fbpx

TP.HCM sớm đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt cạnh lăng Ông?

Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đang triển khai lấy ý kiến người dân về việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu), xuất phát từ đề xuất của ông Trần Văn Sung – Phó ban quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt.

Đường Lê Văn Duyệt trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ảnh: GARY MATHEWS

Bản kiến nghị của ông Trần Văn Sung nêu rõ 5 lý do về việc cần đổi tên cho đoạn đường này: Trước tiên, đó là xét công lao to lớn của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với người dân miền Nam. Thứ hai, di tích và phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt là di tích quốc gia nằm ngay trên trục đường này. Thứ ba, theo Điều 5 Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP) thì đường Đinh Tiên Hoàng trùng tên ở nhiều quận, huyện khác nhau (ở Q.1, Q.9, Q.Bình Thạnh) và ngay trong chính Q.Bình Thạnh cũng trùng, khi có Đinh Tiên Hoàng lẫn Đinh Bộ Lĩnh.

Thứ tư, tên đường hiện nay ở khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cũng có các đường mang tên các vị quan trong triều Nguyễn như: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa… Vì vậy, nếu đặt tên đường Lê Văn Duyệt sẽ tạo thành một cụm trong khu vực để người dân dễ nhớ, dễ tìm. Và thứ năm, trên đường Đinh Tiên Hoàng hiện tại nằm trọn trên P.1 và P.3 thuộc Q.Bình Thạnh, do đó nếu có thay đổi tên đường Lê Văn Duyệt thì số nhà trên đường này vẫn được giữ nguyên.

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: T.L LĂNG ÔNG

Được biết từ năm 1874, người Pháp đã đặt tên cho con đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay là Avenue de I’Inspection. Tuy nhiên hai bên có trồng bàng nhiều nên người dân cứ thế quen gọi là đường Hàng Bàng.

Trước 1975, đoạn từ Cầu Bông (Q.1, TP.HCM) đến đoạn giao với đường Phan Đăng Lưu (trước UBND Q.Bình Thạnh) từng được mang tên Tả quân Lê Văn Duyệt; đến tháng 8.1975 mới đổi tên thành Đinh Tiên Hoàng cho đến nay. Chưa kể, trước năm 1975 ở Sài Gòn còn có thêm một con đường mang tên Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần ngã tư Bảy Hiền).

Lăng Ông nằm cạnh đường Đinh Tiên Hoàng (trước đây là đường Lê Văn Duyệt). Ảnh: QUỲNH TRÂN

Hiện nay, các hộ dân khu vực P.1 và P.3, Q.Bình Thạnh đã nhận được phiếu lấy ý kiến về việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành đường Lê Văn Duyệt. Đoạn đường lấy ý kiến về việc đổi tên này dài 947m, với điểm đầu là cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu hiện hữu.

Khắc ghi công lao của bậc tiền nhân

Trước những luồng ý kiến còn phân vân, nhà nghiên cứu Lưu Chánh nêu quan điểm: “Việc khôi phục là đặt tên đường cho Tả quân Lê Văn Duyệt là hoàn toàn xứng đáng. Theo tôi, chúng ta hãy gạt bỏ qua những yếu tố chính trị của thời đại để đánh giá đúng bản thân ông có công lao rất to lớn trong việc hình thành và mở mang bờ cõi rộng lớn, thời ông còn làm Tổng trấn thành Gia Định trong thời gian khá dài. Trả lại tên đường cho ông vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính tôn vinh đối với người có công lớn đối với lịch sử dân tộc”.

Còn theo nhà nghiên cứu Trần Đình Ba: “Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) là nhân vât lịch sử đặc biệt, một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn. Lê Văn Duyệt đóng vai trò quan trọng trong buổi đầu của chính quyền vương triều Nguyễn. Từ một thái giám, ông theo chúa Nguyễn Ánh tham gia xây dựng lực lượng ở Gia Định (1790 – 1802), rồi làm Tổng trấn thành Gia Định 2 lần (1813-1816 và 1820 -1832). Khi mất, ông còn được vua Minh Mạng truy phong hàm Thái Bảo. Lăng của ông được xây dựng theo biểu thức của ngôi mộ dành cho công thần bậc nhất lúc bấy giờ ở Nam Bộ và trở thành công trình kiến trúc nghệ thuật rất có giá trị”.

