fbpx

Những lãng tử và các công trình kiến trúc để đời của thế giới

Thế giới sẽ tẻ nhạt xiết bao, khi mọi nhà tạc tượng đều tên là Michelangelo, họa sĩ nào cũng tả thực thiên nhiên tuyệt vời như Levitan, và chẳng Bút Tre nào dám phóng bút sau khi đọc Truyện Kiều.

Trong nghệ thuật xây dựng cũng vậy. Nhu cầu ăn ở vốn đứng hàng đầu trong mọi nguyện vọng của con người, và thực ra ta phải biết ơn nhiều lãng tử trong nghệ thuật xây dựng, có họ thì loài người mới không phải khoác đồng phục cho khiếu thẩm mỹ kiến trúc.

Nhà Hundertwasser ở Vienna. Ảnh: Getty Images
Nhà Hundertwasser ở Vienna. Ảnh: Getty Images

FRIEDENSREICH HUNDERTWASSER

Nghệ sĩ nghiệp dư Hundertwasser sinh ra để làm một nghịch tử. Thoạt tiên, ông viết tiểu luận và tổ chức biểu tình đòi một môi trường sống phù hợp với thiên nhiên, rồi ông phải cầm cọ để minh họa cho ý tưởng của mình, đôi khi ông tự ngồi vào máy dệt hoặc máy in vì không thợ thủ công nào theo nổi ý tưởng của ông.

Cả đời ông tự gọi mình là kẻ thù của các đường thẳng, không chỉ theo nghĩa bóng, vì các đường kẻ chỉ đơn điệu là do con người bịa ra.

Trong các tuyên bố tẩy chay xây dựng kiểu công nghiệp đồng phục, ông là cha đẻ của các khái niệm Fensterrecht (Quyền cử số: mỗi cư dân phải được quyền trang trí viền quanh cửa sổ nhà mình trong tầm tay với) và Baumpflicht (Nghĩa vụ cây: người ta phải “đối thoại” hằng ngày với cây cỏ, hoa lá, đất cát và phải để cây xanh mọc hoang dại trong đô thị, không chỉ các loại cây theo “giấy phép quy hoạch”).

Khách sạn Therme Rogner ở Bad Blumau, phỏng theo Nhà nghệ thuật ở Vienna - Nguồn: Wikipedia
Khách sạn Therme Rogner ở Bad Blumau, phỏng theo Nhà nghệ thuật ở Vienna – Nguồn: Wikipedia

Ý tưởng trồng rừng trên mái nhà, ngày ấy bị coi là điên rồ, đưa ông đến loạt bài giảng ở các đại học kiến trúc cũng như hội kiến trúc sư. Dễ hiểu là kẻ nghiệp dư Hundertwasser thường vấp phải trở lực từ giới hàn lâm.

Nhưng dịp may cũng đến với ông, khi đích thân thủ tướng Áo Bruno Kreisky (1911 – 1990) bị thuyết phục rồi gợi ý với thị trưởng Vienna tìm cho Hundertwasser một dịp thực thi ý tưởng không mang màu kinh điển của mình.

Vì Hundertwasser không phải là kỹ sư xây dựng, ông xin thành phố một kiến trúc sư khả dĩ chuyển tải ý ông lên bản vẽ.

Sau nhiều năm tìm đất, năm 1979, thành phố Vienna chọn cho ông và kiến trúc sư Josef Krawina một dự án nhà ở xã hội trong thủ đô. Krawina bị đẩy vào cảnh trớ trêu, khi liên tục phải tuân thủ quy định về xây dựng hiện hành lẫn các ý tưởng phá cách của ông bạn khó chiều.

Giải pháp thứ nhất bị Hundertwasser gạt bỏ phũ phàng, song ông cũng xin được thành phố làm lại. Đề nghị thứ hai quả nhiên được chấp thuận, tuy có nhiều xung đột với luật xây dựng. Ở phút thứ 89, hai cá tính như nước với lửa lại xung đột khi bàn đến trang trí mặt tiền và Krawina tuyệt vọng treo bút.

Kiến trúc sư Peter Pelikan nhảy vào thế chỗ, và trụ lại cùng Hundertwasser cũng như nhiều dự án kế tiếp. Ít nhất thì ngôi nhà mang tên Hundertwasser cũng được khánh thành năm 1985, tổng cộng 52 căn hộ và 4 cửa hiệu có chỗ trong công trình kiến trúc kỳ lạ này.

Và có lẽ không ai đến Vienna mà quên tới ngắm truyện cổ tích hóa đời thường này, không khác “thương hiệu” Wolfgang Amadeus Mozart đối với nước Áo. Công trình sặc sỡ và phá cách ấy có hành lang “lên dốc xuống đèo”, không căn phòng nào giống phòng nào, và mái nhà là cả một công viên xanh rờn, trong số 250 cây trồng hồi năm 1985 đã có nhiều cây đạt cảnh giới “cổ thụ”.

