Nơi tốt đẹp cuối cùng trên Internet
Những người anh hùng của Wikipedia không phải là những chuyên gia trong ngành mà là những WikiGnomes – các biên tập viên chuyên quét lỗi chính tả, sắp xếp các bài báo thành từng mục được phân loại gọn gàng và loại bỏ hành vi phá hoại. Công việc này thường không được biết đến nhưng không phải là không có niềm vui. Đó là điểm khởi đầu chung cho các Wikipedians và nhiều người hài lòng với nó.
Theo một bài báo năm 2016 trên tạp chí Khoa học Quản lý, thời lượng chỉnh sửa trung bình trên Wikipedia chỉ là 37 ký tự, tức là có thể chỉ mất vài giây. Tuy nhiên, từ đó mà nhiều tình nguyện viên đã thấm sâu văn hóa của trang web. Họ thảo luận về các chỉnh sửa trên các trang Talk; hiển thị sở thích và khả năng của họ trên các trang Người dùng; một số khác cố gắng để đạt được vị trí đầu bảng xếp hạng số lượt chỉnh sửa. Một số được bầu chọn trở thành quản trị viên. Với khoảng 1/4 triệu người chỉnh sửa Wikipedia mỗi ngày, chỉ có khoảng 1.100 tài khoản có đặc quyền quản trị viên. Trang web đủ sâu và phức tạp đến nỗi riêng các quy tắc và chính sách của nó cũng dài tới hơn 150.000 từ. Những người tuân thủ cam kết nhất của trang web gần giống như luật sư, họ kháng cáo và tranh luận về quan điểm của họ. Cũng giống như luật, có nhiều trường phái giải thích khác nhau; Và hai nhóm lớn nhất trong số này là những người theo chủ nghĩa xóa bỏ và những người theo chủ nghĩa tích hợp. Những người xóa bỏ ưu tiên chất lượng hơn số lượng, sự nổi tiếng hơn là tiện ích. Những người tích hợp thì ngược lại.
Những biên tập viên đóng góp nhiều nhất, ở cả phía xóa bỏ hay tích hợp, là những người ở giữa các chuyên gia và người không chuyên. Họ còn gọi là người nhiệt tình. Hãy tưởng tượng về một người thích tìm hiểu về xe lửa. Kiến thức của họ về tàu hỏa hoàn toàn khác với một kỹ sư hay một nhà sử học đường sắt. Bạn không thể lái tàu hỏa hoặc được chứng nhận trong ngành nếu chỉ là một người hâm mộ đường sắt. Nhưng những người này dù sao cũng là một chuyên gia hợp pháp.
Trước đây, kiến thức dân gian của họ thường đăng trên các diễn đàn trực tuyến, các chương trình radio và các tạp chí chuyên khoa, bây giờ Wikipedia khai thác nó. Mục về đầu máy xe lửa nổi tiếng Flying Scotsman dài 4.000 từ và bao gồm thông tin chi tiết hấp dẫn về cách đánh số lại của nó, loạt chủ sở hữu, bộ làm lệch hướng khói và phục hồi, được xây dựng bởi những người đóng góp có kiến thức sâu sắc nhất, hiểu biết rõ cách hoạt động của tàu hỏa (ví dụ như đoạn “Người ta cho rằng lò hơi A4 đã xuống cấp ở trạng thái tồi tệ hơn so với dự phòng do áp suất vận hành cao hơn mà đầu máy đã trải qua sau khi nâng cấp đầu máy lên 250 psi”).
Động lực này tự bản thân nó là một loại động cơ, được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình và bao gồm cả tình yêu. Ban đầu nhiều chỉ trích rằng các công việc dẫn chứng do máy tính trợ giúp có thể làm giảm chất lượng nội dung, không mang tính người mà chỉ là những lời nói thực tế nhạt nhẽo. Một bài báo năm 1974 trên tờ The Atlantic đã cho thấy mối quan tâm này: “Tất nhiên, có thể có sự chính xác với những hội đồng trợ giúp bởi máy tính hơn là bởi một trí thông minh đơn lẻ. Nhưng trong khi tính chính xác ràng buộc lòng tin giữa người đọc và người đóng góp, thì tính lập dị, sang trọng và ngạc nhiên là những phẩm chất độc nhất khiến việc học trở thành một giao dịch hấp dẫn. Và đó không phải những phẩm chất mà chúng tôi tìm thấy ở các ban biên tập kia”. Tuy nhiên, Wikipedia cũng có những khoảnh khắc lập dị, sang trọng và ngạc nhiên vô cùng, đặc biệt là trong những khoảnh khắc nhiệt tình lên cao trào và các chi tiết được mô tả tinh vi (nhưng vô nghĩa) đến mức nó trở nên đẹp đẽ.