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, cho biết: “Tất cả các thành viên của ban quản lý di tích đều bảo lưu quan điểm là muốn đặt tên đường lại cho Đức Ông tại ngay bên cạnh lăng, vừa tạo thành quần thể không gian kiến trúc cho di tích lăng của Tả quân, vừa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống. Nếu tên ông được trả lại bằng tên một con đường thì quá tốt. Làm sớm ngày nào thì càng tốt ngày đó”.

Hàng ngày, người dân và du khách vẫn đến viếng đức Tả quân rất đông. Ảnh: QUỲNH TRÂN

Nhà báo Nguyễn Hạnh, Phó tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay, thông tin thêm: “Năm 2000, tạp chí chúng tôi đã từng tổ chức hội thảo về Tả quân Lê Văn Duyệt có sự tham dự của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi xin đọc nguyên văn lời phát biểu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại hội thảo khi ấy: ‘Có thể nói Lê Văn Duyệt là tài năng lịch sử về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó. Điều đó là có thật nên phải được đánh giá cho khách quan’. Sau đó, năm 2010, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có văn bản do ông Dương Trung Quốc ký gửi Thành ủy TP.HCM đề nghị nên có tên đường cho Tả quân Lê Văn Duyệt“.

Đồng tình với quan điểm của bà Lâm Thị Hoàng Oanh và nhà báo Nguyễn Hạnh, nhà nghiên cứu Trần Đình Ba chia sẻ thêm: “Đặt lại tên đường cho Tả quân Lê Văn Duyệt, theo tôi đây là việc quá nên làm. Trước đây, thành phố từng lấy đoạn đường mang tên ông nối với Đinh Tiên Hoàng rồi, bây giờ trả lại cho Tả quân cũng là điều hợp lý, đúng cả về lịch sử và cả về tâm linh văn hóa. Người xưa có câu “thương dân, dân lập đền thờ”, đối với Tả quân cũng vậy. Tôi được biết đến bây giờ, các hoạt động tâm linh văn hóa vẫn diễn ra tại lăng Ông hàng năm. Rõ ràng, công đức Tả quân vẫn lớn trong dân, vì cụ có công lao với phương Nam và gắn bó mật thiết với người dân nên được dân yêu, dân kính“.

Theo tài liệu của Phòng Di sản văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM): Tên đường Sài Gòn được hình thành từ thời Nguyễn. Trong những năm đầu thời Pháp thuộc, ở Sài Gòn có khoảng 39 tên đường nhưng hầu hết đều là tên không chính thức và được đánh số. Năm 1865, Thống đốc De la Grandière quyết định đặt tên đường theo tên của những nhân vật đã có đóng góp công sức trong việc thành lập thuộc địa mới hoặc đã đóng góp vào việc truyền bá đạo Thiên Chúa hay văn hóa Pháp ở đây.

Ngày 14/7/1865, Thống đốc Rozé ký quyết định đặt tên cho 31 con đường, trong đó dùng rất nhiều địa danh như An Nam, Mỹ Tho, Chợ Quán và các tên gọi có từ trước như đường Thợ Thủ Công, Cây Mai, Kinh Đào, bến Mễ Cốc… các tên cầu cũng được đặt theo cách gọi dân gian hơn như cầu Xóm Chỉ, cầu Chợ Lớn, cầu Xóm Củi, cầu Ông Lớn. Sau này, chính quyền Sài Gòn cho Việt hóa hầu hết các tên đường của thành phố và cả các vùng của khu đô thị Sài Gòn thuộc địa phận tỉnh Gia Định lúc bấy giờ như Bà Chiểu, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bảy Hiền, Ông Tạ, chỉ giữ lại một số ít tên những người Pháp nổi tiếng như Pasteur, Calmette, J.J.Rousseau, Alexandre de Rhodes…

Tại TP.HCM, lần đổi tên đường quy mô năm 1975 đã đổi tên 51 con đường; năm 1985 đã đổi tên 93 con đường; năm 2000 đã đặt, đổi tên mới cho 376 con đường.

Lê Công Sơn

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/tphcm-som-dat-lai-ten-duong-le-van-duyet-canh-lang-ong-1235477.html

CÙNG CHUYÊN MỤC