Top 10 công nghệ đang lên năm 2019
Công nghệ nào trong hiện tại sẽ hình thành thế giới của ngày mai? Một báo cáo mới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới biên soạn cho thấy một số đổi mới sáng tạo đột phá dự kiến sẽ tác động triệt để đến trật tự kinh tế và xã hội toàn cầu.
Jeremy Jurgens, Giám đốc công nghệ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp cho tất cả những thách thức mà thế giới chúng ta phải đối mặt ngày nay – từ sự bất bình đẳng thu nhập đến biến đổi khí hậu.
Các công nghệ đang lên trong năm nay cho thấy tốc độ đổi mới sáng tạo nhanh chóng và cung cấp cái nhìn thoáng qua về diện mạo của một tương lai phát triển toàn diện, bền vững. Các công nghệ có mặt trong danh sách không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho thế giới mà còn phải tích cực phá vỡ trật tự hiện có, hấp dẫn các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu và hy vọng sẽ đạt được quy mô đáng kể trong vòng 5 năm tới.
Và đây là Top 10 công nghệ đang lên trong năm 2019:
1. Nhựa sinh học cho một nền kinh tế tuần hoàn
Chưa đến 15% nhựa trên thế giới được tái chế, phần còn lại được đốt, bỏ hoặc đưa đến bãi rác. Nhựa phân hủy sinh học cung cấp một giải pháp thay thế, nhưng thiếu sức bền của các vật liệu truyền thống.
Một ý tưởng đột phá thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng cellulose hoặc lignin từ chất thải thực vật, làm tăng sức bền vật liệu có thể được sử dụng làm bao bì thực phẩm.
2. Robot xã hội
Ngày nay, robot có thể nhận ra giọng nói, khuôn mặt và cảm xúc, diễn giải các kiểu nói, cử chỉ và thậm chí là giao tiếp bằng mắt.
Các ứng dụng và trợ lý ảo đang trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày và ngày càng được sử dụng nhiều hơn để hỗ trợ chăm sóc người già, giáo dục trẻ em và thực hiện tất cả các nhiệm vụ khác.
3. Ống kính Metalense
Làm cho các ống kính được sử dụng bởi điện thoại di động, máy tính và các thiết bị điện tử khác trở nên nhỏ hơn nữa là một việc đã vượt khỏi khả năng của kỹ thuật cắt kính và uốn kính truyền thống.
Nhưng những tiến bộ trong vật lý đã dẫn đến các giải pháp thay thế giúp ống kính được thu nhỏ, nhẹ hơn so với ống kính truyền thống, được gọi là metalense.
Những ống kính nhỏ xíu, mỏng, phẳng này có thể thay thế các ống kính thủy tinh cồng kềnh hiện có và cho phép thu nhỏ hơn nữa trong các cảm biến và thiết bị ghi hình y tế.
4. Điều trị bệnh nhắm vào protein khác thường
“Các protein rối loạn nội tại” là một loại protein có thể gây ung thư và những bệnh khác. Không giống như các protein thông thường, chúng thiếu cấu trúc cố định nên thay đổi hình dạng, khiến chúng khó điều trị.
Hiện giờ các nhà khoa học đã tìm ra cách để ngăn chặn sự thay đổi hình dạng của chúng trong thời gian đủ lâu để điều trị có hiệu lực, mang lại những khả năng mới cho bệnh nhân.
5. Phân bón thông minh hơn
Những cải tiến gần đây về phân bón đã tập trung vào khả năng giải phóng dần dần chất dinh dưỡng khi cần thiết. Tuy nhiên, chúng vẫn chứa amoniac, urê và kali gây hại cho môi trường. Phân bón mới sử dụng các nguồn nitơ thân thiện với môi trường hơn và các vi sinh vật giúp cải thiện sự hấp thụ của thực vật.
6. Công nghệ giúp hợp tác từ xa
Hãy tưởng tượng một cuộc hội thảo video mà bạn không chỉ cảm thấy như đang ở cùng phòng với những người tham dự khác, mà còn thực sự có thể cảm nhận được sự tiếp xúc với nhau.
Với sự kết hợp giữa thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), mạng 5G và cảm biến tiên tiến, có nghĩa là những doanh nhân ở các địa điểm khác nhau có thể thực sự bắt tay nhau và các bác sĩ y khoa có thể làm việc từ xa với bệnh nhân như thể họ đang ở trong cùng một phòng .
7. Tiến bộ trong công nghệ đóng gói và theo dõi mặt hàng thực phẩm
Mỗi năm, có khoảng 600 triệu người ăn phải thực phẩm hư hỏng, nhiễm độc và việc xác định ngay lập tức nguồn gốc của dịch bệnh là rất cần thiết. Những việc trước đây mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để theo dõi giờ đây có thể được phát hiện trong vài phút bằng cách sử dụng công nghệ blockchain để giám sát từng bước đi của một mặt hàng thực phẩm trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các cảm biến trong bao bì có thể chỉ ra khi thực phẩm sắp hỏng, giúp giảm trường hợp phải lãng phí toàn bộ lô hàng một khi nó hết hạn sử dụng.
8. Lò phản ứng hạt nhân an toàn hơn
Mặc dù năng lượng hạt nhân không thải ra carbon dioxide, các lò phản ứng đi cùng với rủi ro an toàn là do các thanh nhiên liệu có thể bị quá nóng và khi lẫn với nước sẽ tạo ra hydro, sau đó có thể phát nổ. Nhưng những nhiên liệu mới đang xuất hiện lại ít có khả năng quá nóng, và nếu có, sẽ tạo ra ít hoặc không có hydro. Những dạng mới này có thể thay thế các thanh nhiên liệu hiện có với một chút sửa đổi.
9. Lưu trữ dữ liệu bằng DNA
Các hệ thống lưu trữ dữ liệu của chúng ta sử dụng rất nhiều năng lượng và không thể theo kịp số lượng dữ liệu khổng lồ – và ngày càng tăng – mà chúng ta tạo ra.
Nhưng nghiên cứu đột phá đang sử dụng lưu trữ dữ liệu trên DNA như một giải pháp thay thế cho ổ cứng máy tính, với dung lượng rất lớn: Một ước tính cho thấy tất cả dữ liệu trên thế giới trong một năm có thể được lưu trữ trên một khối DNA chỉ rộng một mét vuông.
10. Lưu trữ năng lượng tái tạo để sử dụng
Lưu trữ năng lượng được tạo ra bởi năng lượng tái tạo để sử dụng khi không có mặt trời hoặc gió là một rào cản đối với việc tăng cường sử dụng loại năng lượng này.
Pin lithium-ion bắt đầu chiếm lĩnh công nghệ lưu trữ trong thập niên tới và những tiến bộ đang diễn ra sẽ dẫn đến việc pin có thể lưu trữ tới 8 giờ năng lượng – đủ lâu để cho phép năng lượng mặt trời đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng cao vào buổi tối.
Nhân Thịnh
Theo DoanhnhanPlus/ Diễn đàn kinh tế thế giới