fbpx

Bảo tàng cà phê có hình dáng nhà rông độc lạ ở Buôn Ma Thuột

Bảo tàng Thế giới cà phê Việt Nam tọa lạc tại Buôn Ma Thuột là bảo tàng cà phê duy nhất ở Việt Nam. Mới mở cửa gần một năm nay, nó đã kịp thu hút khá đông khách gần xa tìm đến.

Tìm đến trước hết, là vì tò mò, bởi đây là bảo tàng do tập đoàn Trung Nguyên đầu tư, hay nói nôm na là của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Hẳn nhiên vị doanh nhân đang gây tốn kém bút mực báo chí này cũng là người đã duyệt cho ý tưởng bảo tàng thành hình với kiến trúc bề ngoài khá lạ mắt.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là người đã cất công thuyết phục nhiều năm trời để được sở hữu hơn 10.000 hiện vật từ bảo tàng cà phê của Jens Burg, Đức về đến Việt Nam và được đưa về làng cà phê Trung Nguyên trước khi được bày biện trong bảo tàng này.
Bảo tàng nằm ngoài trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nên có lợi thế về không gian, chung quanh khá thoáng đãng, nội thất bên trong lạ mắt với những đường nét uốn lượn chia không gian bảo tàng thành nhiều khu khác nhau.
Bảo tàng Thế giới cà phê Việt Nam trong khuôn viên dự án thành phố cà phê rộng hơn 45ha tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Những ô lấy sáng, những ô cửa có view nhìn khá đẹp và có vóc dáng của những hạt cà phê cách điệu.
Bảo tàng lấy ý tưởng từ những ngôi nhà rông, nhà dài đặc trưng Tây Nguyên. Không gian bảo tàng trông như một dãy nhà rông liền kề uốn lượn khá mềm mại và độc lạ, không chỉ khi nhìn chính diện mà ngay cả không gian bên trong.
Một mẫu ấm pha cà phê khá lạ mắt ở nước ngoài được trưng bày.
Một lò rang cà phê bằng kim loại có xuất xứ từ châu Phi: Ethiopia.
Rất nhiều vật dụng có giá trị của người dân tộc Tây Nguyên được trưng bày ở đây.
Một chiếc trống cái có tuổi đời trên dưới trăm năm.
Nơi trưng bày các dụng cụ sản xuất, săn bán truyền thống của người dân tộc Tây Nguyên. Vị trí này cũng rất hay được các bạn trẻ chụp check-in.
Bảo tàng dành riêng một không gian rộng dưới tầng hầm để trưng bày tiểu sử các danh nhân văn hóa, chính trị nổi tiếng trên thế giới với cà phê.
Bảo tàng vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục, nên cũng dễ hiểu khi nhìn thấy sự ngổn ngang phía bên hông bảo tàng.
Có vẻ như một số hạng mục chưa thực sự ổn dù mới đưa vào sử dụng. Phần mái bên ngoài của bảo tàng vẫn đang được thi công khi đang mở cửa đón khách. Và điều đáng nói là không gian bên trong bảo tàng thiếu vắng hẳn một mùi vị cần thiết là cà phê, mà ngược lại, còn thoáng mùi hôi một số nơi!
Với tham vọng một bảo tàng của tương lai sống động trong cách trưng bày, không gian triển lãm tương tác với khách tham quan cùng những trải nghiệm tham quan với ngũ quan (nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm), bảo tàng này còn giới thiệu ở đây có không gian triển lãm mang tính mở: mở rộng cho các hoạt động về Thân – Tâm – Trí với giá trị cốt lõi là tinh thần cà phê, mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn. Tuy nhiên, với xu hướng check-in của giới trẻ hiện nay và thói quen đi bảo tàng của số đông công chúng, thì điều này hãy còn xa.
Gian cuối cùng của tầng hầm, nơi kết thúc một vòng tham quan bảo tàng, thường là nơi được bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm nhiều nhất.
Khách tham quan sau khi dạo một vòng bảo tàng, thường tranh thủ tạo kiểu chụp hình ngồi uống cà phê rồi về. Hy vọng trong tương lai, bảo tàng Thế giới cà phê Việt Nam sẽ sớm đạt được nhiều kỳ vọng như dự tính ban đầu.

Bài & ảnh: Sơn Trà

CÙNG CHUYÊN MỤC