fbpx

Nơi tốt đẹp cuối cùng trên Internet

Không ít người từng nghĩ Wikipedia sẽ không trở thành một trang web tử tế bởi bất kỳ kẻ ngốc có bàn phím nào cũng có thể viết bất cứ điều gì lên đó. Nhưng cho đến giờ, nó vẫn là một nơi chứa rất nhiều điều đúng đắn.

Noi-tot-dep-cuoi-cung-tren-Internet
Wikipedia là một bách khoa toàn thư miễn phí bao gồm toàn bộ kiến thức của nhân loại. Nguồn: wire.com

Trong thập kỷ đầu tiên, Wikipedia đã xuất hiện trên dòng tít của rất nhiều tờ báo. Michael Scott của tờ The Office đã gọi đó là “điều tuyệt vời nhất từ trước đến nay”, bởi vì “bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể viết bất cứ thứ gì họ muốn về bất kỳ chủ đề nào trên đó. Điều đó có nghĩa là người đọc sẽ nhận được thông tin tốt nhất có thể”.

Đến năm 2007, Wikipedia đã trở thành trang web được truy cập nhiều thứ tám trên thế giới. Phiên bản tiếng Anh gần đây đã có hơn 6 triệu bài viết và 3,5 tỷ từ; có 1,8 chỉnh sửa được thực hiện mỗi giây. Nhưng có lẽ điều đáng chú ý hơn thành công của Wikipedia là danh tiếng của nó rất ổn định. Lúc mới phát triển nó đã bị chỉ trích rất nhiều nhưng rồi cuối cùng mọi tiếng chỉ trích đều bị dập tắt. Có vẻ như đến nay người ta vẫn thấy không hẳn thoải mái với việc thú nhận là mới phát hiện ra một sự thật trên Wikipedia. Và một số câu hỏi từng lẩn quẩn trong đầu chúng ta từ giữa những năm 2000 như ‘Liệu nó có hoạt động không?’, ‘nó đáng tin cậy không?’, ‘nó có tốt hơn Encyclopedia Britannica không?, lần lượt được nêu ra rồi trả lời hết lần này đến lần khác với câu trả lời là có.

Wikipedia làm tắt những chỉ trích đó tốt hơn nhiều so với những gã khổng lồ Internet khác trên thế giới. Ở bất kỳ thời điểm nhạy cảm nào trong vài năm qua như cuộc bầu cử Trump, Brexit, các vụ vi phạm dữ liệu, hành vi thái quá của phe cánh hữu hoặc các tuyên bố độc lập trước Quốc hội – bạn sẽ nhận thấy dấu tay mờ ám của các công ty nền tảng độc quyền. Cách đây không lâu, chủ nghĩa công nghệ là môi trường cho ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo thì bây giờ nó đã trở thành những cái tên cấm kỵ. Bây giờ hầu như không ai có thể nói một cách trừu tượng về tự do, kết nối và cộng tác, những từ khóa ngắn gọn của những năm 2000, mà không phải đề phòng đến những phản ứng ngoại cảnh tiêu cực từ Internet.

Tuy nhiên, trong thời đại mà những lời hứa của Thung lũng Silicon không còn bóng bẩy như trước, Wikipedia đã tỏa sáng khi so sánh. Đây là trang web phi lợi nhuận duy nhất nằm trong top 10 và là một trong số ít những trang trong top 100. Nó không có quảng cáo, không xâm phạm quyền riêng tư hoặc là nơi chứa những trò lố lăng của Đức Quốc xã. Giống như Instagram, Twitter và Facebook, nó phát nội dung do người dùng tạo. Không giống như chúng, các nội dung không định danh, mang tính cộng tác và vì lợi ích chung. Không chỉ là một bách khoa toàn thư, Wikipedia đã trở thành một cộng đồng, một thư viện, một hiến pháp, một thử nghiệm, một tuyên ngôn chính trị – hình ảnh của một quảng trường công cộng trực tuyến. Đây là một trong số ít những nơi còn lại vẫn giữ được vẻ rực rỡ không tưởng của thời kỳ đầu của World Wide Web. Một bách khoa toàn thư miễn phí bao gồm toàn bộ kiến thức của nhân loại, được viết gần như hoàn toàn bởi các tình nguyện viên không được trả lương: Bạn có thể tin được không?

Wikipedia có thể không hoàn hảo. Có nhiều vấn đề nó mắc phải và được thảo luận rất chi tiết trên chính Wikipedia, thường là trong các diễn đàn dành riêng để tự phê bình với tiêu đề như “Tại sao Wikipedia không tuyệt vời như vậy”. Một cộng tác viên nhận xét rằng “nhiều bài báo có chất lượng kém”. Một lo lắng khác rằng “sự đồng thuận trên Wikipedia có thể là một dạng sản xuất tri thức có vấn đề”. Lưu ý khác cho rằng “ai đó có thể đến và chỉnh sửa chính trang này và viết những thứ như ‘bút chỉ dành cho mèo’”,… Giống như phần còn lại của thế giới công nghệ, trang web này bị mất cân bằng giới tính; theo ước tính gần đây thì 90% biên tập viên tình nguyện của nó là nam giới. Phụ nữ và cộng tác viên không thường xuyên thường báo cáo có sự quấy rối từ các đồng nghiệp của họ trên Wikipedia: lừa đảo, dọa tung tư liệu cá nhân, xâm phạm tài khoản, đe dọa giết,… Tổ chức mẹ của trang đã nhiều lần phân tích tình hình và tìm cách giải quyết nó; vài năm trước, nó đã phân bổ hàng trăm nghìn đô la cho một “sáng kiến ​​sức khỏe cộng đồng”. Nhưng theo một cách nào đó phương tiện để sửa chữa những thiếu sót của Wikipedia, về cả văn hóa và phạm vi, đã có sẵn: sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa nữ quyền.

Những đổi mới của trang web luôn mang tính văn hóa hơn là công nghệ dù nó được tạo ra bằng công nghệ hiện tại. Đây vẫn là khía cạnh bị đánh giá thấp nhất và bị hiểu lầm duy nhất của Wikipedia: đó là tính cảm xúc của nó. Wikipedia được xây dựng dựa trên lợi ích cá nhân và phong cách riêng của những người đóng góp; trên thực tế bạn thậm chí có thể nói rằng nó được xây dựng dựa trên tình yêu. Niềm đam mê của các biên tập viên giúp đưa trang web đi sâu vào những chi tiết vụn vặt, đầy đủ về hàng chục loại phần mềm thêu khác nhau, danh sách dành riêng cho các cầu thủ bóng chày đeo kính, bản phác thảo tiểu sử ngắn gọn nhưng xúc động về Khanzir, chú lợn duy nhất ở Afghanistan. Không có kiến thức nào là thực sự vô dụng, nhưng ở mức tốt nhất, Wikipedia hướng sự quan tâm khác nhau đến mức độ thích hợp mà câu nói của Larry David “Khá, khá tốt!”, đã được coi như một lời đánh giá tiêu biểu. Khi đó có thể cảm nhận được một nơi trên Internet mà mọi thứ đang tốt dần lên.

Noi-tot-dep-cuoi-cung-tren-Internet
Nguồn: wire.com

Một thách thức lớn với Wikipedia là khi nó được so sánh với bách khoa toàn thư Anh quốc Encyclopedia Britannica (Britannica) vào năm 2020. Thậm chí không phải là Britannica trực tuyến vẫn đang được phát hành mà là phiên bản in cuối cùng vào năm 2012.

