Cuộc sống của những đứa trẻ trong ‘ngôi làng không có mẹ’
Ở miền đông Indonesia có những khu vực mà hầu hết các bà mẹ trẻ đều đi nước ngoài làm việc. Người dân bản địa gọi đó là những ngôi làng không có mẹ.
Phóng viên Rebecca Henschke của tờ BBC đã gặp gỡ những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau.
Ely Susiawati 11 tuổi khi mẹ cô bé để lại con gái cho bà ngoại chăm sóc. Bố mẹ Ely vừa chia tay và để nuôi con, chị Martia phải sang Ả Rập Xê-út làm giúp việc nhà. Lần đầu tiên tôi gặp Ely, cô bé đang học năm cuối ở trường. Con bé kể với tôi về việc đã đau buồn như thế nào từ khi mẹ bỏ đi.
‘Khi cháu nhìn thấy bạn bè có bố mẹ ở bên, cháu cảm thấy rất tủi thân. Cháu mong mẹ về nhà. Cháu không muốn mẹ đi làm xa. Cháu muốn mẹ ở nhà để chăm sóc anh em cháu’.
Ở Ngôi làng Wanasaba ở phía đông thành phố Lombok mà Ely đang sống, việc những bà mẹ trẻ đi nước ngoài làm việc là điều được chấp nhận để con cái họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hầu hết đàn ông ở đây đều làm ruộng hoặc là lao động tự do. Số tiền họ kiếm được ít hơn thu thập của những phụ nữ đi nước ngoài làm giúp việc rất nhiều. Khi các bà mẹ ra đi, các ông chồng và người thân trong gia đình sẽ phụ giúp chăm sóc bọn trẻ. Nhưng nỗi buồn của những đứa trẻ thì không có gì có thể xoa dịu được.
Mẹ của Karimatul Adibia bỏ đi khi cô bé mới được 1 tuổi. Vì thế, Karimatul không thể nhớ được khoảng thời gian được sống cùng mẹ. Mãi đến khi cô bé học gần xong cấp tiểu học, mẹ mới xin về nhà để gặp Karimatul. Nhưng giai đoạn này, cô bé coi dì mình – người đã nuôi dạy cô bé – là mẹ.
‘Cháu đã rất bối rối. Cháu thấy mẹ khóc. Mẹ nói với dì rằng ‘Tại sao con bé không biết em là mẹ nó?’’.Dì Karimatul trả lời rằng, vì họ không có bất cứ bức ảnh nào. Karimatul chỉ biết tên và địa chỉ của mẹ.
‘Lúc ấy, cháu vừa thấy nhớ mẹ vừa giận mẹ vì đã bỏ cháu ở lại khi cháu còn quá nhỏ’ – Karimatul nói.
Năm nay, khi đã 13 tuổi, Karimatul gọi video cho mẹ mỗi tối. Hai mẹ con nhắn tin cho nhau thường xuyên nhưng đó vẫn là một mối quan hệ khó khăn.‘Mỗi khi mẹ nghỉ phép về nhà, cháu lại muốn ở lại với dì. Mẹ bảo cháu ở lại với mẹ nhưng cháu chỉ nói rằng cháu sẽ tới sau’.
Dì của Karimatul – bà Baiq Nurjannah cũng là người nuôi 9 đứa trẻ khác. Chỉ 1 đứa trong số đó là con của bà. Còn lại đều là con cái của anh chị em bà – những người đã ra nước ngoài làm việc.‘Tôi được gọi là mẹ già’ – bà vừa cười vừa nói.
Hiện đã hơn 50 tuổi, bà hay mỉm cười và nói ‘tạ ơn Chúa’ trong mỗi câu nói của mình.
‘Tôi đối xử với chúng như con mình. Chúng cũng coi nhau như anh chị em trong nhà’.Những người phụ nữ trong làng Wanasaba bắt đầu đi nước ngoài làm việc từ những năm 1980.Không có sự bảo vệ của pháp luật, họ rất dễ bị lạm dụng. Nhiều người đã được đưa về quê trong những chiếc quan tài. Những người khác bị đánh đập thậm tệ đến mức bị thương nặng. Một số bị trả về nhà mà không được trả tiền. Đôi khi, những người phụ nữ này cũng trở về quê trong tình trạng có thêm con do những mối quan hệ tự nguyện hoặc gượng ép. Chúng thường được gọi là anak oleh-oleh – ‘những đứa trẻ lưu niệm’.
