Góc chia sẻ: Đường về nhà ngoại
Chiếc cầu bê tông cuối cùng được các nhà hảo tâm trao tặng vừa xây xong, đường về nhà ngoại tôi xe máy đã có thể chạy đến tận nhà, không phải lụy ghe, nương theo con nước như ngày trước nữa…
Quê ngoại tôi thuộc diện vùng sâu của huyện, chuyên canh trồng cây ăn trái. Nơi này vẫn còn thưa nhà dân, mỗi nóc nhà được vườn cây ăn trái rộng bao bọc và ngăn cách bởi các con mương, nhánh sông nhỏ. Thiệt không quá khi ví nhà ngoại tôi như một ốc đảo nhỏ, mỗi nhà là một ốc đảo. Người dân muốn di chuyển từ ốc đảo này đến ốc đảo khác chỉ bằng duy nhất một phương tiện: ghe, hoặc là bơi tay bằng dầm hoặc là ghe gắn máy.
Hồi đó, mỗi lần về quê ngoại, chúng tôi chỉ chạy xe được đến nhà bà Năm hoặc ông Tám, rồi gửi xe, ngồi bến ghe chờ ngoại bơi ghe vô rước. Đó là hai bến ghe ngoại tôi thường lên xuống. Ở bến ghe ông Tám thì ngoại bơi vào đón chúng tôi sẽ gần hơn nhưng bến khó xuống, không cẩn thận là bước hụt bụp dừa nước té sông như chơi. Bến ghe bà Năm thì xa hơn nhưng xuống bến dễ dàng hơn. Sau này khi có điện thoại liên lạc còn đỡ, khi đến bến ghe, chỉ cần alo một cú điện thoại là tầm 15 – 20 phút sau ngoại đã vào đón. Khi chưa có điện thoại, mẹ con chúng tôi thường mượn ghe của bà Năm hoặc ông Tám, rồi bơi vào nhà ngoại, sau đó ngoại và mẹ tôi, mỗi người một ghe, sẽ bơi ngược ra trả ghe cho ông bà.
Tuy bất tiện là vậy, chưa kể tốc độ và thời gian bơi ghe nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nước ngược hay nước xuôi, lên xuống bến còn phụ thuộc con nước lớn hay ròng, nhưng đường về nhà ngoại rất đẹp. Dòng nước đục màu phù sa lững lờ trôi với hai bên là hai hàng dừa nước xanh mướt mắt, thả dáng cong cong ôm theo đôi bờ, thỉnh thoảng xen vài cây bần de hoặc bụi ô rô. Tôi thích nghịch nước nên hay thả tay xuống sông cho nước chảy qua kẽ tay, có khi vớt được cây lục bình hoặc nhánh dầm là kéo theo ghe, nhìn con sóng liu riu được chúng tạo nên cũng thích mắt. Và cảm giác đến gần nhà ngoại luôn háo hức đến lạ, ngôi nhà trên bến sông dần hiện ra, thấp thoáng sau hàng dừa nước, từ nho nhỏ rồi dần dần hiện ra thiệt to rõ, quen thuộc, thân thương làm sao. Cảm giác ấy mãi sau này tôi không còn cảm nhận được nữa, khi có cây cầu nối nhịp đôi bờ…
Tầm 10 năm trước, các nhà hảo tâm về xây cho quê ngoại tôi cây cầu bê tông thiệt to. Từ đó, các hộ dân trong ấp cùng nhau góp thân dừa, thân cau để làm cầu tạm bắc qua các con mương, nối liền các vườn trái cây làm đường đi. Mỗi lần về ngoại, chúng tôi đã có thể tự đi bộ vào nhà mà không cần phải gọi ngoại vào rước hay lo nước lớn nước ròng. Đường về nhà ngoại đã thuận tiện hơn, nhưng tôi mất đi cảm giác háo hức khi thấy ngôi nhà của ngoại từ dưới bến ghe ngó lên.
Năm nay các cây cầu tạm bằng thân dừa, thân cau được thay thế hoàn toàn bằng cầu bê tông, hoặc do nhà hảo tâm trao tặng, hoặc dân góp tiền vào xây. Con đường xuyên qua các vườn trái cây cũng được thổi cát chắc chắn hơn. Xe máy đã có thể chạy vào tận nhà ngoại, thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Quê ngoại tôi đã không còn là vùng sâu khó tiếp cận nữa, ghe không còn là phương tiện độc tôn nữa. Biết rằng giao thông thuận tiện sẽ dễ dàng cho ngoại và mọi người nhưng tôi chẳng thấy vui. Phải chăng vì ký ức tuổi thơ đã in sâu những điều giản đơn nhưng đẹp đẽ đó? Hay bởi những đổi thay nào cũng phải có mất mát của chính nó? Tôi nhớ con đường ghe về nhà ngoại biết bao!
Xa Xứ