Wikipedia và Britannica ít nhất có một điểm chung. Đó là ý tưởng xây dựng một bản tóm tắt đầy đủ kiến ​​thức của con người, một ý tường có từ nhiều thế kỷ. Và người ta luôn tìm cách tìm ra một chất liệu khác và tốt hơn giấy: H. G. Wells nghĩ rằng vi phim có thể là chìa khóa để xây dựng cái mà ông gọi là “Bộ não thế giới”; Thomas Edison đặt cược vào những lát niken mỏng. Nhưng đối với hầu hết những người còn sống trong những ngày đầu tiên của Internet, bách khoa toàn thư là một cuốn sách, đơn giản và dễ hiểu. Khi đó Wikipedia và Britannica là những khái niệm đối lập. Điểm mạnh của Britannica là các quy trình chỉnh sửa và kiểm tra tính xác thực nghiêm ngặt; danh sách những người đóng góp lừng lẫy của nó, bao gồm ba tổng thống Hoa Kỳ và một loạt người đoạt giải Nobel, người đoạt giải Oscar, tiểu thuyết gia và nhà phát minh. Và người ta đặt câu hỏi liệu những người nghiệp dư trên Internet có thể tạo ra một sản phẩm thậm chí tốt bằng một nửa Britannica hay không. Wikipedia khi đó chưa được tính đến, cách thức hoạt động “crowdsourcing” của nó thậm chí còn chưa tồn tại cho đến năm 2005, khi hai biên tập viên của WIRED đặt ra từ này.

Cũng trong năm đó, tạp chí Nature đã xuất bản một nghiên cứu so sánh chính thức đầu tiên. Kết quả cho thấy là ít nhất với các bài viết về khoa học thì hai nguồn gần như là tương đương: Britannica có trung bình ba lỗi cho mỗi chủ đề, trong khi Wikipedia trung bình có bốn lỗi. (Britannica khi đó cho rằng “toàn bộ khảo sát là sai và gây hiểu lầm”, nhưng Nature vẫn giữ nguyên quan điểm). Chín năm sau, một công trình khác từ Harvard Business School cho rằng Wikipedia có xu hướng thiên tả hơn Britannica – phần lớn là do các bài của Wikipedia dài hơn và do vậy chứa đựng nhiều từ ngữ dân túy hơn. Nhưng những sai lệch này sớm muộn cũng sẽ được sửa chữa. Nghiên cứu cho thấy một bài Wikipedia càng có nhiều chỉnh sửa thì sẽ càng trung lập hơn. Nói trên khía cạnh từ ngữ thì gần như không có xu hướng chính trị khác biệt giữa hai nguồn.

Nhưng không phải sự khác biệt quan trọng nào cũng dễ đo lường và so sánh như vậy. Ví dụ như người đọc thường có xu hướng đọc Wikipedia hàng ngày trong khi quyển Britannica thì lại quá đẹp đến nỗi nó thường để trưng bày hơn là để tra cứu. Bản Britannica mà tôi mua được ở lề đường, mặc dù bìa có hơi sờn nhưng gáy sách không bị bung và các trang giấy thì còn nguyên – dấu hiệu cho thấy nó ít được sử dụng trong suốt 50 năm. Và khi đọc qua những bộ mà tôi mang về nhà thì nội dung của nó gần như chỉ dành cho những ai hoài cổ.

Tôi nhận thấy các mục trong bản Britannica năm 1965 là có chất lượng nhất. Tuy nhiên có những đoạn khá hời hợt khiến nó trở nên không chính xác. Ví dụ như về hệ thống giáo dục Brazil, sách viết “tốt hay xấu tùy theo các thống kê mà bạn có được và cách mà bạn đánh giá chúng”. Hầu hết các bài do người da trắng viết và có khi cũ đến hơn 30 năm khi xuất bản. Peter Prescott chỉ trích sự chậm trễ đến nửa đời người này là “ổ bánh mỳ bách khoa toàn thư: dùng càng sớm càng tốt bởi chúng có thể thiu trước cả ngày hết hạn.“ Các biên tập viên của Britannica viết về điện ảnh sau cả nửa thế kỷ; bản năm 1965 còn không viết về Luis Buñuel, một trong những cha đẻ của phim hiện đại. Truyền hình thì dĩ nhiên là không, trong khi đó lại dành cả bốn trang cho Lord Byron (Tính bảo thủ này không chỉ có ở Britannica, tôi còn nhớ đã rất bối rối khi đọc bách khoa thư World Book viết về hẹn hò như là chia nhau cốc sữa lắc (milkshakes).

