Công ty Đài Loan kiếm trăm triệu USD mỗi năm nhờ sản xuất mọi thứ từ rác
“Chúng tôi tin rằng mọi thứ đều có thể làm được từ rác. Một ngày nào đó chúng ta có thể đi du lịch trên những chiếc máy bay làm từ rác”…
Miniwiz là công ty tái chế rác hàng đầu có trụ sở tại Đài Loan. Công ty này đã biến các loại rác thải trở thành hơn 1.200 vật liệu mới, được dùng để làm mọi thứ từ xây nhà, đóng tàu, cho đến sản xuất quần áo, giày dép, kính mắt…
Theo trang Hivelife, với Miniwiz, rác thải là thứ giá trị như dầu mỏ hay than đá. Công ty này thu thập rác thải tiêu dùng và công nghiệp, từ vỏ xì gà, đồ điện tử cho tới chai nhựa, và biến chúng thành đồ dùng hàng ngày. Một trong những mục tiêu lớn của công ty là sử dụng nhựa tái chế để giảm lượng khí thải carbon của các tòa nhà – chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Có trụ sở tại Đài Loan, Miniwiz ra đời vào năm 2005, xử lý rác thải từ khắp nơi trên thế giới với công nghệ tái chế đi tiên phong. Dưới dự lãnh đạo của kỹ sư cấu trúc Javis Liu – hiện là giám đốc công nghệ của công ty và kiến trúc sư Arthur Huang – giám đốc điều hành, Miniwiz đặt mục tiêu biến rác thải trở thành những thứ có hữu ích mà mọi người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua.
“Trong hơn 10 năm qua, chúng tôi đã thử nghiệm hàng nghìn loại rác để hiểu về các đặc tính hóa học của chúng. Những viên gạch dùng để xây nhà do chúng tôi tạo ra là kết quả của vô số những lần thử nghiệm và thất bại”, Javis Liu cho biết.
Lớn lên tại Đài Loan, Javis chưa bao giờ nghĩ ông sẽ dành những năm tháng tuổi trẻ của mình trong phòng thí nghiệm và làm việc với đống rác. Nhưng bước ngoặt đời ông xảy ra khi ông theo học ngành kiến trúc tại Đại học Tunghai, Đài Loan.
“Là kiến trúc sư, chúng tôi khai phá các vật liệu thô để xây dựng những tòa nhà mới. Nhưng đi liền với đó là lượng rác vật liệu khổng lồ mà chúng tôi thải ra mỗi ngày. Tôi nhận ra rằng, chúng tôi chính là một trong những thủ phạm gây ra vấn đề rác thải gây nhức nhối trên thế giới”, Javis nhớ lại. “Chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi có thứ gì thay thế cho những vật liệu thô hạn chế đang dùng không? Và câu trả lời là không”.
Mang theo cảm giác tội lỗi và ý thức trách nhiệm, Javis quyết định tìm người cùng giải quyết vấn đề với mình. Cùng với người có chung quan điểm, Arthur, hai người thành lập công ty vào để khai phá tiềm năng của các vật liệu bỏ đi.
“Công chúng thường có cái nhìn sai lệch rằng vật liệu tái chế là những thứ xấu xí và chất lượng thấp. Vì vậy, Miniwiz cố gắng để biến rác trở thành những thứ hấp dẫn, đưa chúng trở lại có ích trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người”, Javis chia sẻ.
Sau hai năm, Miniwiz ra mắt sản phẩm đầu tiên HYmini – sạc pin di động làm từ rác nhựa, giấy và đồ điện tử tái chế, và tạo ra điện bằng năng lượng gió và mặt trời. Thành công lớn của HYmini mang lại cho Miniwiz những khoản đầu tư đầu tiên để tiếp tục hàng trăm dự án sáng chế khác. Hiện Miniwiz trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế và công nghệ xanh. Công ty hiện có đội ngũ kỹ sư, thiết kế và kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới.
Một trong số dự án sáng tạo nổi tiếng của công ty này gồm House of Trash (Nhà rác) tại thành phố Milan (Italy) – không gian chia sẻ rộng gần 400 m2, được làm từ rác thải tại địa phương và các hộp giày bán trong suốt của Nike Air Max. Một dự án nổi bật khác là tòa nhà 9 tầng EcoARK Pavilion được làm từ 1,5 triệu chai nhựa tái chế.
Miniwiz cũng chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ tái chế rác cho một số công ty hàng đầu thế giới như Nike, Philip Morris, Coca-Cola và Starwood Hotels. Miniwiz đạt doanh thu hàng năm trên 100 triệu USD.
“Chúng tôi tin rằng mọi thứ đều có thể làm được từ rác. Một ngày nào đó chúng ta có thể đi du lịch trên những chiếc máy bay làm từ rác. Vấn đề chỉ còn là thời gian”, Miniwiz khẳng định.
Minh Nhật
Theo VnEconomy.vn