NSƯT Tuyết Mai- Mười năm đàn sách phổ cập nhạc dân tộc
Mong muốn của NSƯT Tuyết Mai là xây dựng nên thế hệ khán giả nghe nhạc dân tộc bằng cảm xúc và sự hiểu biết
Lớp học tìm hiểu âm nhạc dân tộc miễn phí tại CLB Âm nhạc Trúc Mai (TrucMai music House) của NSƯT Tuyết Mai vừa khai giảng. Vậy là dự án này đã đi được 10 năm. Số lượng học viên tham gia lớp học ngày càng đông và trẻ hơn. Chị bảo: “Hạnh phúc là đây chứ đâu!”.
Đam mê của người dạy lẫn người học
Học viên của lớp nhạc dân tộc này hầu hết là những bạn trẻ, độ tuổi đôi mươi. Đến với buổi học đầu tiên của năm thứ 10 có những em mới 8 tuổi và cả học viên ở tuổi ngoài 60, những bà mẹ trẻ dắt theo con nhỏ. Họ đến với lớp học, lắng nghe từng bài giảng, đọc từng nốt nhạc một cách say sưa. Với họ, lớp học này chứa đầy niềm đam mê cùng tình yêu bất tận của người dạy lẫn người học.
Với nghệ sĩ Tuyết Mai: “Đây là điều đáng mừng vì ngày càng nhiều bạn trẻ, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, vẫn tìm đến lớp học âm nhạc dân tộc này. Họ vẫn thích, yêu mến nhạc dân tộc lắm, chỉ là không có điều kiện mà thôi”.
Đích chị hướng tới vẫn là xây dựng nên một thế hệ khán giả có nền tảng kiến thức về nhạc dân tộc. Chị nghĩ chỉ khi khán giả biết một cách rõ ràng về những gì mình nghe, họ mới yêu nó lâu dài được. “Lớp học của tôi giống chuyện mai mối vậy. Nếu thích, họ sẽ đi chặng đường dài với nó. Còn không chỉ dừng lại ở biết thôi, như thế cũng đủ để tôi đạt được mục đích của mình là giúp công chúng biết gọi tên chính xác, hiểu nguồn gốc xuất xứ của những nhạc cụ dân tộc cơ bản” – nghệ sĩ Tuyết Mai bày tỏ.
Chị cho biết mình mất 13 năm rèn luyện với các phím đàn dân tộc, thêm 3 năm học thạc sĩ chuyên ngành giáo dục, mới có thể biểu diễn chuyên nghiệp. Thế nên, chị không nhận những người muốn qua 8 buổi học là trở thành nghệ sĩ biểu diễn hay chơi đàn chuyên nghiệp. “Mong muốn của tôi khi theo đuổi hành trình này là xây dựng nên thế hệ khán giả nghe nhạc dân tộc bằng cảm xúc và sự hiểu biết nền tảng về nhạc dân tộc, giúp họ có thể thưởng thức một cách trọn vẹn nhạc dân tộc đầy mê hoặc” – chị nói.
Lớp học nhạc của nghệ sĩ Tuyết Mai hoàn toàn miễn phí nên chị chưa biết sẽ còn duy trì được bao lâu. Tuy vậy, chị chắc chắn: “Có người học là tôi còn tiếp tục sự nghiệp truyền dạy theo cách này hay cách khác”.
“Làm được gì cho người khác thì làm”
Số học viên đăng ký mỗi năm lên đến gần 200 người, phải chia đều vào hai buổi học sáng và chiều mới đủ. 10 năm qua, chị cũng đón ngót nghét 2.000 người đến học về âm nhạc dân tộc. “Tôi làm vì không nỡ thấy người có tâm muốn học lại không tìm được chỗ học trong khi mình có khả năng làm điều ấy, thế thôi” – nghệ sĩ Tuyết Mai bày tỏ. Nhưng người hiểu thì khen, người không hiểu chuyện lại bảo “chắc phải có âm mưu gì?”. Với chị, một nghệ sĩ đã cống hiến cho âm nhạc dân tộc đến nay tròn 31 năm, lương hằng tháng được lãnh là 7 triệu đồng, giờ có cống hiến thêm một tí cũng chả sao. “Làm được gì cho người khác thì làm thôi” – quan niệm sống của chị.
