fbpx

Hơn 90% doanh nghiệp lữ hành TP.HCM tạm ngưng hoạt động do đợt dịch thứ hai

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai tại các tỉnh miền Trung kể từ ngày 25/7 khiến 90 – 95% doanh nghiệp lữ hành TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động. Số ít còn hoạt động để xử lý công nợ, nhân viên chia ca làm việc trực tuyến hoặc nghỉ không lương.

 

Theo báo cáo của sở Du lịch TP.HCM ngày 20/8, khoảng 90 – 95% doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố hiện đã tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đợt dịch thứ hai bùng phát trở lại kể từ ngày 25/7.

Việc đóng cửa để phòng chống dịch tại các địa phương, đặc biệt các tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành. Số ít doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng chủ yếu xử lý công nợ với đối tác và khách hàng, với hình thức nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không lương.

doanh-nghiep-lu-hanh-tp-hcm
Theo báo cáo cở Sở Du lịch, công suất phòng lưu trú hiện giảm 91,5% và số lao động giảm 61% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát hồi đầu năm đã khiến ngành du lịch TP.HCM gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong tháng 4 ngành gần như “đóng băng” do yêu cầu giãn cách xã hội.

Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, từ tháng 5 đến tháng 7, ngành du lịch thành phố bước vào giai đoạn “bình thường mới” với khoảng 35 – 40% doanh nghiệp hoạt động trở lại, theo báo cáo.

Đánh giá sơ bộ từ buổi gặp gỡ các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu thành phố ngày 27/7 cho thấy, đa số khách hàng đã hủy các chương trình du lịch đến Đà Nẵng, các tuyến du lịch miền Trung, Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt cho đến tháng 9.

Mỗi ngày các doanh nghiệp lữ hành chỉ phục vụ vài đoàn khách, chủ yếu di chuyển bằng đường bộ đến các địa phương không có người nhiễm bệnh và gần thành phố như Vũng Tàu, Phan Thiết và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên số lượng tour tổ chức chỉ bằng 3 – 5% so với dự kiến.

Hầu hết doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn. Thực tế các dịch vụ du lịch thực hiện từ ngày 26/7 đến 1/8 đã được các doanh nghiệp lữ hành thanh toán 100% cho đối tác, nhưng doanh nghiệp phải hoàn trả 100% số tiền do khách hủy các chương trình này.

Đối với hoạt động của cơ sở lưu trú, công suất phòng hiện giảm 91,5% và số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ. Trong đó có 87% lao động nghỉ không lương và 12,6% chấm dứt hợp đồng lao động.

Từ khi dịch bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, đa số đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại các khách sạn bị hủy. Các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng với quy mô từ 30 khách trở lên cũng bị hủy. Tình trạng này tiếp tục tác động đến kết quả kinh doanh và tình hình nhân sự ở các khách sạn. Một số nơi bắt đầu tinh giảm biên chế, chia ca làm việc 2 – 3 ngày mỗi tuần.

Dự báo các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn so với trước đây, sở Du lịch thành phố đã đề xuất bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch theo hai kịch bản: dịch được khống chế trong tháng 9 và dịch kéo dài đến hết năm 2020.

Ở kịch bản đầu tiên, sẽ tiếp tục kích cầu du lịch nội địa, liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan để tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn, an toàn và cạnh tranh. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về các tiêu chí an toàn trong du lịch, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Còn ở kịch bản thứ hai, ngành du lịch sẽ tập trung thêm vào các nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới để tái khởi động kinh doanh khi dịch được khống chế.

Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Năm 2019 ngành du lịch thành phố đón 8,6 triệu lượt khách quốc tế và gần 33 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng doanh thu ngành 140.017 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2018.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sáu tháng đầu năm tổng số khách đến TPHCM chỉ đạt 9,4 triệu lượt – giảm 54,7%, trong đó chỉ có 1,3 triệu lượt khách quốc tế – giảm 69% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch sáu tháng chỉ đạt 34.099 tỉ đồng, giảm gần 50% mức cùng kỳ năm trước.

Bích Trâm

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/hon-90-doanh-nghiep-lu-hanh-tphcm-tam-ngung-hoat-dong-do-dot-dich-thu-hai-12575.html

CÙNG CHUYÊN MỤC