Chi phí cho việc biên tập những bài của bách khoa thư không hề rẻ. Theo một bài báo của The Atlantic năm 1974, các biên tập viên của Britannica nhận được 10 cent cho mỗi từ – tương đương 50 cent theo giá hiện tại. Nhiều khi việc được viết cả một chương bách khoa thư được coi như một phần thưởng. Thế nhưng người viết dường như không để tâm đến sự ưu ái này. Chủ biên thường xuyên phàn nàn vì họ chậm deadline, ứng xử bồng bột, lười biếng hay không khách quan. “Những người làm về nghệ thuật viết rất tốt, họ khiến chúng tôi gặp khó khăn nhất”, một biên tập viên nói với The Atlantic. Nếu tính với giá của Britannica thì bản Wikipedia sẽ có chi phí đến hơn 1.75 tỷ USD.

Noi-tot-dep-cuoi-cung-tren-Internet
Phiên bản in cuối cùng Encyclopedia Britannica (Britannica) là vào năm 2012. Nguồn: sru.edu

Có một hạn chế khác hiếm khi được nhắc tới về bách khoa toàn thư: theo một cách nào đó, chúng đang thu hẹp lại. Tổng độ dài của các cuốn bách khoa toàn thư bằng giấy tăng không đáng kể nhưng số lượng dữ kiện trong vũ trụ thì lại không ngừng tăng lên. Kết quả là nội dung từng mục giảm đi, viết tắt nhiều hơn. Đúng là một trò chơi có tổng bằng không, bởi vì thêm vào các bài mới có nghĩa là phải xóa hoặc cắt bớt những bài hiện có. Ngay cả những nhân vật nổi tiếng nhất cũng không tránh khỏi, ví dụ như mục nói về Bach bị thu hẹp lại chỉ còn hai trang trong ấn bản Britannica năm 1989.

Vào thời đại của Internet một cuốn bách khoa thư không giới hạn đã không còn là điều không tưởng mà đã thành sự hiển nhiên. Tuy nhiên vẫn còn một luồng quan điểm cho rằng cần lưu giữ một tư liệu mang tính chuyên gia, tiếp cận từ trên xuống như Britannica. Quan điểm này được sự đồng tình của cả những người tiên phong sáng chế ra Internet.

Vào năm 2000, đúng 10 tháng trước khi Wales and Larry Sanger đồng sáng lập ra Wikipedia, họ đã lập ra trang Nupedia để tìm kiếm các bài báo từ các nhà nghiên cứu nổi tiếng và đưa qua 7 vòng giám sát biên tập nữa. Nhưng trang web này không bao giờ phát triển; sau một năm chỉ có ít hơn hai chục bài (Wales, người đã tự viết một trong số các bài, nói với The New Yorker rằng “cảm giác giống như bài tập về nhà vậy.”). Khi Sanger nhận được thông tin về một công cụ phần mềm cộng tác có tên là wiki — từ wikiwiki của Hawaii có nghĩa là “nhanh chóng” – anh cùng Wales quyết định tạo ra một công cụ để tạo ra nội dung cho Nupedia. Họ không kì vọng gì vào nó nhưng chỉ trong vòng một năm Wikipedia đã có 20.000 bài báo. Một năm sau thì máy chủ của Nupedia gặp sự cố, trang web này trở thành một đống đổ nát còn hạt giống mà nó mang theo thì lại phát triển ngoài mong đợi.

