fbpx

“Bất tử số” gây tranh cãi

Chúng ta đang tiến gần đến việc tái tạo lại hình ảnh và ký ức của những người đã mất. Nhưng liệu chúng ta có nên làm điều đó?

Năm 2016, cô con gái nhỏ của Jang Ji-sung là Nayeon đã qua đời vì một căn bệnh liên quan đến máu. Nhưng vào tháng 2 vừa qua, cô đã được “gặp lại” con gái của mình thông qua một ứng dụng thực tế ảo.

Các chuyên gia đã xây dựng lại hình ảnh cô con gái của Jang Ji-sung bằng cách sử dụng công nghệ ghi lại chuyển động thường được dùng cho các phim tài liệu.

Công nghệ VR giúp một người mẹ người Hàn Quốc gặp lại cô con gái đã mất của mình. Ảnh: Cnet

Công nghệ giúp gặp lại người đã khuất

Đó là khoảnh khắc không thể tin được”, cô Jang cho biết. “Tôi đã gặp Nayeon, được thấy nó cười dù trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điều này cứ như là một giấc mơ vậy”.

Trước đây, có khá nhiều chuyên gia, đặc biệt là những nhà làm phim khoa học viễn tưởng quan tâm đến sự bất tử. Liệu điều đó có thật sự tốt? Câu hỏi được đặt ra ở đây là chúng ta có nên sử dụng công nghệ để dựng lại hình ảnh của người đã mất hay không? Và nếu chúng ta làm, điều đó sẽ được đón nhận như thế nào?

Mối quan tâm về sự bất tử có lẽ bắt đầu từ năm 1960, khi ý tưởng về việc đóng băng và giữ xác người với hy vọng hồi sinh họ trong tương lai. “Đã có một vài thay đổi trong giới khoa học về cái chết vào thời điểm đó”, John Troyer, tác giả của cuốn Technologies of the Human Corpse cho biết.

Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào thật sự cho thấy tiềm năng về lĩnh vực hồi sinh người chết. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE vào năm 2016 đã phát hiện ra rằng việc phơi bộ não trước các đầu dò hóa học và điện có thể khiến não hoạt động trở lại ở một mức độ nào đó.

Các nghiên cứu này là một canh bạc cho tương lai”, ông Troyer nói. “Tôi chỉ cố gắng thuyết phục mọi người rằng điều đó là không thể”.

Hiệu ứng Black Mirror

Những thí nghiệm hay việc sử dụng công nghệ để tái tạo hình ảnh của người đã mất gây ra nhiều ý kiến trái triều.

Vào năm 2015, một người bạn thân của Eugenia Kuyda, nhà đồng sáng lập của công ty Replika, đã mất sau một vụ tai nạn giao thông. Để tưởng nhớ về người bạn của mình, cô đã tạo ra một chatbot chứa hàng nghìn tin nhắn giữa hai người trong nhiều năm. Đó gần như là một phiên bản kỹ thuật số của người bạn của cô.

Trong lần đầu tiên sử dụng chatbot, Kuyda cho biết cô rất ngạc nhiên khi thấy nó hoạt động gần gũi đến mức như đang nói chuyện với người bạn của mình. “Nó thật sự khiến tôi cảm thấy xúc động. Tôi không mong muốn những cảm xúc như vậy xuất hiện”, cô cho biết.

Kyuda đã tạo ra chatbot để nói chuyện với người bạn thân đã mất. Ảnh: Cnet.

Điều này khá giống với bộ phim khoa học viễn tưởng Black Mirror. Trong phim, một người phụ nữ trẻ có bạn trai bị mất sau một vụ tai nạn xe hơi. Cô đã đăng ký vào dự án cho phép nói chuyện với phiên bản thực tế ảo của người bạn trai đã mất. Tuy nhiên, sau đó cô nhận ra phiên bản này sẽ không bao giờ giống với người bạn trai đã mất của cô.

Mặc dù vậy, Kuyda cho biết chatbot được cô tạo ra với mục đích cá nhân chứ không vì mục đích nào khác. Phiên bản kỹ thuật số này có khả năng sao chép cách một người bình thường giao tiếp, nhưng nó sẽ dựa trên những điều họ đã từng nói trong quá khứ chứ không thể tự đưa ra các ý kiến mới.