Trong bài báo về cuộc cách mạng tình dục có một dòng, đã bị xóa, viết “Đối với những người không sống ở giai đoạn 1960 và 1970 thì khó có thể hình dung ra tình dục tự do là như thế nào trong những năm đó”. Cuốn tự truyện ẩn danh này là một phần biên tập hấp dẫn, nhưng bản thân nó cũng là một di sản nhỏ của cuộc cách mạng tình dục, một sự phản ánh chân thực về khoảnh khắc tự do không kéo dài. (Người biên tập đã thêm yêu cầu “Cần trích dẫn” và cũng là một phần của câu chuyện). Trong bài báo về trí thức chống cộng sản Frank Knopfelmacher, chúng ta được biết đến “những cuộc độc thoại dài qua điện thoại vào đêm khuya thường xuyên của ông ấy (với nội dung nói với cộng sự hay thường xuyên hơn là những kẻ phản diện). Và ông vẫn giữ một tình trạng ảo tưởng trong nhiều thập kỷ trong giới trí thức Úc”. Với tiểu thuyết gia Hồng Kông Lillian Lee, chúng ta được biết bà tìm kiếm “tự do và hạnh phúc chứ không phải danh vọng”.
Thường thì những người lướt mạng không hài hước lắm nhưng với những biên tập viên của Wikipedia (Wikipedians), hài hước là nền tảng của sự hợp tác thiện chí trong các dự án.
Không cần phải tìm hiểu chi tiết lịch sử về con dê bằng rơm khổng lồ dựng ở một thị trấn Thụy Điển vào mỗi dịp Giáng sinh, nhưng bài báo Gävle Goat đã ghi lại số phận của nó đều đặn từng năm một cách rõ ràng. Nó rất dễ bị phá hủy hay cháy và vì vậy bài báo kể rõ những thời điểm nó bị phá hủy, cách bị phá hủy hay các biện pháp an ninh mới được áp dụng hằng năm kể từ năm 1966. (Năm 2005, nó bị “đốt cháy bởi những kẻ phá hoại không rõ danh tính hóa trang thành ông già Noel và người bán bánh gừng, họ đã bắn một mũi tên lửa vào con dê này”).
Ban biên tập của một bộ bách khoa toàn thư thế giới sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến một diễn đàn để kể truyện cười, đừng nói là hình dung ra nó sẽ quan trọng thế nào trong việc hình thành các thư mục hết sức nghiêm túc của một bộ sách như vậy. Nhưng trên Wikipedia thì những câu chuyện cười lại rất quan trọng, nó giúp xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy hợp tác vui vẻ, khuyến khích sự khiêm tốn. Cuối cùng là giúp mọi người đọc và chỉnh sửa thêm các thư mục. Có lẽ bây giờ không ai mường tượng ra những thông tin gì có thể được rút ra từ tài liệu tham khảo của những ngày đầu tiên trong thời kỳ Khai sáng, ví dụ từ điển của Samuel Johnson biên soạn năm 1755 đã đưa ra một định nghĩa về “buồn tẻ” là “không phấn chấn; không thú vị: như làm từ điển là một công việc buồn tẻ”.ưư Hay trong cuốn bách khoa toàn thư quan trọng nhất của cuối thời kỳ hiện đại, Encyclopédie, có những chi tiết châm biếm và đối lập như: mục về “Kẻ ăn thịt người” lại tham chiếu với mục “Hiệp thông”.
Nếu tiếp tục so sánh Wikipedia với Britannica, chúng ta có thể nhìn theo một góc độ khác, giữa Wikipedia và các web khác trong top 10 trang trên Internet. Rõ ràng Wikipedia là một hình mẫu cho những thử nghiệm về xã hội trực tuyến nhưng điều đáng nói ở đây là lại không dễ dàng bị thương mại hóa. Về bản chất, đây là một doanh nghiệp phi thương mại, không có nhà đầu tư hoặc cổ đông cần phải xoa dịu, không có nhu cầu huy động tài chính để phát triển và tồn tại, và cũng không phải là nơi chạy đua tích trữ dữ liệu để chiếm ưu thế về AI bằng mọi giá. Tại đám cưới của Jimmy Wales, một trong những người phù dâu đã tôn vinh anh là ông trùm internet duy nhất không phải là tỷ phú.
Nhưng Wikipedia lại giúp đỡ những người khổng lồ công nghệ khác đặc biệt là trong cuộc AI. Nhờ chính sách nội dung tự do và kho thông tin rộng lớn của Wikipedia mà các nhà phát triển đã xây dựng các mạng nơ-ron nhanh hơn, rẻ hơn và phổ biến hơn nhiều so với các bộ dữ liệu độc quyền khác. Khi bạn hỏi Siri của Apple hoặc Alexa của Amazon một câu hỏi thì hóa ra Wikipedia là bên giúp cung cấp câu trả lời. Khi bạn tìm kiếm một người hoặc một địa điểm nổi tiếng trên Google, Wikipedia sẽ hiển thị “bảng thông tin” xuất hiện bên phải cùng với kết quả tìm kiếm của bạn.
