fbpx

Địa đạo Củ Chi – khám phá dưới một góc nhìn khác

Sau hơn 4 năm xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, địa đạo Củ Chi lại gây chú ý với việc được UBND TP.HCM chọn lập hồ sơ trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới. Không hẳn như suy nghĩ của nhiều người, đi thăm di tích địa đạo chỉ phù hợp với các cựu chiến binh, những ai quan tâm đến các cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây, mà ở đó, bạn còn có dịp nhìn ngắm lại một không gian sống với những hình ảnh, khung cảnh gợi ít nhiều kỷ niệm nhịp sống cũ ven đô.

Đến địa đạo Củ Chi, khi dành thời gian khám phá khu tái hiện vùng giải phóng, bạn sẽ gặp không gian quen thuộc gợi nhớ vùng quê bình yên với cau trầu trước ngõ.
Du khách tỏ ra ưa thích việc chụp hình khung cảnh ngoại ô Sài Gòn đặc trưng của một vùng tre trúc, chung với những người nộm nhìn xa như thật.
Giàn mướp leo trước sân hẳn từng là khung cảnh ở quê nhà của rất nhiều người.
Nhà mái lá vách đất bây giờ hầu như tuyệt tích ở Sài Gòn và nhiều vùng quê khác.
Mái nhà bằng lá trung quân huyền thoại. Đây là một loại lá của cây rừng, dài chừng 40 – 45cm, rộng 5 – 6cm, hình dáng và kích thước gần giống lá cây ngọc lan. Lá được hái về chằm thành tấm tranh dài hơn 2m, ép các tấm tranh qua một, hai đêm cho phẳng rồi lợp. Sau khoảng nửa tháng, lá trung quân khô chuyển màu nâu sáng, giống như màu ngói mới lợp.
Những vật dụng quen thuộc của gian bếp mà bây giờ khó có thể kiếm được trong nhịp sống gia đình hiện đại.
Củ Chi có nghề làm bánh tráng truyền thống nổi tiếng và đây là một căn nhà như thế, với khung cảnh được phục dựng đúng như xưa.
Bàn thờ gia tiên và khung thờ bằng tranh kiếng ở gian giữa căn nhà vốn rất quen thuộc ở nhiều gia đình Sài Gòn và miền Tây Nam bộ nhiều thập kỷ qua.
Bên cạnh căn hầm bí mật quen thuộc thời chiến tranh là cái lồng bàn bằng mây của mọi nhà và bộ ấm chén bằng gốm quen thuộc ở thập niên 60 – 70.
Chiếc chiếu cói và cái gối gỗ. Vật gối đầu một thời ai cũng dùng này bây giờ bạn chỉ có thể nhìn thấy trong các phim cổ tích, cổ trang.
Vật dụng không thể thiếu được trong nhịp sống cũ khi điện đóm chập chờn, kể cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Những chiếc đài bán dẫn, radio cassette một hộc băng quen thuộc một thời từng là tài sản giá trị của gia đình và là phương tiện giải trí, nắm thông tin chủ yếu gần như duy nhất, khi việc sắm sửa một chiếc tivi còn rất khó vì đắt đỏ.
Sau 1975, những vật dụng từ thời chiến tranh như bi-đông nước này vẫn được sử dụng trong đời sống hằng ngày một thời gian dài trước khi biến mất. Bây giờ nó là hàng hiếm được giới sưu tập đồ cũ ưa chuộng.
Nơi đây có riêng một không gian dựng mô hình các cây cầu quen thuộc ở Việt Nam thu nhỏ và các công trình nổi tiếng của Huế – Sài Gòn – Hà Nội thu nhỏ như Ngọ Môn, Bến Nhà Rồng, chùa Một Cột.
Bạn có nghĩ rằng đây là khu di tích địa đạo Củ Chi, vùng đất một thời bom đạn triền miên suốt mấy mươi năm không?

Bài & ảnh: Sơn Trà

 

CÙNG CHUYÊN MỤC