Sanger rời Wikipedia vào đầu năm 2003, anh ta nói với Financial Times rằng anh ta chán ngấy với những “kiểu người theo chủ nghĩa troll” và “vô chính phủ”, những người “phản đối ý tưởng rằng bất kỳ ai cũng phải có một loại quyền hạn riêng mà những người khác không có”. Ba năm sau anh ta thành lập một trang đối thủ tên là Citizendium, được tạo ra để kết nối đối tác chuyên gia – người nghiệp dư. Cùng năm đó, một biên tập viên có ảnh hưởng khác của Wikipedia là Eugene Izhikevich đã tung ra Scholarpedia, một bách khoa toàn thư trực tuyến chỉ dành cho người được mời và có xét duyệt với trọng tâm là các ngành khoa học. Citizendium đã phải vật lộn để kêu gọi tài trợ và quyên góp nhưng hiện cũng đang hấp hối; Scholarpedia khởi đầu với ít tham vọng hơn nhưng giờ cũng chỉ có gần 2.000 bài. Nhưng đáng chú ý hơn là lý do vì sao các trang web này chết mòn? Chúng chỉ ra một vấn đề đơn giản nhưng dường như không thể giải quyết được, giống như vấn đề mà Nupedia gặp phải và Wikipedia đã phỏng đoán: đó là hầu hết các chuyên gia không muốn đóng góp cho một bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí.

Rào cản này tồn tại ngay cả ở những nơi có nhiều chuyên gia và nguồn tài liệu. Ví dụ như Napoléon Bonaparte là chủ đề của hàng chục nghìn cuốn sách. Vị tướng Corsican này có lẽ là nhân vật lịch sử được nhiều nhà sử học tâm huyết nhất. Nhưng cho đến giờ những học giả này, kể cả những người nhiệt tình hay đã nghỉ hưu, vẫn từ chối chia sẻ kiến thức của họ trên các trang bách khoa thư trực tuyến. Mục nhập của Citizendium về Napoléon chỉ dài khoảng 5.000 từ và lần cập nhật gần nhất là sáu năm trước. Cũng thiếu các sự kiện lớn như trận Borodino quyết định khiến 70.000 người tử vong hay sự kế vị của Napoléon II. Ngược lại, bài viết trên Wikipedia về Napoléon dài khoảng 18.000 từ và liên kết tới hơn 350 nguồn khác.

Noi-tot-dep-cuoi-cung-tren-Internet
Wikipedia đã tồn tại trong 20 năm. Nguồn: thestatesman.com

Những đối thủ của Wikipedia cũng cho thấy một vấn đề khác của mô hình từ trên xuống: có quá ít người đóng góp, nội dung phủ ít và khó lấp đầy khoảng trống. Mục khoa học thần kinh của Scholarpedia còn không đề cập đến serotonin hoặc thùy trán. Tại Citizendium, Sanger không công nhận các nghiên cứu của phụ nữ là một hạng mục chính, mô tả ngành học này quá “chính trị”. (Hôm nay, anh ta đính chính lại “đó không phải là về các nghiên cứu cụ thể về phụ nữ” mà vì đã có “quá nhiều sự trùng lặp với các nhóm khác.”) Mặt khác, một wiki với hệ thống phân cấp ngang hơn có thể tự điều chỉnh. Bất kể chủ đề nào có liên quan đến chính trị hay trừu tượng đến đâu thì đám đông sẽ có thể phát triển sự và hướng đến sự đồng thuận. Trên Wikipedia tiếng Anh, những mục đặc biệt gây tranh cãi như về George W. Bush hay Jesus Christ  có số lượng chỉnh sửa lên đến hàng nghìn.

Nguyễn Quang

Theo tiasang.com.vn/ Wired

 

Link nguồn: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Noi-tot-dep-cuoi-cung-tren-Internet-28218

CÙNG CHUYÊN MỤC