Bạn chỉ có thể xây dựng cái bóng của một người chứ không thể tạo ra một phiên bản khác của họ”, Kuyda nói thêm. Có lẽ rào cản lớn nhất để tạo ra AI về một người đã mất là dữ liệu. Những thứ tồn tại trên mạng xã hội thường không tồn tại mãi mãi. Nếu một công ty đóng cửa, những dữ liệu về một người cũng sẽ biến mất.

Bảo tồn não bộ

Một trong những khái niệm khoa học viễn tưởng trong lĩnh vực số hóa cái chết đến từ Nectome, một công ty làm có ý tưởng bảo tồn não thông qua các hình thức ướp xác công nghệ cao.

Nectome đã lên kế hoạch thử nghiệm với các tình nguyện viên bị bệnh nan y ở California. Tính đến tháng 3 năm 2018, đã có 25 người tham gia vào dự án bảo tồn não của Netcome.

Mặc dù thu hút được một khoản tài trợ và đầu tư của nhiều công ty, trong đó bao gồm MIT, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng việc cố gắng bảo tồn và cấy ghép các dữ liệu mới vào một bộ não đã ngừng hoạt động là điều không thể. Đó là lý do khiến Netcome bị MIT chấm dứt hợp đồng trong năm 2018.

Khoa học chưa đủ tiến bộ để bảo tồn tất cả các loại sự sống. Và chúng ta cũng không biết liệu có thể tái tạo ý thức của một người hay không”, người phát ngôn của MIT cho biết.

Trong khi đó, một ứng dụng có tên là Augmented Eternity được ra đời nhằm mục đích giúp tái tạo hình ảnh của người đã mất dưới dạng thực tế ảo. Hossein Rahnama, giám đốc điều hành của công ty FlyBits đã tìm kiếm các đại lý và đối tác để phát triển phần mềm này.

Millennials đang tạo ra hàng tá gigabyte dữ liệu mỗi ngày, thứ giúp chúng tôi có thể tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của chính mình”, Rahnama nói.

Tái tạo những bộ não đã ngừng hoạt động là điều bất khả thi. Ảnh: Cnet.

Augmented Eternity sử dụng các dữ liệu từ email, ảnh, mạng xã hội để tạo ra công cụ kỹ thuật số. Nó phân tích cách mọi người suy nghĩ, hành động và cách họ phản ứng với những gì diễn ra xung quanh. Bạn có khả năng tương tác với ứng dụng này, tương tự với cách sử dụng Siri trên iOS.

Mục đích của phần mềm này là để thúc đẩy trí tuệ của nhân loại. Tôi cũng thích các ý tưởng về kỹ thuật số. Thông qua đó, tôi có thể tìm hiểu được rất nhiều thứ”, Rahnama cho biết.

Trong Phòng thí nghiệm tại Đại học Osaka, Nhật Bản, đạo diễn Hiroshi Ishiguro đã xây dựng hơn 30 robot giống như thật, bao gồm cả phiên bản robot của chính mình. Ông là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về tương tác giữa người và robot.

Mục đích của tôi là hiểu về con người bằng cách tạo ra một con robot giống con người nhất có thể”, Ishiguro nói. Ông cũng nói rằng nếu mình qua đời, phiên bản robot của ông có thể thay ông giảng dạy cho sinh viên. Tuy nhiên, nó sẽ không bao giờ giống thật.

Đạo diễn Ishiguro và bản sao robot của mình. Ảnh: Cnet.

Chúng tôi không thể truyền ý thức của mình cho robot”, Ishiguro nói thêm. “Chúng tôi vẫn có những ý thức độc lập. Tôi nghĩ trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ, ranh giới giữa con người và máy móc sẽ tương đối mơ hồ”.

Ngày nay, con người đã có công nghệ để tự cải thiện gen và nâng cấp cho các phiên bản robot. “Mục đích quan trọng nhất của chúng tôi là tìm hiểu câu trả lời cho khái niệm con người là gì. Đó là lý do khiến robot trở nên quan trọng trong công cuộc nghiên cứu về con người của chúng tôi”, ông Ishiguro cho biết.

Quốc Anh

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/bat-tu-so-gay-tranh-cai-post1090593.html

CÙNG CHUYÊN MỤC