fbpx

Tranh cãi về lệnh cấm ống hút nhựa ở thủ đô Mỹ

Washington, nơi đầu tiên phát minh ra ống hút nhựa, là thành phố thứ hai ở Mỹ cấm sử dụng loại sản phẩm này.

Tòa nhà Stone, nơi sản xuất những chiếc ống hút đầu tiên của Mỹ. Ảnh: WP.
Tòa nhà Stone, nơi sản xuất những chiếc ống hút đầu tiên của Mỹ –  Ảnh: WP

Năm 1888, trong tòa nhà màu nâu vàng đồ sộ được sử dụng làm công xưởng trên Đường số 9, Washington, Mỹ, Marvin C.Stone phát minh ra loại ống hút giấy thay thế cho ống hút bằng cây cỏ mà người Mỹ thời đó hay dùng. Kể từ đó, hàng triệu ống hút đã được sản xuất trong Tòa nhà Ống hút Stone, nay là trụ sở cảnh sát giao thông thủ đô Washington. Dấu hiệu duy nhất về lịch sử của nó là tấm bia kỷ niệm kín đáo trên bức tường để tôn vinh Stone, “nhà phát minh ống hút giấy”.

Stone phát minh ra ống hút vào một buổi tối, khi đang nhấm nháp ly cocktail bạc hà ưa thích. Thời đó, người ta hay dùng cỏ hắc mạch khô để làm ống hút, nhưng Stone đã chỉnh sửa cỗ máy cuốn thuốc lá giấy, biến nó thành máy cuốn giấy xoắn xung quanh một hình trụ giống bút chì để tạo thành ống hút. Ông còn phủ sáp lên ống hút để nó không bị nhũn ra trong khi dùng. Ông nộp đơn xin cấp bằng sáng chế năm 1888 với trình bày muốn tạo ra “loại ống hút rẻ, bền, thay thế ống hút cỏ tự nhiên”. Từ phát minh của Stone kết hợp với sự phát triển của ngành nhựa, ống hút nhựa ra đời.

Gần 1,5 thế kỷ sau, Washington, nơi phát minh ra ống hút, là thành phố lớn thứ hai ở Mỹ sau Seattle cấm ống hút nhựa. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhưng cho phép gia hạn để các nhà hàng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi tới hết tháng 6.

“Rất nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đang sử dụng ống hút nhựa và không định thay thế”, Kirk Francis, quản lý trung tâm ăn uống Tastemakers cạnh Tòa nhà Ống hút Stone, nói.

Francis là một doanh nhân trẻ, yêu môi trường, từng đối mặt với câu hỏi tương tự vài năm trước. Một người bán hàng ăn trên xe tải đã hỏi: “Làm thế nào để uống sữa lắc mà không dùng ống hút?”

Francis cân nhắc tới ống hút kim loại, giấy phân hủy sinh học hoặc vật liệu có nguồn gốc thực vật, mà đa số đắt hơn hoặc mỏng hơn so với ống hút nhựa và vẫn chưa tìm ra “giải pháp thích hợp thay thế”. Phần lớn khách hàng không quan tâm lắm, “họ chỉ muốn một cái ống hút trơn tru”.

Ống hút trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực Mỹ trong hàng trăm năm. Ảnh: WP.
Ống hút trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực Mỹ trong hàng trăm năm – Ảnh: WP

Vì vậy, để người dân từ bỏ ống hút là việc không dễ dàng. Ống hút là một phần không thể tách rời của văn hóa Mỹ từ khi được quảng bá lần đầu như một cách hạn chế bệnh tật lây lan khi người dân dùng chung cốc uống nước từ đài phun nước công cộng. Joseph Friedman, một người Mỹ khác, đã cải tiến phát minh của Stone, tạo ra phần xoắn trên ống hút giúp miệng ống linh hoạt hơn, khi chứng kiến con gái vật lộn với ly sữa lắc. Loại ống hút này lập tức phổ biến cùng với những món đồ ăn nổi tiếng trong văn hóa tiêu dùng Mỹ, như đá xay soda, thực phẩm mang đi, đồ uống nhiều đá.

Lệnh cấm ống hút nhựa chỉ là khởi đầu mang tính biểu tượng, Sarah Perrin, một khách hàng đang dùng bữa cùng con gái ở Tastemakers, nói. Cô bé Lili 5 tuổi đang dùng ống hút nhựa để thưởng thức nước trái cây trong cốc nhựa.

“Không có ống hút, con bé sẽ làm đổ nước ra khắp người”, Perrin nói. “Lệnh cấm ống hút xuất phát từ ý định tốt, nhưng người khuyết tật và trẻ em thì sao? Liệu nó có giúp chúng ta cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn, liệu nó có làm cho môi trường khác đi?”

Collin Odell đang ngồi chơi cùng chó cưng trên sân thượng trung tâm ăn uống, tầm nhìn hướng về nhà máy trước đây của Marvin Stone. Anh sử dụng ống hút nhựa cho món nước ép ổi nhiều đá.

“Ống hút đi cùng đơn đặt hàng”, chàng thanh niên trẻ giải thích. “Tôi hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm, nếu nó giúp giảm lượng rác thải khổng lồ trong đại dương”.

Odell thấy lượng ống hút nhựa sử dụng trong thành phố đã giảm đi, nhưng “ở thành phố khác thì không”. “Tôi luôn ngạc nhiên đến thành phố khác chơi, người ta bán nước đựng trong cốc xốp nhựa”, anh nói.

Hồng Hạnh
Theo VnExpress/ AFP

CÙNG CHUYÊN MỤC