fbpx

Bạn biết gì về máy thở made in Vietnam?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tin doanh nghiệp Việt Nam sản xuất máy thở nhờ được Mỹ chia sẻ công nghệ được nhiều người quan tâm.

Các máy thở do Việt Nam sản xuất được thông báo là trao tặng, hoặc bán lại cho Bộ Y tế với giá mua linh kiện, trên tình thần “sản phẩm vì cộng đồng, phi lợi nhuận.

Máy thở được chia ra làm hai nhóm chính, là nhóm không xâm nhập và xâm nhập

Giá từ 22 triệu đồng

Theo Dân Trí, tập đoàn Vingroup đã đã chuyển đến Bộ Y tế chiếc máy thở không xâm nhập đầu tiên trong sáng 13/4. Bộ Y tế đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.

Trước đó, tin cho hay Vingroup đăng ký sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập, dự kiến từ giữa tháng 4 sẽ có sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng. Công suất dự trù có thể lên đến 55.000 máy thở mỗi tháng.

Các bệnh viện ở Hà Nội hiện chỉ có 300 máy thở, như vậy cả thành phố có 8 triệu dân nhưng chỉ có 300 máy thở, vì vậy cách tốt nhất là phải phòng ngừa.

– ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội 

Còn theo báo Thanh Niên, Vingroup sản xuất được máy thở là nhờ hãng thiết bị y tế Mỹ Medtronic chia sẻ thiết kế máy thở xâm nhập PB 560 của họ cho các nhà sản xuất để chung tay cung cấp cho thế giới chống dịch.

Medtronic đang bán máy thở PB560 tại 35 nước với giá bình quân khoảng 10.000 đô la/máy. Công ty này dự tính sẽ tăng năng suất lên gấp 5 lần, sản xuất hơn 1.000 máy thở/tuần vào cuối tháng 6 và có mục tiêu sản xuất hơn 25.000 máy thở trong 6 tháng tới.

Theo trang Cafebiz, Vingroup có lợi thế về linh kiện từ chuỗi cung ứng ô tô và điện thoại, với mối quan hệ sẵn có, được các đối tác toàn cầu sẵn sàng trợ giúp linh kiện. Trong hướng thiết kế, hãng này có thể sử dụng linh kiện phổ thông mà không làm thay đổi tính năng của máy. 

Mẫu máy trợ thở của Đại học Điện lực

‘Sản phẩm vì cộng đồng’

Không lâu sau tin Vingroup làm máy thở, tập đoàn Bkav cho biết họ cũng sẽ sản xuất máy thở xâm nhập. “Vào giữa tháng 5, chúng tôi sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế. Bkav cũng đã làm việc với chuỗi cung ứng sẵn có đang tham gia sản xuất Bphone, hơn 9.000 công nhân và bốn nhà máy trong hệ thống”, ông Nguyễn Tử Quảng, tổng giám đốc Bkav được báo Thanh Niên dẫn lời.

Ngoài hai doanh nghiệp nêu trên, theo báo điện tử Dân Việt, trường Đại học Điện lực cũng bắt tay sản xuất máy trợ thở. Máy có các tính năng cơ bản gồm: Đặt các thông số lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale… Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết như cảnh báo áp suất.

Đại diện Đại học Điện lực nhấn mạnh rằng máy trợ thở là “sản phẩm vì cộng đồng, phi lợi nhuận”.

Theo các bác sĩ, ngay cả khi không có dịch Covid-19, thì số lượng máy thở của chúng ta đã quá thiếu

Giới chuyên môn nói gì?

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc tế EXSON ở Sài Gòn cho hay: “Máy thở được chia ra làm hai nhóm chính, là nhóm không xâm nhập và xâm nhập. Máy không xâm nhập là loại máy chỉ hỗ trợ thêm cho người đang tự thở. Có hai loại trong nhóm này, là CPAP và BiPAP. CPAP thực chất chỉ là máy thổi một luồng khí vào phổi một cách liên tục, bất kể người bệnh đang hít vào hay thở ra. Còn BiPAP thì thổi vào với áp lực mạnh hơn khi người dùng nó hít vào, và giảm áp lực đi khá nhiều khi người dùng nó thở ra.”

“Máy thở nhóm xâm nhập thì có thể thở thay thế hoàn toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các loại máy thở xâm nhập đều có nhiều mode (kiểu) thở khác nhau, trong đó có một mode thở hỗ trợ, kiểu như BiPAP. Chúng tôi đã gặp khó khăn với những máy thở không có mode này. Vì khi bệnh nhân bắt đầu tập thở trở lại, máy không hoạt động cùng với bệnh nhân, mà máy thở một đằng, bệnh nhân thở một nẻo, gây hiện tượng chống máy, rất nguy hiểm.”

“Tôi không biết BiPAP có giúp được cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 hay không. Tôi nghĩ là có, nhất là giai đoạn khó thở ban đầu, vì thực chất đó chỉ là khó thở. Nhưng tôi tin rằng nếu nó có gây hại, thì là do cách dùng máy, do không khử trùng tốt.”

“Ngay cả khi không có dịch Covid-19, thì số lượng máy thở của chúng ta đã quá thiếu. Có khi nào bạn có chút phân vân, rằng để những bệnh nhân cúm Tàu nặng sống đến hôm nay, đã có bao nhiêu bệnh nhân phải chết vì không có máy thở không?”

Thiệu Kiệt

(tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC