fbpx

‘Chernobyl’ được chấm điểm cao nhất lịch sử, vượt mặt cả ‘Trò chơi vương quyền’

Hậu loạt phim dài hơi Trò chơi vương quyền, nhà đài HBO tiếp tục chiêu đãi khán giả màn ảnh nhỏ bằng miniseries Chernobyl (tựa Việt: Thảm họa hạt nhân) đầy hấp dẫn và kịch tính. Loạt phim truyền hình ngắn này được khán giả yêu thích nhất trong lịch sử, theo thống kê trên IMDb.

Sau vụ nổ, một lượng lớn người được huy động để dọn dẹp những tàn tích bị nhiễm phóng xạ nặng nề ở nhà máy Chernobyl. Đây là một trong những cảnh bóp nghẹt tim khán giả bởi sự đáng sợ của nó

Các miniseries (phim truyền hình ngắn, dung lượng chỉ vài tập) của HBO khiến người xem thường đứng ngồi không yên. Nếu trước đây có Sharp Objects u tối, ma mị thì giờ đây ta có Chernobyl ám ảnh, rùng rợn chẳng khác nào phim kinh dị. Chỉ vỏn vẹn 5 tập, loạt phim dắt tay người xem quay về thời điểm đêm xảy ra vụ nổ lò phản ứng số 4 nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là 26/4/1986. Vụ nổ này được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến nhiều nước thuộc Liên bang Xô viết khi đó.

Cặp bài trùng Valery Legasov và Ulana Khomyuk trong phim
Cặp bài trùng Valery Legasov và Ulana Khomyuk trong phim

Nhà sản xuất, biên kịch Craig Mazin đã phải tham khảo một số lượng lớn sách lịch sử, phim ảnh về Chernobyl… để viết kịch bản cho 5 tập phim. Ở tập đầu tiên, đạo diễn Johan Renck tái hiện lại vụ nổ và những bàng hoàng trên gương mặt các nhà khoa học. Từ đó về sau, các tập phim chú trọng vào việc khắc họa lại những cố gắng của con người trong việc khắc phục hậu quả của vụ nổ, mà nguyên nhân đến ngày nay vẫn còn chưa có giải thích thỏa đáng.

Ngay từ tập đầu tiên, các nhà làm phim cho khán giả thấy rằng kịch bản là lợi thế của họ. Các tình tiết được triển khai lớp lang, logic, đầy thuyết phục, cấu trúc phim được kể đảo ngược khiến cho khán giả tò mò rằng không biết tại sao nhân vật lại hành xử như vậy.

Quang cảnh khủng khiếp sau vụ nổ
Quang cảnh khủng khiếp sau vụ nổ

Sau sự cố, nhà khoa học Valery Legasov (Jared Harris đóng) được triệu tập đến một hội đồng gồm các chính trị gia lão làng, đứng đầu là Tổng thư ký Mikhail Gorbachev (David Dencik) để trả lời tất tần tật những vấn đề xung quanh vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nhưng Valery Legasov không biết rằng cú điện đó đã làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.

Valery Legasov, đồng nghiệp của ông là nữ khoa học gia Ulana Khomyuk (Emily Watson), ông bạn của ông vốn là nhà chính trị có tiếng Boris Shcherbina (Stellan Skarsgård) và rất nhiều các nhà khoa học khác đã chịu thương tổn cả về tinh thần lẫn thể chất trong sự kiện lịch sử đen tối đó. Nếu xét về mặt tinh thần, họ phải cam chịu sống trong cảnh nối dối vì chính phủ không muốn họ nói ra sự kiện khủng khiếp đó cho thế giới biết. Còn về mặt thể chất, sau vụ nổ, rất nhiều nhà khoa học, lính cứu hỏa… đã chết vài ngày sau đó vì nhiễm phóng xạ nặng nề, những người còn sống thì đối mặt với nguy cơ bị bệnh ung thư hoặc các bệnh hiểm nghèo, di tản khỏi nơi ở, gia đình chia ly… Do đó, bộ phim không chỉ khắc họa lại số phận đáng thương của con người lúc bấy giờ mà còn phanh phui những bí mật của những người đứng đầu chính phủ.

Một lính cứu hỏa được điều động tới hiện trường vụ nổ để dập lửa, nhưng anh ta bị nhiễm phóng xạ ngay tức khắc. Vài ngày sau, toàn thân nhân vật này phù nề, tổn thương toàn bộ bên trong
Một lính cứu hỏa được điều động tới hiện trường vụ nổ để dập lửa, nhưng anh ta bị nhiễm phóng xạ ngay tức khắc. Vài ngày sau, toàn thân nhân vật này phù nề, tổn thương toàn bộ bên trong

Trên IMDb, phim được chấm 9,7/10, cao nhất từ trước đến nay. Còn trên Rotten Tomatoes, Chernobyl được chấm 95%, nhận mưa lời khen từ giới phê bình. Trên Metacritic, phim nhận được điểm tốt 8,3/10.