Ít ai ngờ rằng đến tuổi hưu rồi mà hằng ngày, nghệ sĩ Tuyết Mai vẫn phải bỏ tiền ống heo để mua đàn cho học viên. Chị muốn mỗi học viên đến lớp của chị không chỉ học lý thuyết chay mà còn có đàn để thực hành. Mỗi cây đàn giá cũng lên đến hàng chục triệu đồng, vậy mà mỗi loại nhạc cụ dân tộc, chị cũng sắm được 5-7 cái để học viên thực tập. Chị bảo: “Cuộc đời như thế mà vui!”.
Điều giúp chị có thêm nghị lực hơn để duy trì lớp học chính là sự quyết tâm của những học viên. “Có hôm đi diễn về thấy mọi người đứng ngoài nắng chờ tôi về. Có học viên ở tận Tiền Giang chạy xe máy từ tờ mờ sáng để kịp đến lớp, tôi rất xúc động, không cầm được nước mắt” – nghệ sĩ Tuyết Mai chia sẻ. Chị bảo danh tiếng mình đã có đủ, cũng đã tuổi hưu, con cái thành đạt nên chẳng cần thêm gì nữa. Điều duy nhất chị cần chính là những người tìm đến lớp học của chị sẽ trở thành những truyền viên cho âm nhạc dân tộc sau đó. Chị tin khi người này truyền đạt cho người kia, người kia truyền cảm hứng cho người nọ, nhạc dân tộc rồi cũng sẽ phổ cập đến đông đảo công chúng.
Tuyết Mai tâm sự chính chị cũng không hiểu từ đâu mà mình kiên định với mục đích phổ cập nhạc dân tộc cho công chúng. Thỉnh thoảng chị nghĩ có nên dẹp lớp học để dành những ngày cuối tuần hiếm hoi nghỉ ngơi, du lịch cùng gia đình hay ít nhất quây quần bên người thân, nấu những món ăn mình thích. Nhưng rồi chị thấy thay vì chỉ nghĩ cho cá nhân thì nên chọn một công việc ý nghĩa hơn để làm. May mắn là chị còn có thu nhập từ việc kinh doanh du lịch, biểu diễn phục vụ khách nước ngoài đến TrucMai music house với doanh thu ổn định. Con trai chị, nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh, bây giờ nhiều sô biểu diễn và thù lao khá nên chị không bị áp lực chuyện “cơm áo”. Đó là lý do khiến chị dễ dàng kiên định với mục tiêu của mình.
Nghệ sĩ Tuyết Mai vốn là con gái Hà Nội, yêu nhạc dân tộc từ bé nên sớm trở thành học viên khoa nhạc cụ dân tộc Nhạc viện Hà Nội. Sau tốt nghiệp, chị bay vào TP HCM gia nhập Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen. Ngón đàn tam thập lục và t’rưng của Tuyết Mai thuộc hàng hiếm. Trở thành con dâu nhà họ Đinh nổi tiếng chơi sáo trúc (vợ của nghệ sĩ sáo trúc Đinh Linh, con dâu nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn) nên máu yêu nhạc dân tộc càng thấm sâu trong người chị. Đam mê đó lại được vợ chồng chị truyền cho Đinh Nhật Minh, cũng đang theo chị trên hành trình này. Ở tuổi đôi mươi, Minh tham gia giảng dạy sáo trúc cho lớp học của mẹ là khởi phát từ chính nguồn lửa được truyền từ gia đình. Nhưng, dù với động lực nào, những người như nghệ sĩ Tuyết Mai và con trai của chị đã đóng góp rất đáng trân trọng trong hành trình giữ gìn văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng.
Đưa nhạc dân tộc đến với học đường Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM chọn dàn nhạc của TrucMai music house thực hiện chương trình mang âm nhạc dân tộc đến học đường. Năm qua, NSƯT Tuyết Mai đã thực hiện chương trình này theo chỉ đạo của sở, giới thiệu nhạc dân tộc tại các trường tiểu học trên địa bàn TP HCM, gặt hái được kết quả ngoài mong đợi. Với thành công đó, năm nay, chị tiếp tục đồng hành với Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM đưa nhạc dân tộc đến với học đường. “Đó là hành trình không dễ dàng, thậm chí có lúc thật cô đơn. Nhưng, tôi tin chỉ cần mình có lòng, rồi mọi người sẽ hiểu. Nói nhiều không bằng làm tốt. Tôi cứ làm tốt công việc của mình để chứng minh những gì tôi làm không vô nghĩa” – NSƯT Tuyết Mai bày tỏ. |
Bài và ảnh: Thùy Trang
Theo Người Lao Động