Chủ đầu tư dự án thuỷ điện phải phải có trách nhiệm bồi hoàn rừng!
Mưa bão, lũ lụt những ngày qua đã gây ra những hậu quả nặng nề cho người dân người dân miền Trung. Đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở nhiều địa phương, gây ra những hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, nhiều người vẫn đang mất tích. Nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nguy hiểm trên đã được chỉ ra, trong đó có nguyên nhân của việc ồ ạt cấp phép những dự án thuỷ điện “cóc” đã góp phần tăng tốc độ tàn phá rừng tự nhiên.
Việc chuyển đổi đất rừng, hàng loạt thuỷ điện xây cất, thuỷ điện nằm ngay trong lõi khu bảo tồn đã khiến không biết bao nhiêu ha cây rừng ngã xuống. Chẳng chạn, chỉ riêng Thuỷ điện Rào Trăng 3, một thủy điện với công suất 13 MW nhưng đã khiến 44,4 ha diện tích đất rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị mất. Điều đáng nói là diện tích đất rừng sau khi chuyển đổi mục đích sang xây dựng các công trình thủy điện, theo quy định, các chủ đầu tư đều phải thực hiện việc hoàn trả lại diện tích đất rừng hoặc nộp tiền đề trồng rừng nhưng có vẻ chưa phát huy tác dụng.
Để tìm hiểu rõ hơn quy định này, phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với TS Trần Văn Miều – Phụ trách truyền thông Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
Theo ông, vừa qua, khu vực miền Trung đã xảy ra tình trạng lũ, nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
TS Trần Văn Miều: Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở xảy ra thời gian vừa qua tại khu vực miền Trung. Trước hết đó là nguyên nhân từ tự nhiên mà chúng ta không lường trước được (nguyên nhân thiên tai). Ví dụ như biến đổi khí hậu gây ra bão và mưa liên tục 15 ngày với cường độ mưa rất lớn gây ra sạt lở và thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Thứ hai, việc phá rừng, trong đó có việc phá rừng để làm thủy điện đã khiến diện tích không nhỏ rừng bị mất đi. Đây chính là diện tích đất để giữ nước ở dưới mặt đất hay phân nước theo nhiều hướng khác nhau để hạn chế lũ lụt sạt lở đất. Khi diện tích rừng bị thu hẹp, khi có mưa lớn gây ra lũ lụt và sạt lở.
Thưa ông, từ thực tế triển khai một số dự án thủy điện và làm mất diện tích rừng tự nhiên, góp phần gây ra lũ lụt hiện nay thì các văn bản pháp luật của Việt Nam thì đã có quy định gì về mặt pháp luật trong việc hoàn trả sinh thái sau khi thực hiện các dự án về thủy điện hay các công trình xây dựng?
Quốc Hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp vào ngày 15/11/2017 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về rừng. Trong đó, quy định cho phép chuyển đổi rừng từ mục đích này sang mục đích khác, theo 2 nguyên tắc được quy định tại Điều 19. Thứ nhất, việc chuyển đổi mục đích phải đúng và phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương.
Nguyên tắc thứ hai, chủ dự án phải có trách nhiệm đối với việc bồi hoàn rừng, và xây dựng phương án trồng rừng thay thế được cơ quan Nhà nước phê duyệt hoặc phải nộp một khoản tiền đề mà các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trồng lại cây rừng thay thế.
Việc trồng lại rừng có hai mức, đối với rừng trồng phải hoàn trả theo tỷ lệ 1-1 (Sử dụng 1ha rừng cho mục đích khác, phải trồng lại 1ha rừng trồng) và tỷ lệ 1-3 đối với rừng tự nhiên. Nếu chủ dự án được giao đất không thực hiện được việc trồng rừng, sẽ phải nộp tiền tương đương số tiền để trồng rừng.
Điều 20 quy định thẩm quyền quyết định về việc chuyển mục đích rừng từ mục đích này sang mục đích khác, chỉ có ba cơ quan được phê duyệt gồm Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và HĐND các cấp.
Như vậy, các quy định của pháp luật yêu cầu hoàn trả lại diện tích đất rừng đã rất chặt chẽ nhưng thực tế, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập.
Hiện nay, chưa có quy định về việc kiểm tra, giám sát việc bồi hoàn lại rừng, cũng như giám sát việc nộp tiền nếu không trồng rừng. Các quy định giao cho HĐND cấp huyện, thị xã giám sát việc thực hiện hoàn trả lại diện tích rừng còn chưa đầy đủ.
Thưa ông để khắc phục những bất cập trong các quy định văn bản pháp luật hiện tại, theo ông cần phải bổ sung thêm những quy định giám sát việc hoàn trả lại diện tích rừng và nên giao cho cơ quan, đơn vị nào trực tiếp giám sát?
Tôi cho rằng, việc giám sát việc trồng, hoàn trả lại rừng hoặc nộp tiền để trồng rừng là hết sức cần thiết. Ví dụ như Quyết định 217 của Bộ Chính trị giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội quyền phản biện xã hội và quyền giám sát việc thực hiện những dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thực tế, các đoàn thể nhân dân cũng như Mặt trận rất khó thực hiện được việc giám sát do không đủ năng lực. Bởi vậy, cần đẩy mạnh công tác giám sát và phải thực hiện thường xuyên liên tục ở nhiều cấp. Thí dụ, Quốc hội, Thanh tra Chính phủ giám sát ở mức độ toàn quốc gia, HĐND các tỉnh, huyện, xã thực hiện giám sát ở địa phương mình…
Hiện nay, các quy định mới đề cập đến công tác giám sát ở HĐND cấp tỉnh, chưa có quy định cụ thể ở HĐND của cấp huyện. Tôi thấy là HĐND cấp huyện, cấp xã cũng phải có cái quyền để người ta được giám sát việc thực hiện dự án trên địa bàn. Theo tôi cần có sự vào cuộc đồng thời HĐND tỉnh, HĐND huyện và xã thì công tác giám sát mới đi đến kết quả được. Ngoài việc giám sát ra thì có cần có chế tài phải xử lý những vi phạm, sai phạm.
Ngoài ra, cần phải công khai minh bạch các quy hoạch về chuyển đổi diện tích đất rừng sang các mục đích khác, cũng như các khu vực, diện tích rừng trồng thay thế để cộng đồng dân cư, các đoàn thể được biết – bởi đây chính là tai mắt để giúp Nhà nước quản lý rừng được tốt hơn.
Cám ơn ông!
Thủy điện sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thẳng thắn chỉ ra thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ. Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ |
Hàng trăm hộ dân trắng tay do thủy điện xả lũ Theo báo Quảng Nam, hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) bị trôi hết tài sản, nhà cửa bị hư hại nặng chỉ sau khi thủy điện Đắc Mi xả lũ vài tiếng đồng hồ. Rất may không xảy ra thiệt hại về người, bởi mọi người vẫn đang đi tránh trú bão số 9 theo yêu cầu của chính quyền địa phương Cụ thể, chiều 30/10, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đi khảo sát tình hình thiệt hại về nhà cửa, tài sản của các hộ dân thôn Bến Giằng (nằm ở khu vực trung tâm hành chính huyện Nam Giang cũ) do lũ gây ra. Tại hiện trường, đoạn quốc lộ 14D qua trung tâm hành chính huyện Nam Giang (cũ) vẫn còn ngập trong bùn non. Những vạt cây bên ta luy dương nhuộm đầy bùn non. Các loại rác, củi mục vương mắc khắp nơi. Nhiều nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng nặng. Có căn dấu tích còn lại chỉ vài viên gạch móng vương vãi, vài tấm ván còn sót được người dân chất thành đống. Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Giang, nguyên nhân là do thủy điện Đắc Mi xả lũ. Lúc 16 giờ ngày 28/10, khi người dân trong thôn còn đang đi tránh trú bão số 9 thì thủy điện Đắc Mi bất ngờ xả lũ khiến nước dâng rất nhanh, tràn qua quốc lộ 14D và vào sân của trụ sở Công an huyện Nam Giang – vốn nằm ở vị trí rất cao. Việc xả lũ của thủy điện quá bất ngờ, nước lại lên rất nhanh khiến lực lượng chức năng địa phương không kịp hỗ trợ di dời tài sản của người dân. Ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, thủy điện Đắc Mi xã lũ khiến nhà cửa của 106 hộ ở thị trấn Thạnh Mỹ và 215 hộ ở xã Cà Dy bị ngập lụt, tất cả tài sản trong nhà bị trôi mất, kể cả gia súc, gia cầm, cây cối hoa màu… Nguyên Đoan/Báo Quảng Nam |
Nguyễn Lê
Theo nguoidothi.net.vn
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/chu-dau-tu-du-an-thuy-dien-phai-phai-co-trach-nhiem-boi-hoan-rung-26081.html