Khó phạt hút thuốc lá nơi công cộng
Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã ban hành nhiều năm nhưng thực tế luật cấm cứ cấm, người hút thuốc cứ vô tư hút.
Đón xe buýt tranh thủ hút 1 điếu thuốc lá; chờ lấy hồ sơ tại UBND huyện cũng hút 1 điếu thuốc; thậm chí nằm viện cũng tranh thủ hút 1 điếu… Thói quen này rất bình thường đối với người nghiện thuốc lá dù luật đã quy định hành vi này sẽ bị phạt.
Phả khói thuốc vào mặt trẻ em, phụ nữ
Sáng 26/12, khuôn viên ngoài trời trước Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đông nghẹt người đón xe buýt hoặc chờ mua vé xe khách. Trong số này có rất đông người già, phụ nữ và trẻ em nhưng vẫn có cả chục người phì phèo thuốc lá. Ồn ào bởi những tiếng còi xe, ngột ngạt do thời tiết nóng bức, cộng thêm khói thuốc phả thẳng vào mặt, nhiều phụ nữ, trẻ em phải bịt kín khẩu trang hoặc bỏ đi nơi khác.
Tại bến xe này, các cổng chính và hành lang lối vào gắn hàng loạt bảng khuyến cáo hoặc biển cấm hút thuốc lá. Có những poster mô tả sự “hủy diệt” của khói thuốc với sức khỏe của con người nhưng dường như không có tác động đến những người hút thuốc.
Không chỉ ở bến xe, ghi nhận thực tế tại nhiều không gian công cộng khác, hút thuốc lá như một việc hiển nhiên, thậm chí trong các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học… Đơn cử như tại khuôn viên Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh), dù hàng loạt bảng cấm hút thuốc được gắn nhưng nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc. Đáng nói là có những người đàn ông dẫn theo con nhỏ, bế con trên tay nhưng vẫn vô tư rít thuốc rồi vứt bừa bãi xuống đất.
Trong khi đó, theo chị Hạ Giang (ngụ quận Bình Thạnh), vấn đề bức xúc nhất mà chị thường gặp là có người vừa chạy xe vừa hút thuốc. Không chỉ khói mà tàn thuốc còn theo gió hắt vào người đi sau. “Đi đường vừa chịu kẹt xe vừa nắng nóng, lại bị thêm chịu mùi khói thuốc phả thẳng vào mặt thì chẳng khác gì tra tấn. Có lần tôi không chịu được và nhắc nhở 1 thanh niên chạy xe máy hút thuốc thì người này không những không nghe mà tôi còn bị mắng lại” – chị Hạ Giang bức xúc.
Rắc rối xử phạt
Theo giám đốc một bệnh viện tại quận Thủ Đức (TP.HCM), việc xử phạt những trường hợp hút thuốc lá tại bệnh viện rất khó thực hiện do thẩm quyền liên quan đến nhiều đơn vị như thanh tra liên ngành về y tế, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an… Mặt khác, các cơ quan chủ quản có thẩm quyền lại thiếu lực lượng chuyên trách và tình trạng trên diễn ra quá phổ biến nên không quản lý hết.
Vị bác sĩ này cũng giãi bày, hiện nay việc hạn chế và khuyến cáo chủ yếu qua các biện pháp như tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, gắn biển cấm hút thuốc cùng việc ghi rõ mức phạt cho từng trường hợp… Còn thực tế, khi phát hiện người hút thuốc ở khu vực cấm, nhất là những người không thuộc sự quản lý của bệnh viện thì chỉ có thể nhắc nhở, mời ra ngoài chứ không thể xử phạt.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết khu vực nhà ga cấm hút thuốc lá. Đối với người vi phạm, quản lý bến chủ yếu nhắc nhở vì không có thẩm quyền xử phạt. “Chúng tôi chủ yếu xử phạt đối với các hộ, cá nhân kinh doanh, đơn vị vận tải thuê địa điểm trong nhà ga vi phạm điều khoản trong hợp đồng ký kết với bến xe về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng chứ không xử phạt hành khách được” – ông Huy nói.
Chia sẻ thêm, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, thừa nhận từ trước đến nay việc hút thuốc lá nơi công cộng tại bến xe này chủ yếu được nhân viên bến nhắc nhở, chưa xử phạt. Năm 2020, bến xe sẽ đưa điều khoản “không hút thuốc lá” vào hợp đồng với các cá nhân, đơn vị vận tải, xe ôm, hàng rong… nếu vi phạm hút thuốc lá sẽ bị phạt mức tối đa 300.000 đồng/lần. Ngoài ra, hợp đồng cũng cấm người bán hàng rong bán thuốc lá, nếu vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng với bến xe. Riêng CB-CNV của bến xe nếu hút thuốc sẽ bị phạt 10% tháng lương.
Mức phạt quá thấp Điều 11 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: bệnh viện, trạm y tế; trường học (trừ trường cao đẳng, học viện); nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra có 3 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm: Cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng. Ngoài ra, luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc lá trên máy bay, ôtô, tàu điện. Đối với hành vi vi phạm, chủ thể có thể bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng theo điều 23, quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ. |
Gia Minh – Thu Hồng
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/kho-phat-hut-thuoc-la-noi-cong-cong-20191226225243008.htm