Cho đến khi qua đời năm 2000, Hundertwasser cùng Peter Pelikan xây khoảng 40 công trình nữa, tất thảy đều mang đậm dấu ấn mơ mộng và lãng mạn của tác giả. Tác phẩm của ông trải dọc nước Áo, nước Đức láng giềng, ông còn được mời sang tận Israel, Thụy Sĩ, New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Trong ngôn ngữ thiết kế nay đã có khái niệm nhà Hundertwasser, hiển nhiên không chỉ để nhấn mạnh ấn tượng thị giác, mà còn để nhắc đến một cách ghen tị những cư dân quá ư hạnh phúc được sống trong căn nhà không xây bằng thước thợ…

Nhà Batlló - Nguồn: Tato Grasso
Nhà Batlló – Nguồn: Tato Grasso

ANTONI GAUDÍ

Khái niệm hậu hiện đại vốn bị tranh cãi, phụ thuộc vào lĩnh vực văn hóa nào. Song nếu gọi kiến trúc sư Art Nouveau người Catalan, đứa trẻ không bao giờ lớn ấy, là nghệ sĩ hậu hiện đại thì không ai cãi cả. Tiện thể cũng phải đoán mò rằng ông chắc chắn là “chàng thơ” của Friedensreich Hundertwasser.

Đứa bé Antonio bị phong thấp nặng, chẳng được chạy nhảy với chúng bạn, chỉ ngồi một chỗ quan sát thiên nhiên. Người ta đồ rằng đó là nguyên nhân khiến kiến trúc sư Gaudí không chịu được đường thẳng.

Tiêu biểu cho ngôn ngữ sáng tác của ông là tòa nhà Casa Batlló với những đường cong như sóng lượn từ bờ mái cho đến toàn bộ mặt tiền. Chủ đề sáng tác của Gaudí ở công trình này là tôn vinh San Jordi, Thánh Giết Rồng, vốn là thần hộ mệnh cho cả xứ Catalan.

Thập giá trên mái là ngọn giáo, và các họa tiết khảm đá ngũ sắc nhằm biểu hiện vẩy rồng. Người dân Barcelona thì gọi nó là nhà xương, có lẽ vì hình hàng cột nhà?

Hiện tại chủ sở hữu ngôi nhà là gia đình Bernat, song họ cũng mở cửa một phần cho mỗi năm 1 triệu du khách vào tham quan.

Vương cung thánh đường Sagrada Família - Nguồn: Bernard Gagnon
Vương cung thánh đường Sagrada Família – Nguồn: Bernard Gagnon

Công trình để đời của Gaudí chắc chắn là vương cung thánh đường Sagrada Família thuộc Giáo hội Công giáo La Mã. Tiếc rằng Gaudí không được chứng kiến giờ phút khánh thành công trình độc nhất vô nhị này.

Thợ xây đặt viên gạch móng năm 1882, và nếu không có gì bất thường thì năm 2026 mới cử lễ khai trương ngôi nhà hạ giới của Thiên Chúa, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của kiến trúc sư Gaudí.

Nó không chỉ là biểu tượng của Barcelona, mà còn là công trường “nổi tiếng” nhất châu Âu vì năm ngoái mới được nhà chức trách cấp giấy phép xây dựng một cách chính danh, tức là sau 136 năm “xây chui”.

Điểm nổi bật của tác phẩm độc đáo này là 18 ngọn tháp trông như được trẻ con đắp bằng cát bên bờ biển, bằng cách từ từ nhỏ các giọt nước lẫn cát thành hình chóp. Không có gì lạ, khi sinh thời Gaudí chỉ coi thế giới tự nhiên là thầy dạy mình.

Hiếm thấy, thật ra là không có nhà thờ hay nhà nguyện nào trên thế giới này mang dấu ấn của trẻ thơ nghịch ngợm như Sagrada Família. Và chừng ấy đời Giáo hội không hề có giáo chủ nào mếch lòng. Năm 2010, nhà thờ được Giáo hoàng Biển Đức (Benedict XVI) nâng lên hàng vương cung thánh đường.

Từ những nét vẽ đầu tiên trong nghề kiến trúc sư cho đến khi qua đời vì tai nạn giao thông năm 1926 khi trên đường đến công trường Sagrada Família, Gaudí gắn liền với công trình này. Chính quyền Tây Ban Nha được Giáo hoàng cho phép mai táng ông trong nhà thờ dang dở, và từ năm 2000 Giáo hội chuẩn bị lễ phong thánh cho ông.

Le Palais Idéal hay lâu đài lý tưởng của Fredinand Cheval - Nguồn: BLOGdeTOURISTE
Le Palais Idéal hay lâu đài lý tưởng của Fredinand Cheval – Nguồn: BLOGdeTOURISTE

FERDINAND CHEVAL

Cái tên này minh chứng cho sự thật là ý chí sắt đá của con người không chỉ xuất hiện ở những nhân vật xuất chúng. Gaudí, cho dù suốt đời nghèo khổ, tuy nhiên cũng là người được vua biết mặt, chúa biết tên. Hundertwasser ít nhất còn được đi giảng ở đại học.

