Chip cảnh báo ngập do mưa lũ, triều cường
Các nhà khoa học thuộc Trung Tâm Nghiên cứu và Triển khai (SHTPLabs) thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM đã hoàn thiện nghiên cứu thống cảm biến theo dõi ngập lụt, có tính ứng dụng cao.
Chỉ chờ được áp dụng
TPHCM và nhiều đô thị lớn ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng ngập nước gần như đều đặn mỗi tuần, ảnh hưởng trực tiếp đến 60% người dân của thành phố và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Bước đầu để giải quyết bài toán này chính là tìm ra điểm ngập úng, biết chính xác thời gian diễn ra ngập.
TS Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTPLabs cho biết, hiện giải pháp xây dựng hệ thống cảm biến theo dõi ngập lụt đã được nghiên cứu hoàn thiện và chỉ chờ áp dụng trên thực tế tại TPHCM. Giải pháp dựa trên nền tảng cơ bản của các giải pháp hệ thống cảm biến theo dõi ngập lụt trên thế giới, tuy nhiên được đội ngũ của SHTPLabs phát triển thêm cho phù hợp với tình hình ngập lụt tại TPHCM, đồng thời được cung cấp kèm theo là các trang thiết bị được sản xuất tại Việt Nam.
TS Ngô Võ Kế Thành cho biết, từ hệ thống cảm biến đo đạc, quan trắc tại các trạm và giếng, thông tin sau khi được tổng hợp, xử lí và tính toán sẽ được truyền tải về trung tâm nhằm phục vụ cho việc điều hành công tác chống ngập của thành phố. Dự kiến triển khai hệ thống cảm biến theo dõi ngập lụt trên địa bàn sẽ bắt đầu từ năm 2021, góp phần cho công tác điều hành chống ngập lụt ra quyết định kịp thời hơn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao – SHTP Lab, khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động. Hệ thống quan trắc mực nước tự động nhằm cảnh báo ngập lụt bao gồm: Mạch điện truyền thông 3G và module cảm biến áp suất; Phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động. Trong đó, cảm biến áp suất do SHTP Labs nghiên cứu và chế tạo. Ngoài ra, phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động cũng do SHTP Labs thực hiện.
Quan trắc cả sụt lún
Hệ thống này có ưu điểm như sử dụng bản đồ GIS từ cơ sở dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, linh kiện và board mạch, phần mềm quản lý dữ liệu đều do các kỹ sư Việt Nam thực hiện nên bảo đảm về an ninh thông tin. Giá thành một bộ hệ thống cảnh báo ngập này khoảng 10 triệu đồng.
Hàng trăm cảm biến sẽ hoạt động giống như hệ thống thần kinh để cung cấp thông tin lũ lụt theo thời gian thực và cảnh báo sớm cho người dân thông qua ứng dụng trên smartphone. Hệ thống này hứa hẹn sẽ cải thiện sự an toàn của người dân địa phương cũng như giúp TPHCM quản lý và kiểm soát giao thông, giảm thiệt hại về người và kinh tế. Đây là bước đầu tiên hướng tới một hệ thống ứng phó tự động, đó là ngăn chặn lũ lụt cục bộ trong thành phố bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng thoát nước để thu, chuyển hướng hoặc bơm nước mưa.
Năm 2018, TPHCM cũng đã ứng dụng thí điểm cảnh báo ngập lụt bằng công nghệ cảm biến vi cơ điện tử (Mems) này. Sau khi đưa hệ thống cảnh báo ngập do SHTP Labs nghiên cứu và chế tạo vào thử nghiệm tại 10 điểm, kết quả giống như hệ thống nhập ngoại mà Công ty đã sử dụng, phát hiện và cảnh báo nguy cơ ngập ngay lập tức đến người dân, từ đó có lộ trình di chuyển hợp lý, tránh ùn tắc giao thông. Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá, hiệu chỉnh để đưa vào sử dụng cho các điểm khác. Hệ thống cảnh báo chống ngập của SHTP Labs kết hợp với các phần mềm khác của là công cụ để đưa thông tin dự báo trước những điểm nào ngập, ngập bao nhiêu để người dân chủ động trong việc đi lại cho thích hợp.
Nhóm nghiên cứu của SHTP Labs sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cấp phần cứng của hệ thống, tích hợp với kết quả quan trắc lún mặt đất, thu thập số liệu về giao thông, kẹt xe trong thời gian ngập, xây dựng cảnh báo rủi ro ngập đến người dân sớm hơn trước khi tình trạng ngập thực tế diễn ra…
Bảo Khánh
Theo khoahocdoisong.vn
Link nguồn: https://khoahocdoisong.vn/chip-canh-bao-ngap-do-mua-lu-trieu-cuong-158466.html