Chúng trộn lẫn 2 dòng máu, vì thế chúng nổi bật trong các ngôi làng.
18 tuổi, Fatimah nói rằng đôi khi cô thích sự chú ý. ‘Mọi người thường nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Tôi trông khác biệt. Một số người khen ‘ồ, cháu thật đẹp vì cháu có dòng máu Ả Rập’. Điều đó làm tôi vui’.Fatimah chưa bao giờ gặp ông bố người Ả Rập của mình nhưng ông ta có gửi tiền cho mẹ cô. Nhưng không lâu sau, ông ta qua đời. Cuộc sống của 2 mẹ con trở nên khó khăn hơn, vì thế mẹ của Fatimah lại sang Ả Rập để làm việc.
‘Điều khiến mẹ tôi quyết định ra đi một lần nữa là vì em trai tôi luôn hỏi ‘Khi nào thì chúng ta có tiền mua xe máy?’. Và khi thằng bé nhìn thấy mọi người dùng điện thoại di động, nó lại nói ‘Khi nào chúng ta có điện thoại?’’.
Cô bé chia sẻ trong nước mắt: ‘Nếu mẹ không đi Ả Rập, chúng tôi sẽ không có đủ tiền để sống’.
Với những đứa trẻ có cả bố và mẹ đều đi nước ngoài, chúng sống chung trong một ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời Indonesia vẫn là thuộc địa của Hà Lan. Ngôi nhà được quản lý bởi những người phụ nữ địa phương và một nhóm quyền di cư. Khi điểm danh những đứa trẻ, họ đọc tên đất nước mà bố mẹ chúng đang làm việc.
Ngôi nhà này do Suprihati – một phụ nữ từng làm việc ở Ả Rập sáng lập ra. Cô bỏ đi khi 2 con trai còn đang chập chững tập đi. Canh bạc cảm xúc đó đã được đền đáp, cô nói. Sau khi nuôi xong 2 con ăn học, hiện Suprihati đang sống một cuộc sống thoải mái và không còn phải đi làm nữa vì đã được các con nuôi. Từ sự đồng cảm với những hoàn cảnh giống mình, cô nảy ra ý định xây dựng một gia đình chung cho những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau.
‘Việc được người thân nuôi dưỡng rất khác so với khi có mẹ bên cạnh. Đó là một kiểu tình yêu khác. Bọn trẻ có xu hướng rụt rè và thiếu tự tin’ – cô chia sẻ.Sau khi tan học ở trường, bọn trẻ đến ngôi nhà này. ‘Chúng tôi giúp bọn trẻ làm bài tập về nhà. Chúng tôi thấy chúng đang tiến triển rất tốt’. Hơn 2/3 số lao động nước ngoài của Indonesia là phụ nữ. Số tiền mà họ gửi về quê nhà là để giúp con cái họ có được những thứ mơ ước mà chúng chưa bao giờ có được trước đây.
Ely Susiawati đã 9 năm không gặp mẹ, nhưng mức lương của mẹ cô bé giúp cô trở thành người đầu tiên trong gia đình được đi học đại học. Ely đang học ngành Tài chính Hồi giáo tại một trường đại học ở Mataram. Cô nói rằng cô hiểu được sự hi sinh mà mẹ đã làm.
‘Nếu mẹ không đi làm thì tôi sẽ không thể đi học. Tôi luôn tự hào về mẹ. Không có người phụ nữ nào mạnh mẽ hơn mẹ tôi’.
Ely thường xuyên trò chuyện với mẹ qua WhatsApp hoặc Facetime. Cô chia sẻ với mẹ mọi chuyện và mẹ cũng biết mọi thứ về cuộc sống của Ely.Chị Martia nói rằng chị sẽ về nhà khi Ely học xong đại học – tức là khoảng hơn 3 năm nữa. Tôi cũng nói với chị rằng Ely khen chị là một người phụ nữ tuyệt vời.
‘Ôi thật vui khi được nghe điều đó’ – chị cười và tôi nhìn thấy nước mắt trong mắt chị.
Nguyễn Thảo
Theo Vietnamnet/ BBC