Còn Cheval chỉ là một nhân viên bưu tá quèn ở Pháp. Do bỏ trường năm 13 tuổi và không học được nghề ngỗng gì, ông xin vào bưu điện, chuyên đưa thư qua các làng mạc chân núi Alps. Tất nhiên là đi bộ. Mỗi ngày chừng ba chục cây số.

Nhưng nhờ tốc độ chậm chạp ấy mà ông có một cảm tình đặc biệt với phong cảnh xung quanh, với những bưu ảnh từ xứ lạ trong tập thư, đồng thời cũng rảnh rỗi để mộng mơ nghĩ về triết lý cuộc đời.

Sau một lần vấp phải hòn đá có hình thù lạ, ông nảy ra ý định tạo cho nó một công năng “cao quý” hơn. Từ đó trở đi, ông nhặt nhạnh sỏi đá dọc đường, chất thành đống để tối đến lấy xe cút kít chở về, định bụng sẽ xây một cái nhà mồ tại bãi tha ma địa phương.

Cuộc đời Cheval dính dáng nhiều đến nghĩa địa: ông mồ côi mẹ năm 11 tuổi, cha mất khi ông lên 17, ít lâu sau ông cưới vợ thì vợ từ bỏ cõi trần ở tuổi 32, con gái chỉ sống được 15 năm và đứa con trai cũng chết khi 1 tuổi.

Bên trong lâu đài của Cheval - Nguồn: viaFrance
Bên trong lâu đài của Cheval – Nguồn: viaFrance

Cứ chiều tối về đến nhà là ông đổ chỗ sỏi đá nhặt được ra và xây thêm một chút trong khuôn viên nhà mình. Hàng chục năm ròng, từ kế hoạch nhà mồ con con đã trở thành một công trình đồ sộ, tuy rất khó gọi tên, dù ông đặt tên nó là Palais Idéal, lâu đài lý tưởng.

Thoạt tiên dân làng coi việc Cheval làm là một trò ấm đầu, ai cũng tới ngó một lần, chỉ để dè bỉu và lắc đầu ngán ngẩm. Nó không chỉ là một ngôi nhà, mà còn được trang trí bởi vô số hình thù kỳ quái. Một con quỷ có sừng, hoàng đế Caesar, nhà bác học Archimedes, sư tử, hổ báo, thác nước, cây dừa, cả Adam lẫn Eva cũng có mặt như để trút hình phạt trời đày lên vai người bưu tá.

Giữa những hình hài ấy là vút cao nhiều ngọn tháp không hề có trong sách giáo khoa kiến trúc nào. Cheval không phải là kiến trúc sư, cũng chẳng là thợ nề.

Cái chất liên kết mọi sản phẩm tưởng tượng của ông không phải là ximăng, mà là một giấc mơ. Một giấc mơ lớn, rất lớn: 3.500 bao tải vôi và ximăng, 1.000 thước khối sỏi đá, 33 năm thi công.

Kệ cho ai chê cười, Cheval kiên trì làm tiếp theo ý mình: “Tôi nhận ra là người ta luôn nhạo báng và bắt nạt những người mà họ không hiểu” – quả là một nhận định đầy tính triết luận.

Nhưng có một người hiểu ông: danh họa Pablo Picasso tới thăm ông nhiều lần, chụp ảnh và nghiên cứu các chi tiết. Dần dần báo chí cũng đồn nhau và kéo tới, từ Paris, London, Mỹ. Họa báo La Vie Illustrée đăng một bài rất chi tiết. Cheval phải thuê một nhân viên tiếp khách.

Tới năm 1912 thì ông có thể xoa tay hài lòng và kết thúc công việc mà ông ghi chép cẩn thận trong nhật ký: 10.000 ngày, 93.000 giờ, 33 năm, dài 26m, rộng 14m, cao 10m. Ferdinand đã xong một việc mà ngoài ông ra chưa ai làm được. Sau này ông muốn yên giấc trong đó như một Pharaoh Ai Cập trong Kim tự tháp.

Nhưng luật pháp không cho phép chôn trong nhà, phải ra nghĩa địa. Và nghĩa địa gần nhất cách đó một cây số.

Vậy thì lại từ đầu. Năm 1914, ông lại lên đường với chiếc xe cút kít. Nhặt đá xây một nhà mồ cho mình. Năm 1922, tức tám năm sau, Cheval lại xoa tay hài lòng, ngắm một lâu đài con con với sư tử, cây cối, thần thánh, thác nước… Rồi ông kiêu hãnh khắc lên tường: “Người ta phải nhìn thấy thì mới tin được!”.

Hai năm sau, ngày 19-8-1924, Cheval qua đời, hưởng thọ 88 tuổi.

Lê Quang

Theo Tuổi trẻ Online

CÙNG CHUYÊN MỤC