Những công cụ này có được nhờ một dự án tên là Wikidata, là bước tiếp theo đầy tham vọng nhằm hiện thực hóa giấc mơ “Bộ não thế giới”. Nó bắt đầu với nhà khoa học máy tính Croatia và biên tập viên Wikipedia tên là Denny Vrandei. Anh ta say mê với nội dung của bách khoa toàn thư trực tuyến nhưng cảm thấy thất vọng khi người dùng không thể hỏi nó những câu hỏi cần phải tổng hợp kiến thức từ nhiều mục trên trang web. Vrandei muốn Wikipedia có thể trả lời một câu hỏi như “20 thành phố lớn nhất trên thế giới có thị trưởng là nữ là gì?” Vrandei nói: “Kiến thức rõ ràng là có trong Wikipedia nhưng nó bị che giấu. Để truy xuất câu trả lời ra “sẽ cần một nỗ lực rất lớn”.
Dựa trên ý tưởng thời đầu internet gọi là “web ngữ nghĩa”, Vrandei bắt đầu cấu trúc và làm phong phú tập dữ liệu của Wikipedia để trên thực tế, nó có thể bắt đầu tổng hợp kiến thức của riêng mình. Nếu có một số cách để gắn thẻ phụ nữ, thị trưởng và thành phố theo quy mô dân số, thì một truy vấn được mã hóa chính xác có thể tự động trả về 20 thành phố lớn nhất có thị trưởng là nữ. Vrandei đã chỉnh sửa Wikipedia bằng tiếng Croatia, tiếng Anh và tiếng Đức, vì vậy anh nhận ra những hạn chế của việc sử dụng gắn thẻ ngữ nghĩa tiếng Anh thuần túy. Thay vào đó, anh chọn mã số. Ví dụ: bất kỳ tham chiếu nào đến cuốn sách Đảo kho báu có thể được gắn thẻ với mã Q185118 hoặc màu nâu với Q47071.
Vrandei cho rằng việc mã hóa và gắn thẻ này sẽ do bot (các ứng dụng robot) thực hiện. Nhưng trong số 80 triệu mục đã được thêm vào Wikidata cho đến nay thì khoảng một nửa đã được các tình nguyện viên thực hiện, một mức độ nguồn lực cộng đồng khiến ngay cả những người sáng tạo của Wikidata cũng phải ngạc nhiên. Hóa ra, việc chỉnh sửa dữ liệu Wikidata và chỉnh sửa Wikipedia khác nhau đến mức ít ai có thể đóng góp được cùng lúc cả hai. Wikipedia thu hút những người quan tâm đến việc viết văn xuôi còn Wikidata lại thu hút những người kết nối nguồn dữ liệu, tìm và giải bug và hoàn thiện sản phẩm. (Giám đốc sản phẩm của nó, Lydia Pintscher, vẫn đi xem phim về nhà và ghi chép thủ công danh sách diễn viên từ IMDb vào Wikidata với các thẻ thích hợp).
Khi các nền tảng như Google và Alexa hoạt động để cung cấp câu trả lời tức thì cho các câu hỏi ngẫu nhiên thì động cơ Wikidata chạy bên dưới liên kết thông tin của thế giới với nhau. Hệ thống này đôi khi vẫn dẫn đến lỗi – đó là lý do tại sao Siri thoáng nghĩ rằng bài quốc ca của Bulgaria là “Despacito” – nhưng triển vọng của nó rất lớn có thể còn hơn cả Wikipedia. Có những dự án con như đánh chỉ mục tất cả các chính trị gia trên Trái đất, mọi bức tranh trong mọi bộ sưu tập công khai trên toàn thế giới và mọi gene trong bộ gene người thành dạng có thể tìm kiếm, thích nghi và sẵn sàng cho máy móc đọc được.
Và những trò đùa vẫn tồn tại ở đó. Ví dụ thẻ số của Wikidata cho tác giả Douglas Adams là Q42. Trong cuốn sách “The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy” của Adams, một nhóm sinh vật siêu thông minh đã xây dựng một chiếc máy tính khổng lồ, mạnh mẽ có tên là Deep Thought, họ yêu cầu “Câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng về sự sống, vũ trụ và mọi thứ”. Thứ tự câu trả lời là con số 42. Chính suy nghĩ chớp nhoáng của tự nhận thức, điên rồ và vui sướng khi xây dựng được một thứ gì đó phi lý và mạnh mẽ như một bộ não thế giới, là lý do vì sao bạn biết rằng bạn đang nhận được thông tin tốt nhất có thể với Wikipedia.
Nhưng vì sao mà những Wikipedians lại đóng góp không lương hàng triệu giờ lao động của họ? Và có những việc kiểu như con dê rơm khổng lồ này? Bởi vì họ không cho rằng đó là lao động. “Mọi người làm việc miễn phí là một quan niệm sai lầm”, Wales nói với trang web Hacker Noon vào năm 2018. Đúng ra là “Họ được vui vẻ miễn phí”. Một cuộc khảo sát năm 2011 với hơn 5.000 cộng tác viên của Wikipedia đã liệt kê “Thật thú vị” là một trong những lý do chính khiến họ chỉnh sửa trang web. |
Nguyễn Quang
Theo Tạp chí Tia sáng/ Wired
Link nguồn: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Noi-tot-dep-cuoi-cung-tren-Internet-phan-2-28262