Nếu khán giả mong đợi các yếu tố kinh dị, hồi hộp, gây cấn… để làm nên một loạt phim hay, thậm chí “kinh điển” như nhiều nhà phê bình tâng bốc thì Chernobyl đáp ứng rất tốt những điều đó. Tuy dựa vào chất liệu lịch sử, thế nhưng các nhà làm phim đã khéo léo biến tác phẩm thành một bộ phim phá án ly kỳ, đồng thời họ cũng không quên cân nhắc tính khả thi của lịch sử khi làm phim. Nghĩa là, một lượng lớn yếu tố hư cấu được “bơm” vào phim, mục đích là không biến tác phẩm thành phim tài liệu, đảm bảo sự gay cấn, thỏa mãn tính hiếu kỳ của khán giả.

Một trong những cảnh đắt giá trong loạt phim là các thợ mỏ đã lột hết quần áo, đào hầm trong tình trạng nude để chống lò hạt nhân tan chảy. Trên thực tế, rất nhiều người họ chết trước tuổi 40. Chernobyl không đơn thuần chỉ là phim lịch sử, nó vẫn mang tính tiểu sử khi tái hiện, tri ân tất cả những người đã hi sinh và chịu đựng thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Theo tạp chí National Geographic, mặc dù ngày nay xung quanh khu vực nhà máy điện sự sống có dấu hiệu hồi sinh, nhưng để trở lại như ban đầu, con người phải đánh đổi bằng cả ngàn năm
Một trong những cảnh đắt giá trong loạt phim là các thợ mỏ đã lột hết quần áo, đào hầm trong tình trạng nude để chống lò hạt nhân tan chảy. Trên thực tế, rất nhiều người họ chết trước tuổi 40. Chernobyl không đơn thuần chỉ là phim lịch sử, nó vẫn mang tính tiểu sử khi tái hiện, tri ân tất cả những người đã hi sinh và chịu đựng thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Theo tạp chí National Geographic, mặc dù ngày nay xung quanh khu vực nhà máy điện sự sống có dấu hiệu hồi sinh, nhưng để trở lại như ban đầu, con người phải đánh đổi bằng cả ngàn năm

Đơn cử như nhân vật Ulana Khomyuk. Nhiều nhà khoa học chân chính đòi phanh phui sự thật, quyết đấu tranh đến cùng với chính quyền, họ là đồng nghiệp của Valery Legasov. Dựa trên sự dũng cảm của họ, các nhà làm phim đã sáng tạo nên Ulana Khomyuk nhằm biểu trưng cho công lý, điểm sáng lương tri của những người làm khoa học. Cuộc đấu tranh của Ulana Khomyuk cùng với những người biết sự thật là những mảng màu tươi sáng trong bức tranh u tối lúc bấy giờ.

Những lời nói dối trắng trợn của một số nhà khoa học, chính trị gia trong phim, đơn cử như Anatoly Dyatlov (Paul Ritter) nhằm che đậy sự thật đối với số đông dân chúng chỉ là những mảnh rất nhỏ trong bức tranh toàn dối trá mà 5 tập phim cố gắng phản ánh, “đối thoại” lại với lịch sử.

Chiến dịch “thanh tẩy” thành phố sau thảm họa
Chiến dịch “thanh tẩy” thành phố sau thảm họa

Tính nhân văn ở Chernobyl đó là lấy con người làm trung tâm, phản ánh những bi kịch của họ, từ người trẻ cho đến người già. Nếu như các nhà khoa học đối mặt với bi kịch có nên nói ra sự thật hay không (vì sức ép của chính quyền) thì những cá nhân khác cũng đau đớn không kém. Đoạn phim một bà lão được một anh lính mặt non choẹt khuyên di tản khỏi nơi ở, bà lý lẽ rằng từng sống qua chiến tranh nhưng không chết trong khi cả gia đình của bà chết hết, thì không cớ gì bà phải đi khỏi nơi ông cha bà từng sinh sống bởi thứ mà bà chẳng biết nó là gì. Đó là đoạn cảm động, cho thấy sự kiện hạt nhân năm 1986 đã ảnh hưởng khủng khiếp đến đời sống con người.

Tập cuối cùng với phiên tòa xét xử đầy căng thẳng được chấm 10/10 trên IMDb
Tập cuối cùng với phiên tòa xét xử đầy căng thẳng được chấm 10/10 trên IMDb

Chernobyl tiệm cận sự hoàn hảo chứ chưa hoàn hảo bởi một số “hạt sạn” nho nhỏ trong một vài tập phim như cây bút Masha Gessen của tờ The New Yorker đã chỉ ra. Dẫu vậy, đa phần các nhà phê bình đều khen ngợi tác phẩm tuy nhỏ gọn nhưng chứa đựng nhiều vấn đề lịch sử lớn lao này của “ông lớn” HBO. Đặc biệt là câu hỏi ám ảnh khán giả của nhà khoa học Valery Legasov trong phim: “Cái giá của sự dối trá là gì?”.

Chernobyl được đánh giá cao nhất trên IMDb
Chernobyl được đánh giá cao nhất trên IMDb

Thế Sang

Ảnh: HBO

Theo Thanh Niên Online

CÙNG CHUYÊN MỤC