fbpx

Bố cục và không bố cục

Nhiếp ảnh là một ngành nghệ thuật tạo hình, về cơ bản có những mối tương đồng và tương dị với các ngành nghệ thuật khác.
Chúng ta sẽ hiểu rằng, việc mượn cấu trúc bố cục của hội họa hay kiến trúc vào nhiếp ảnh, chỉ là mối duyên hờ, vì nhiếp ảnh vốn sinh sau đẻ muộn. Nhưng tự thân nhiếp ảnh vẫn có những ngôn ngữ riêng của mình, và cấu trúc ngôn ngữ cũng không hoàn toàn giống với các ngành nghệ thuật tương cận. Trong khi các ngành nghệ thuật khác luôn đề cao “tính hài hòa”, “sự cân bằng”, “các quy tắc vàng, tỷ lệ vàng”… thì với nhiếp ảnh, người ta lại luôn đề cao khuynh hướng “phá bố cục”, “bố cục là không bố cục”, “bố cục là sự tự nhiên”. Và nếu xem kỹ những bài viết về bố cục, ta sẽ thấy sự khiên cưỡng hết sức, khi họ cố gắng lồng ghép các chi tiết vào những cái khuôn mà họ xem là “chuẩn”, “vàng”, trong khi nội dung chẳng nói được gì.

Ảnh minh họa: NAG Trung Thu

Bên cạnh đó, các giám khảo ở những cuộc thi “lại chỉ biết dựa vào những khuôn thước này” để chấm, để thẩm định. Vì nếu không dựa vào những tiêu chí này, có khi họ sẽ chẳng biết “lấy tiêu chuẩn ở đâu để định sự hơn kém”. Giả như khi chúng ta muốn diễn tả “một nhân vật vừa bước vào khung ảnh”, việc đặt nhân vật ở vị trí “1/3” (còn gọi là đường – điểm mạnh) với việc cho nhân vật nằm ngay nét cắt nửa mặt (trong tư thế vừa xuất hiện), thì cách nào sẽ “đắc thế hơn”, “dễ hiểu hơn”.
Tương tự thế, khi cho nhân vật “sắp giã từ cuộc chơi”, “chuẩn bị rời đi”, “sắp qua đời”… mà đặt nhân vật ở vị trí 1/3 với sát rìa khung ảnh, thì cách nào rõ nghĩa hơn. Hoặc giả, nếu muốn thể hiện “vị trí độc tôn”, “sự trân trọng tuyệt đối”, “lãnh tụ” thì người ta sẽ không ngại ngần gì đặt nhân vật vào ngay chính giữa khung ảnh, nhằm tạo sự tôn vinh, trang trọng nhất, mạnh mẽ nhất.
Thật hết sức khiên cưỡng và kỳ quái, một mặt thì “khuyến khích sự sáng tạo, mặt khác, khi thẩm định lại dựa theo những cái khuôn xưa cũ vốn như những định kiến, phép tắc cổ điển, để “xem xét”. Và hầu như 90% các tình huống chấm ảnh, các giám khảo sẽ loại ngay vòng đầu những tác phẩm ảnh “không đáp ứng luật cơ bản của bố cục cổ điển”… mà bất chấp nội dung thể hiện ra sao.
Nếu như có thể lý giải được “lý do tồn tại của các chất liệu”, “tại sao chúng ở đây mà không ở kia”, “cảm giác muốn chuyển tải đến người xem là gì” thì có lẽ thuật ngữ “bố cục” không còn lý do tồn tại, hoặc ít nhất nó được tồn tại dưới một nghĩa mới “bố cục là không bố cục”.

Nhiếp ảnh gia Trung Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC