (EMR).

Kiến trúc này được thiết kế dựa trên thông tư 54 về bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh do bộ Y tế ban hành năm 2017. Từng cơ sở y tế tùy theo quy mô và nhu cầu có thể chọn lọc ra những cấu phần phù hợp để thực hiện.

Hiện nay các cơ sở y tế Việt Nam sử dụng phổ biến nhất là hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), giúp quản lý quá trình khám chữa bệnh, ông Hiếu chia sẻ tại hội thảo trực tuyến do công ty tư vấn về khởi nghiệp và quản trị y tế ZTA tổ chức hôm 8/9.

chuyen-doi-so-y-te
5 thành phần chính trong kiến trúc số của một doanh nghiệp y tế. Nguồn: VietCas

Bác sĩ Nguyễn Tường Vũ, nhà đồng sáng lập mạng lưới y tế từ xa Hello Doctor và sáng lập công ty chăm sóc sức khỏe tại nhà Saigon Home Care nhìn nhận chuyển đổi số là vấn đề lớn, mức độ đầu tư phụ thuộc vào từng cá nhân, tổ chức, tráng “dùng búa tạ để đập ruồi”.

Với nhiều kinh nghiệm tư vấn giải pháp công nghệ y tế, ông Hiếu cho biết, nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam khi tìm giải pháp công nghệ thường trông đợi vào một nhà phát triển phần mềm, nhưng đây là một hiểu lầm phổ biến. “Vì bản chất mỗi module trong kiến trúc số là một sản phẩm, có tính năng cụ thể nào đó trong toàn hệ thống. Các tổ chức cần xác định đúng khi đầu tư vì trong tương lai nhu cầu của doanh nghiệp sẽ thay đổi, kéo theo nhu cầu thay đổi của hệ thống,” theo ông Hiếu.

Ông Vũ chia sẻ ngay ở giai đoạn hiện tại, có trường hợp dù cả một công ty công nghệ lớn khi cung cấp giải pháp cho bệnh viện cũng chỉ mới phát triển được hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), còn hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS) và hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thì không dễ kết nối và tích hợp vì dữ liệu còn phân mảnh. “Việc đầu tư phần mềm nên tùy nhu cầu, tránh ôm đồm quá nhiều tính năng, vì công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh.”

Các chuyên gia y tế cho rằng chuyển đổi số và ứng dụng phần mềm y khoa dù tương quan nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Phần mềm y khoa chỉ là một phần trong chuyển đổi số. Còn chuyển đổi số là một công cụ phục vụ cho mục tiêu hoạt động và vận hành của doanh nghiệp y tế.

“Xu hướng của một doanh nghiệp y tế hiện nay là phải hợp tác đa chiều, nên một phần mềm y khoa sẽ không thể đáp ứng tốt cho tất cả nhu cầu kết nối và tích hợp,” bác sĩ Phùng Thị Hồng Thắm, nhà sáng lập và giám đốc điều hành ZTA nhìn nhận, “Bức tranh chung của thị trường y tế là phải vận hành theo mô hình một hệ sinh thái. Chuyển đổi số chỉ là phương tiện, phương pháp để làm được điều đó.”

Bích Trâm

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/chuyen-doi-so-y-te-khong-chi-la-ung-dung-phan-mem-y-khoa-12882.html

CÙNG CHUYÊN MỤC